Trước thực trạng được đưa ra trên báo chí, tôi nghĩ còn nhiều trường hợp chưa được công khai với những lý do khác nhau.
![]() |
CSGT kiểm tra giấy tờ xe một học sinh vi phạm luật giao thông. Ảnh: MC |
Chúng ta thấy có những nhận thức, đánh giá khác nhau từ những người có trách nhiệm quản lý giáo dục đến những người trong cuộc và ngoài cuộc.
Khi có những tình trạng bạo lực học đường và những vi phạm đạo đức pháp luật của giáo viên xảy ra, nhiều người có trách nhiệm quản lý trong ngành giáo dục thường giải thích đây là tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh'', triệu người mới có một người là chuyện bình thường.
Cũng có người đánh giá hiện tượng bạo lực học đường hiện nay cũng như từ xưa là "nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò". Có vị giáo sư tiến sĩ lên truyền hình trả lời phóng viên rằng hồi tôi đi học cũng thế; học trò đánh nhau là chuyện bình thường.
Ông còn dẫn chứng: Ở Mỹ một năm có mấy nghìn vụ học trò đánh nhau có lẽ với dụng ý hiện tượng này nước ta chưa bằng Mỹ.
Có nhiều ý kiến nghi ngờ cho là những clip nữ sinh bạo lực là do dàn dựng đưa lên mạng. Vụ nữ sinh trường THPT Trần Nhân Tông- Hà Nội đánh nhau hội đồng vừa qua nếu không có công an tiến hành điều tra thì gia đình học sinh, nhà trường cũng chẳng ai nhận là con mình, học sinh của mình đánh nhau, rồi cũng rơi vào im lặng.
Những người trong cuộc là các em học sinh thì cũng có hai ý kiến: Có ý kiến cho rằng học sinh đánh nhau là chuyện bình thường, có khi cùng tham gia, do bạn bè rủ rê hoặc vô cảm trước những trận đánh nhau của các bạn - dù rất tàn bạo và nguy hiểm đến tính mạng. Cũng có một bộ phận học sinh phản đối, lên án không thể chấp nhận hoặc sợ sệt không dám có ý kiến.
Đối với các bậc phụ huynh và nhân dân nói chung thì nhiều người lo ngại trước bạo lực học đường và sự an toàn của trẻ em đến trường hiện nay. Nhưng có một bộ phận người lớn vẫn thờ ơ vô cảm.
Có một số cha mẹ đổ lỗi cho nhà trường và ngược lại phía nhà trường thì đổ lỗi cha mẹ học sinh. Nhưng không hiếm việc cả nhà trường và phụ huynh đều che dấu những hành vi tội lỗi, sợ con em bị kỷ luật hay sợ nhà trường mất thành tích trong phong trào thi đua.
Nhìn chung lại, trước hiện tượng bạo lực học đường nói riêng và sự xuống cấp về đạo đức vi phạm pháp luật của một bộ phận giáo viên và học sinh hiện nay có những đánh giá khác nhau tùy thuộc vào vị trí quan điểm của mỗi người nên đang ở trạng thái "thiên lý vạn lý''.
Đây là một nguyên nhân dẫn tới hạn chế tình trạng lập lại kỉ cương nền nếp học đường, chưa tạo được sự đồng thuận, niềm tin rằng tình trạng này sẽ được hạn chế và chấm dứt.
Vì vậy trước hết cần nhận thức và đánh giá đúng đắn hiện tượng bạo lực học đường, sự xuống cấp về đạo đức trong giáo viên học sinh là đáng lo ngại đã đến lúc báo động, không thể coi nhẹ thậm chí vô cảm.
Chúng ta không thể giải thích chung chung, sáo mòn; "xưa như Diễm" như đây chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” hay chuyện trẻ con, “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”.
Cần nhìn thẳng vào sự thật, mức độ tai hại và căn cứ vào luật pháp để xử lý thật nghiêm minh đúng người đúng tội. Vì luật pháp là ý chí của toàn dân nên chúng ta phải căn cứ vào đó để xử lý, không bao che, mua chuộc, chạy tội.
Theo tôi, hiệu trưởng mua dâm học sinh của mình thì đâu còn là con sâu bỏ rầu nồi canh. Cán bộ ngành GD tổ chức cho thí sinh chép bài trong thi cử thì đâu còn được là con sâu bỏ rầu nồi canh mà nó có tác hại không nhỏ đối với cả một tập thể, địa phương, cơ quan; quan trọng nhất là làm giảm lòng tin của đông đảo thầy cô và trong người dân.
Các cấp quản lý GD-ĐT cũng như các cơ quan nhà nước khác phải căn cứ vào luật pháp để xử lý các hiện tượng trên tạo nên sự đồng thuận trên tinh thần của Luật giáo dục, Luật dân sự, Luật hình sự.
Những học sinh đánh người khác, đặc biệt là gây thương tích thì cơ quan thi hành luật pháp phải vào cuộc và xử lý theo luật định. Nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục không nên bao che với lý do như đuổi học là cách chối bỏ trách nhiệm...
Thực tế hiện nay là nhiều học sinh THPT cho rằng mình còn đang tuổi học trò nên chưa chịu trách nhiệm thi hành luật hình sự và các luật khác. Nếu có gì xảy ra đã có nhà trường, cha mẹ lo…
Tất nhiên, bên cạnh nhận thức đúng và xử lý đúng các vụ vi phạm đạo đức luật pháp theo luật định trong học đường, hơn lúc nào hết cần tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh và giáo viên. Đã nhiều năm qua, nhiều người cho rằng giáo dục đã coi nhẹ việc dạy người mới chỉ quan tâm đến dạy chữ và một phần dạy nghề.
Có sự lỏng lẻo của nhà trường và gia đình trong việc giáo dục học sinh. Đặc biệt cần giáo dục cho học sinh hiểu biết về luật pháp, đẩy mạnh hoạt động tự giáo dục của lớp, của chi đoàn TNCS HCM trong học sinh.
Cần phải kết hợp bốn môi trường giáo dục thường xuyên, chặt chẽ để ngăn chặn bạo lực học đường ngay từ khi mới manh nha. Đó là kết hợp gia đình nhà trường và xã hội và môi trường tự giáo dục của học sinh.
Ngoài việc tăng cường giáo dục đạo đức lối sống trong nhà trường nhà nước và ngành giáo dục cần có chính sách khen thưởng hay xử lý trách nhiệm đối với những tổ chức cá nhân vô cảm hoặc tiếp tay cho bạo lực học đường.
Các cấp quản lý giáo dục phải thường xuyên báo cáo về tình trạng này như báo cáo về tình hình học sinh bỏ học. Cần coi đó là một chỉ tiêu quan trọng trong việc đánh giá thi đua, công nhận trường chuẩn quốc gia, trường tiên tiến....
Những năm qua các cuộc tổng kết năm học, giao ban thường bỏ ngỏ việc này, nên có thành phố, tỉnh trong năm học có nhiều vụ học sinh đánh nhau hay giáo viên vi phạm đạo đức pháp luật mà vẫn coi là đơn vị thi đua xuất sắc, được khen thưởng.
Phải coi đây là một điểm liệt trong phong trào thi đua xây dựng nhà trường thân thiện, học sinh tích cực mặc dầu có nhiều mặt khá và tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận