01/02/2009 08:22 GMT+7

Bảo tàng cho người "chưa từng sống"

KHỔNG LOAN
KHỔNG LOAN

TT - Lập bảo tàng về một sự kiện đã xảy ra, về một nhân vật đã từng sống... là điều bình thường. Nhưng bảo tàng về một nhân vật trong tưởng tượng, chỉ sống trong truyện lại khác!

uq9TpeX3.jpgPhóng to

Nơi Sherlock Holmes từng “sống” - Ảnh: Jordan

TT - Lập bảo tàng về một sự kiện đã xảy ra, về một nhân vật đã từng sống... là điều bình thường. Nhưng bảo tàng về một nhân vật trong tưởng tượng, chỉ sống trong truyện lại khác!

Những thứ được trưng bày trong Bảo tàng Sherlock Holmes ở London khiến người đến xem có cảm giác cuộc đời của ông là có thật, chứ không phải là trí tưởng tượng của Sir Arthur Conan Doyle cách nay cả thế kỷ. Địa chỉ của bảo tàng 221B Baker Street, London NW1 6XE chính là nơi mà trong tiểu thuyết, thám tử đã sống cùng với ông bạn bác sĩ Watson từ năm 1881-1904.

Thám tử Sherlock Holmes “đi vắng”

Sherlock Holmes đã “sống” một cuộc đời đầy những sự kiện, những vụ phá án nghẹt thở, với những tình tiết ly kỳ hấp dẫn đến nỗi cho đến nay người hâm mộ vẫn tiếp tục viết thư cho ông: “Thưa ông, tôi hiện đang sống ở địa chỉ... Tôi biết ông rất bận rộn với công việc thám tử điều tra của mình. Tôi viết thư này mạo muội xin phép ông cho tôi được giúp ông làm những việc lặt vặt để ông có thời gian hơn chuyên tâm vào công việc. Kính thư. Một người rất hâm mộ ông”. Bức thư có địa chỉ và tên riêng rõ ràng, được viết năm 2005, nằm trong nhiều bức thư khác được trưng bày ở bảo tàng.

Thế kỷ 21, người ta vẫn lãng mạn để cho trí tưởng tượng của mình bay bổng.

I0orI3ot.jpgPhóng to

Tái hiện một cuộc sống trong tưởng tượng như thật - Ảnh: Khổng Loan

Bước ra khỏi nhà ga điện ngầm Baker Street sẽ thấy bức tượng Sherlock Holmes bằng đồng đứng sừng sững. Trước số nhà 221B với biển hiệu “Công ty thám tử của Sherlock Holmes”, du khách vẫn xếp hàng rồng rắn ghé thăm ông với cảm giác như Sherlock Holmes và bác sĩ Watson là người thật, rằng ngôi nhà của ông vẫn được bảo tồn sau cả thế kỷ, từ thời Victoria (1837-1901).

Vào nhà, bước lên cầu thang là gặp ngay... bác sĩ Watson. Ông già bụng bự (không giống như trong truyện lắm), da trắng hồng hào, mặc bộ đồ màu trắng, khuôn mặt phúc hậu, lúc nào cũng ở đó. “Ô, xin chào” - bác sĩ tỏ ra nhanh nhảu và hiếu khách. “Thám tử đâu rồi, thưa bác sĩ?” - một vị khách nữ lên tiếng. “À, ông ấy đi vắng. Tí nữa ông ấy mới về!”. “Đây nhé - ông tiếp lời - Dụng cụ hành nghề thám tử của Sherlock Holmes đây”. Ánh mắt các vị khách nhìn theo, những kính lúp, mũ bêrê, chiếc tẩu, sổ ghi chép, bút... “Đây là phòng của thám tử Sherlock Holmes, đây là dụng cụ hành nghề của ông, đây là chiếc bàn ông ngồi, đây là chiếc mũ ông đội, đây là cây đàn ông hay chơi nhạc khi căng thẳng, đây là bàn ăn của ông, chén đĩa đủ cả...”. Và cả cuộc sống riêng tư của ông như chiếc giường ông ngủ...

9prMelI2.jpgPhóng to

Tượng Sherlock Holmes với chiếc mũ bêrê và chiếc tẩu trên miệng - Ảnh: Khổng Loan

Nổi tiếng nhờ trí thông minh, khả năng suy luận logic và quan sát tinh tường trong khi phá những vụ án mà cảnh sát phải bó tay, Sherlock Holmes được xem như nhân vật thám tử hư cấu nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học và là một trong những nhân vật văn học được biết đến nhiều nhất trên thế giới.
Căn nhà của Sherlock Holmes có ba tầng, mỗi tầng có chức năng riêng, như nơi làm việc, nơi tiếp khách, phòng ăn, phòng ngủ và cả... phòng tắm. Rồi hình ảnh ông suy tư trước một vụ án mới, các nhân vật trong vụ án của ông, nhật ký, những nhân vật bằng sáp có trong các vụ án... Tất cả đều như thật. Và Sherlock Holmes có cả danh thiếp nữa!

Trước những bày biện như thật, một phần nhờ vào tính thật của các đồ vật - tất cả đều được chế tác từ thời Victoria, thời Sherlock Holmes “sống”, những người hâm mộ vị thám tử lừng danh như được chìm trong cuộc sống bao điều bí hiểm và sáng tạo của một người từng “sống” thật sự!

Giáo dục và giải trí

Bảo tàng, theo định nghĩa của Hội đồng quốc tế về bảo tàng, phục vụ xã hội và sự phát triển của xã hội; là nơi có thể tìm thấy các di sản vô hình và hữu hình của nhân loại và môi trường, vì mục đích giáo dục, học tập và giải trí. Hàng trăm bảo tàng ở Anh, phần lớn là miễn phí hoàn toàn và trực thuộc nhà nước, đều thực hiện chức năng này. Người dân có thói quen đến bảo tàng vừa học vừa chơi khi rảnh rỗi.

Bảo tàng Sherlock Holmes ở London là bảo tàng đầu tiên về nhân vật này trên thế giới, hình thành năm 1990, bên cạnh một số nhà lưu niệm nhà văn Conan Doyle tại các quốc gia khác. Bảo tàng do một tổ chức phi lợi nhuận quản lý nên khách tham quan trả 6 bảng Anh/người khi ghé thăm (tương đương với hai ổ bánh mì). Đến bảo tàng, không chỉ nhìn các đồ vật được trưng bày, du khách còn nhìn thấy ý thức gìn giữ lịch sử và óc sáng tạo đang được tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Có lẽ Bảo tàng Sherlock Holmes là nơi mà không ai thắc mắc về tính giả của bảo tàng. đây cũng là một trong những nơi có chứa đồ không thật hiếm hoi nhưng lại được xã hội Anh chấp nhận. Người ta cho rằng sự trân trọng, gìn giữ những gì thuộc về sáng tạo của con người ở thời điểm hiện tại sẽ tạo ra những nền móng vững chắc cho các thế hệ tương lai.

KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên