![]() |
Đoàn 11 thương binh dự lễ khai mạc "Ngày hội người khuyết tật VN" ngày 14-4 - Ảnh: H.MAI |
Thế nhưng đời có lắm chữ ngờ. Tôi vừa trò chuyện với linh mục Phan Khắc Từ qua điện thoại. Tôi có hỏi thăm linh mục về việc năm 2001, thời ấy linh mục là đại biểu Quốc hội và tham gia biểu quyết hiến pháp mới. Linh mục đã đưa ra một cái đề nghị làm rất nhiều người khuyết tật hả hê. Ấy là đề nghị hiến pháp đổi từ "tàn tật" thành từ "khuyết tật". Vui thay, đề nghị đã được đa số đại biểu thông qua và hiến pháp của ta nay gọi chính thức là khuyết tật. Thế là trên hiến pháp những người mang thương tật nặng đã hết bị "tàn tật" rồi.
Linh mục Từ cũng giải thích thêm: "Tôi nghĩ rằng anh em khuyết tật vẫn còn tương lai. Nếu goị họ là tàn tật thì cái chữ tàn nó giết mất tương lai của anh em"
Tôi rất tiếc là lúc trò chuyện bằng điện thoại tôi không có máy thu âm để trích nguyên văn lời giải thích của linh mục Từ. Cái hoài bão của linh mục có thể được hiểu rằng việc thay đổi tên gọi tàn tật thành khuyết tật là nhằm công nhận những nỗ lực vượt khó của người mang thương tật, công nhận những nổ lực hoà nhập xã hội và biết bao công khó của họ vẫn ngày đêm đóng góp cho đời. Ở đây tôi xin mở rộng thêm một chút về khái niệm này.
Thương tật là tình trạng mà con người không thể sử dụng một chức năng cơ thể nào đó theo ý muốn hoặc không thể sử dụng nó như mọi người. Theo nghĩa rộng thì ai cũng bị thương tật cả. Bạn mất một cái răng cũng là thương tật đấy. Và xã hội sẽ quan tâm hơn nếu cái thương tật ấy làm mất sức lao động đáng kể khiến người mang thương tật gặp trở ngại khi sinh hoạt, khi học tập, lao động và khi tham gia các hoạt động xã hội khác. Trong khi thương tật chỉ là một phạm trù của y học của thể lý thì tàn tật lại là khái niệm khác. Tàn tật xuất hiện khi người mang thương tật tham gia xã hội.
Người ngồi xe lăn không thể tự leo lên các bậc thềm để vào nhà hát. Người mù không thể đi lại thuận tiện tại những nơi xa lạ. Người điếc gặp khó khăn khi tiếp xúc với người lạ... Và thế là những người mang thương tật nặng ấy phải gánh chịu thêm một khó khăn mới khi bước vào xã hội. Ta nên gọi cái khó khăn ấy là gì đây: tàn tật hay khuyết tật?
Tàn tật thì sẽ cùng nhóm với tàn phai, suy tàn... Tàn là hậu quả xấu của một vụ đấu đá và mang hàm ý suy kiệt dần, chết dần. Khuyết nói về một cái gì đó thiếu đi và không hoàn chỉnh. Thế thì tàn tật sẽ mang hàm ý một cuộc đời không còn tương lai và sống chỉ để chờ chết. Khuyết tật lại mang hàm ý người ấy chỉ thiếu một chức năng và vẫn còn nhiều chức năng hữu ích khác. Nói trên ngôn từ là vậy, trên thực tế thì sao?
Từ khi bước vào thời cải cách, phong trào người khuyết tật trong nước đã nhanh chóng trưởng thành cùng với phong trào người khuyết tật thế giới. Rất nhiều nhóm tự lực của người khuyết tật Việt Nam ra đời và từ sau nghị định 88 một số nhóm này đã có giấy phép hoạt động chính thức, có pháp nhân tư cách đầy đủ. Và những nhóm này dù lớn dù nhỏ hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, đều tự gọi mình là nhóm khuyết tật, và muốn mọi người gọi họ là người khuyết tật.
Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước vẫn gọi họ là người tàn tật trên các văn bản chính thức. Hiện tượng này rõ là không hợp lý. Đấy là việc các cơ quan nhà nước đi sau lưng đà tiến của xã hội và làm ngơ hiến pháp. Có nhiều lần tôi đã đặt câu hỏi với các viên chức chính phủ và được các vị trả lời rằng họ chưa có văn bản chính thức đề nghị điều chỉnh cách gọi khái niệm này. Tôi nhớ vào tháng 12 năm 2001, khi phát biểu khai mạc tại Cuộc Vận Động 2001 vì Người Khuyết Tật mà ta quen goị là Campaign 2001 tại Hà Nội với khoảng 2.000 đại biểu khuyết tật từ hơn 60 quốc gia và vùng lảnh thổ ở khu vực Á châu Thái Bình Dương về họp, chủ tịch nước Trần Đức Lương nhiều lần đã dùng cụm từ "người tàn tật và khuyết tật".
Tháng tư, tháng mà các tổ chức người khuyết tật Việt Nam nô nức đón mừng Ngày khuyết tật Việt Nam 18 tháng 4. Nhóm người khuyết tật chúng tôi lần nữa mong rằng các cơ quan chính phủ sớm đưa ra những điều chỉnh mới để gọi tên cho khái niệm này. Xin chấm dứt cách gọi tàn tật và thay vào đó bằng cách gọi khuyết tật như mọi người khuyết tật chúng tôi mong đợi.
Chúng tôi nghĩ rằng, tinh thần của các văn bản pháp lý của nước ta luôn tôn trọng phẩm giá của người khuyết tật và luôn khuyến khích sự nghiệp hòa nhập xã hội của người khuyết tật. Chúng ta cần nhận thức rằng sự nghiệp hoà nhập xã hội của người khuyết tật chỉ thành đạt khi nó được tiến hành từ hai hướng: hướng xã hội phải điều chỉnh và mở rộng vòng tay, hướng người khuyết tật cần phấn đấu vươn lên. Hiện nay, từ tàn tật chỉ còn xuất hiện tại các qui phạm pháp luật của các cấp chính quyền. Chúng tôi thiết tưởng việc các cấp cần điều chỉnh cũng chỉ thể hiện rõ nét hơn sự trân trọng mà chính phủ và nhân dân luôn dành cho người khuyết tật.
Nếu bạn còn hồ nghi xin hãy hỏi, bạn sẽ nghe đa số người khuyết tật bảo rằng họ cảm thấy bị xúc phạm khi bị gọi là người tàn tật.
* Về tác giả: Trần Bá Thiện, sinh năm 1958. Năm 1977, không may anh bị mù. Năm 2003, anh được Ngân hàng thế giới tại VN tài trợ dự án "Trình duyệt web cho người mù" do anh làm trưởng dự án, anh cũng là một trong những người sáng lập nhóm Vi tính cho người mù VN. Năm 2004, anh đã được trao danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận