![]() |
GS. Tô Ngọc Thanh |
Vấn đề đặt ra là bảo hộ văn học dân gian như thế nào và liệu có khả thi không? Ngày 5-12 tới, Cục bản quyền tác giả văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa - Thông tin), chuyên gia UNESCO và Hội Văn nghệ dân gian VN sẽ bàn về vấn đề này trong hội thảo Quyền tác giả trong lĩnh vực văn học nghệ thuật dân gian.
GS. Tô Ngọc Thanh (Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian VN) cho biết:
- Trên thế giới việc bảo hộ bản quyền văn học dân gian đã được tiến hành từ rất lâu. Còn ở VN thì nói mãi chẳng ai nghe! Đề cao bảo hộ văn học dân gian cũng là một cách đề cao văn hóa dân tộc. Do vậy, văn học dân gian cũng cần được bảo hộ bình đẳng như các tác phẩm văn học viết chuyên nghiệp khác. Nhà nước cần khuyến khích bảo hộ chứ không thể để tình trạng tùy tiện như hiện nay.
* Nhưng văn học dân gian là sản phẩm của cả cộng đồng, nó là sáng tạo tập thể, nó khuyết danh. Vậy phải tìm ai để trả tiền, thưa GS?
- Văn học dân gian là sản phẩm của cộng đồng, nhưng không có nghĩa là vô chủ, mặc ai muốn khai thác, sử dụng thế nào cũng được, mà chủ nhân của nó là cộng đồng làng xã. Trong đó, người lưu giữ là già làng; nghệ nhân người diễn xướng; nhà nghiên cứu, sưu tầm. Đó cũng là đối tượng cần bảo hộ.
* Thế nhưng, trong thực tế, có những làn điệu dân ca mà có khi cả hai, ba cộng đồng đều nhận là của mình, ví dụ như chèo Nam Định, Thái Bình, Hà Nam; hay vài năm trước là cuộc tranh cãi nhập nhèm về "bản quyền" truyện Trạng Quỳnh?
- Anh khai thác ở đâu thì trả tiền ở đó! Tôi lấy thí dụ. Quan họ có 49 làng. Mỗi làng có đặc trưng riêng của nó. Nếu anh đến làng Diềm thì anh trả tiền cho làng Diềm. Anh sang làng Lim thì trả tiền cho làng Lim.
* Cụ thể, tiền tác quyền sẽ được thanh toán như thế nào, thưa ông?
- Đây là thỏa thuận dân sự. Tôi thấy trên thế giới họ phân chia theo tỷ lệ như thế này: người ta trả 30% cho diễn viên, 10% cho ông trùm, 30% cho đại diện của làng để đưa vào ngân sách làng, 20% để truyền dạy bọn trẻ, 10% thuộc về các công ty du lịch. Hiện nay du lịch ở ta cứ khai thác thoải mái mà không chịu trả tiền. Cũng một phần vì ta có tâm lý cái gì của chuyên nghiệp mới là giỏi, của dân gian chỉ là "nôm na mách qué".
* Trong công ước Berne (đã được gần 200 quốc gia ký kết) thì văn học dân gian thuộc sở hữu công cộng, do đó, không thuộc lĩnh vực được bảo hộ. Liệu chúng ta có đang đi ngược lại xu hướng quốc tế không, thưa GS?
- Công ước Berne là của các nước phương Tây làm ra! Phương Tây đã mai một các giá trị văn học dân gian nên họ mới không bận tâm nhiều. Trong khi đó, các nước châu Phi, các nước Đông Nam Á vẫn còn rất nhiều các tác phẩm dân gian đang tồn tại. Nếu ta coi văn học dân gian là vô chủ sẽ rất dễ dẫn đến chảy máu di sản.
* Nhưng nhiều sáng tác văn nghệ của chúng ta vẫn đang khai thác chất liệu dân gian mà có phải trả tiền đâu? Mặt khác, văn học dân gian lại có một đặc thù là tính dị bản. Văn học dân gian là công trình sáng tạo bằng miệng của cả một tập thể cộng đồng, được lưu giữ, diễn xướng qua hình thức truyền miệng.
Và vì là truyền miệng nên mỗi cá nhân đều có quyền cải biến. Do đó, việc xác định thế nàolà "cải biên", thế nào là "giữ nguyên gốc", thế nào là "copy" thế nào là "sáng tạo", thế nào là xâm phạm, bóp méo, thế nào là "làm giàu vốn cổ" để bảo hộ là... rất khó ?
- Cứ yên tâm, sẽ có nhà nghiên cứu đủ trình độ thẩm định! Thế nhưng hát quan họ mà dùng hòa thanh châu Âu và sân khấu hóa như ở trên ti vi thì nhất quyết không thể bảo hộ tác quyền được.
* Nhưng nếu làm "chặt" việc bảo hộ thì văn học dân gian sẽ mai một, các nghệ sĩ, người khai thác, sử dụng sẽ rất dè dặt nếu không muốn lôi thôi chuyện bản quyền. Còn lớp trẻ hiện nay - vốn đã lơ mơ về văn học dân gian, giờ sẽ lại càng tù mù hơn?
- Dân vẫn giữ đấy thôi. Cộng đồng làng xã vẫn giữ. Hội Văn nghệ dân gian chúng tôi vẫn giữ. Thế thì làm sao mai một được?!
* Vậy ai sẽ là người giám sát việc thực thi, thưa GS?
- Cái này phải phổ biến dần trong dân chúng, phải làm từ từ. Hiện nay ngay người dân cũng chưa ý thức được quyền của mình. Các báo, đài cứ mặc sức đến quay phim, chụp ảnh; người dân thì chỉ nghĩ lên báo, lên đài là sướng lắm rồi, nên cũng chẳng bận tâm đòi tác quyền làm gì!
Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều nhà nghiên cứu văn học dân gian vẫn chưa hề biết Luật Sở hữu trí tuệ có điều khoản bảo hộ văn học dân gian và cũng không thể tưởng tượng là chúng ta có thể bảo hộ được văn học dân gian! Viện trưởng Viện văn học dân gian Ngô Đức Thịnh nói: "Bảo hộ được thì... tốt. Nhưng tôi cũng chưa biết làm cách nào...".
Ngay Luật Sở hữu trí tuệ cũng có một số điểm mâu thuẫn chứng tỏ sự lúng túng của nhà quản lý khi đề cập việc bảo hộ văn học dân gian. Thí dụ, khoản 1 điều 14 quy định văn học dân gian là tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Nhưng điều này lại bị điều 23: "Tác phẩm văn học dân gian là sáng tạo tập thể trên nền tảng truyền thống của một nhóm hoặc các cá nhân, nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng" hay điều 41: "Nhà nước là chủ quyền sở hữu đối với tác phẩm khuyết danh" phủ định...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận