30/01/2009 09:23 GMT+7

Bảo tàng Mường của chàng trai trẻ

TRẦN ĐÌNH TÚ
TRẦN ĐÌNH TÚ

TTXuân - Một buổi sáng chớm xuân Mậu Tý 2008, hàng nghìn người dân vùng sơn cước xã Thu Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) phấn khởi dậy thật sớm để chứng kiến Bảo tàng không gian văn hóa Mường được đưa vào hoạt động tại dốc Cun ở thôn Thượng (cách Hà Nội khoảng 40km).

NIe1kIz9.jpgPhóng to
Thiếu nữ Mường trong lễ hội đầu xuân - Ảnh: nguyễn việt hùng
srke8P25.jpgPhóng to
Vũ Đức Hiếu (phải) giới thiệu Bảo tàng Mường với khách tham quan - Ảnh: T.Đ.T.

Trong khi mọi người đang đánh cồng khai trương bảo tàng văn hóa đầu tiên của dân tộc Mường thì tại một góc nhỏ, chàng trai trẻ - họa sĩ Vũ Đức Hiếu, chủ nhân của bảo tàng, nước mắt rưng rưng. “Anh là người Mường?” - một vị khách nước ngoài có mặt tại buổi lễ hỏi Hiếu. “Không, tôi là người Kinh, nhưng rất yêu văn hóa Mường” - Hiếu trả lời.

Hãy gọi tôi là Hiếu “Mường”!

Với ý tưởng và cách tổ chức, bài trí của Hiếu, du khách đến Bảo tàng không gian văn hóa Mường không chỉ được tham quan, tìm hiểu những tinh túy của văn hóa Mường mà còn có thể cùng hòa vào cuộc sống, cùng làm việc, tham gia các trò chơi dân gian, mặc trang phục, ngủ nhà sàn, giao lưu văn nghệ và thưởng thức các món ăn của người Mường. Giờ đây, đối với Hiếu và cũng như nhiều người dân xứ Mường, bảo tàng là một gia tài vô giá về văn hóa Mường.

Tìm Hiếu đang lọ mọ trong một góc của bảo tàng, buột miệng chào “họa sĩ Hiếu” (Hiếu tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp khóa 28), Hiếu xua tay: “Hãy gọi tôi là Hiếu “Mường” như nhiều người khác hay gọi”. Vì sao? “Ba mươi hai tuổi thì tôi có hơn 20 năm sống và lăn lộn ở xứ Mường, vui cái vui của người Mường, buồn cái buồn của người Mường, say cái say của văn hóa Mường” - Hiếu giải thích.

Sinh năm 1976, Hiếu nói mình có tính gàn dở, bướng bỉnh, dám sống với đam mê của chính mình như nhiều bạn bè đồng nghiệp họa sĩ đánh giá. Vừa làm họa sĩ, vừa công tác ở tạp chí Công Nhân, Hiếu có điều kiện đi nhiều nơi, nhưng có lẽ Hòa Bình là nơi Hiếu đi nhiều nhất. Chỗ nào cũng có dấu chân của Hiếu: từ Mường Bi, Mường Vang... đến Mường Thàng, Mường Động.

Chính những ngày tháng lặn lội đó đã khiến anh yêu thích văn hóa Mường. Hiếu kể có nhiều đêm ngủ ở bản Mường, uống rượu cần, ăn cỗ lá làm Hiếu càng ấn tượng với gốc gác của người Việt cổ. Tham dự các lễ hội “Khai hạ”, “Khuống mùa”... lại càng thấy rõ hơn những nét độc đáo, đặc sắc của văn hóa Mường. Từ đó, Hiếu lặn lội với hành trình sưu tập văn hóa Mường.

Gần mười năm cặm cụi sưu tầm, Hiếu đã có gần 1.000 đồ vật của người Mường: từ những đồ vật nhỏ nhất như chiếc dao, rìu, công cụ săn bắn, chân gà rừng khô... đến những khung cửi, bộ trò ổ (vật dụng của người con gái mang về nhà chồng đựng váy và của hồi môn), mâm hè (mâm để cúng)... Mỗi đồ vật là một kỷ niệm của những chuyến đi. Mỗi vật mang về Hiếu lại tìm sách đọc để hiểu những đồ vật đó có từ bao giờ và đặc thù của từng đồ vật qua các thời kỳ phát triển. Ý tưởng lập bảo tàng để lưu giữ của Hiếu được hình thành. Hiếu lại lao vào tìm vốn, tìm người cộng tác để dựng một bảo tàng 2ha dưới dốc Cun.

Sống trong bảo tàng

3GsnwwlV.jpgPhóng to
c1sxz0Qb.jpg

Khi đã có khu nhà Mường, điều quan trọng tiếp theo là cấy rễ vào đó một nếp sống thật sự của người Mường bản địa, biến khu nhà trưng bày đó có hồn, có sức sống chứ không phải chỉ là những xác nhà lạnh lẽo. “Muốn làm được điều đó phải có những người Mường đến sinh sống tại đó” - Hiếu nghĩ và nảy ra sáng kiến: mời một số gia đình người Mường về ở cho sống động bảo tàng. Nhờ tài thuyết phục của Hiếu, ba gia đình người Mường trong Mường Chậm đồng ý dời sang khu nhà mới dựng của Hiếu. Một vườn rau nho nhỏ trước nhà. Mấy ổ gà dưới gầm sàn đã bắt đầu cho ra những đàn gà mới. Giàn bầu, giàn bí, giàn su su... cũng bắt đầu vươn ngọn.

Ngoài những hiện vật quý giá trong bảy ngôi nhà, khuôn viên còn lại có vườn cây, suối nước, thác nước và những dụng cụ đánh bắt cá được trưng bày ngoài trời. Tất cả nhìn xuống “thung lũng” - một khoảng đất khá rộng và bằng phẳng do Hiếu lấy máy xúc khoét ruột đồi - làm khu sinh hoạt cộng đồng. Tại đây có đặt những chiếc cầu Kiều, cầu đôi, đặt cây nêu để ném còn..., những sinh hoạt dân gian của cộng đồng người Mường trong những dịp lễ hội.

Năm 2008, Bảo tàng không gian văn hóa Mường đã tổ chức thành công hai hoạt động nghệ thuật “Kết nối nghệ thuật với cộng đồng” và “Sự kiện văn hóa Mường” cùng hội thảo “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa tỉnh Hòa Bình”. “Có bảo tàng rồi không có nghĩa là để những di sản vô tri vô giác mà phải đưa nó trở về cộng đồng, gắn kết với cộng đồng” - Vũ Đức Hiếu tâm sự.

TRẦN ĐÌNH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên