28/03/2009 08:57 GMT+7

Báo động từ di tích! - Bài cuối: "Sai sót xảy ra là điều đáng tiếc"

ĐỖ LÃNG QUÂN thực hiện
ĐỖ LÃNG QUÂN thực hiện

TT - ... "Họ muốn làm cái mới cho có thêm số lượng (thêm phần việc, lấy công, lấy thêm kinh phí). Sai sót đã xảy ra, đó là điều đáng tiếc"... TS Đặng Văn Bài - cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) - trả lời phỏng vấn xung quanh những vấn đề Tuổi Trẻ đã đặt ra trong loạt bài “Báo động từ di tích!” (từ ngày 24-3-2009).

8Xn07Ojp.jpgPhóng to
TS Đặng Văn Bài - Ảnh: Đ.L.Q.
TT - ... "Họ muốn làm cái mới cho có thêm số lượng (thêm phần việc, lấy công, lấy thêm kinh phí). Sai sót đã xảy ra, đó là điều đáng tiếc"... TS Đặng Văn Bài - cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) - trả lời phỏng vấn xung quanh những vấn đề Tuổi Trẻ đã đặt ra trong loạt bài “Báo động từ di tích!” (từ ngày 24-3-2009).

Bài 1: Dân thôn “tô tượng” phá đền chùa! Bài 2: Cổ vật - cá rán hớ hênh trước miệng mèo gian Bài 3: Trùng tu: trăm tuổi thành... một tuổi! Bài 4: Tạm dừng trùng tu là bảo vệ di tíchPhóng sự ảnh: Báo động từ di tích!

Phải bảo tồn tối đa các yếu tố gốc

* Dư luận báo chí đã nói quá nhiều về việc trùng tu làm mới di tích, làm như thế là giết chết di tích cổ kính. Dường như quan điểm trùng tu ở nước ta vẫn chưa thống nhất giữ nguyên trạng di tích gốc hay dỡ ra làm mới thì gọi là trùng tu tôn tạo chân chính, theo ông?

- Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, chiến tranh kéo dài, bão lụt liên miên, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, điều kiện kinh tế của đất nước còn hạn chế, nhiều di tích kiến trúc gỗ của Việt Nam đang ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt còn giữ lại rất ít các cấu kiện gốc từ lúc khởi dựng, phần lớn đã được người dân tự phát sửa chữa nhiều lần, hiện mang dấu ấn của rất nhiều giai đoạn tu bổ khác nhau. Vì thế không thể áp dụng máy móc một nguyên tắc chung nhất cho tất cả di tích.

Mục tiêu đặt ra là phải bảo tồn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, trong đó ưu tiên việc giữ gìn, bảo quản các di tích kiến trúc với các mảng chạm khắc nghệ thuật. Thứ nữa cũng cần chú ý đến sự bền vững lâu dài cho di tích sau khi được tu bổ. Cuối cùng là nguyện vọng của cộng đồng cư dân đang trông nom gìn giữ di tích cũng cần được tôn trọng, xem xét xử lý.

Trong thực tế có nơi cần thay thế cột mới, nhồi lõi cột rỗng hoặc gắn chắp chân cột. Trường hợp khác có thể thực hiện biện pháp ốp mang hai bên, ở giữa là lõi gỗ mới để bảo tồn các mảng chạm khắc. Tóm lại, tu bổ di tích là một ngành khoa học có tính chuyên môn cao, đòi hỏi sự sáng tạo trong các giải pháp kỹ thuật riêng cho từng trường hợp cụ thể.

* Chúng tôi đã phỏng vấn nhiều chuyên gia mỹ thuật, nhiều họa sĩ và nhà văn hóa lớn của Việt Nam, họ đều phản đối kịch liệt cách dỡ trắng di tích ra dựng lại mà chúng ta đang áp dụng hiện nay. Chính Cục Di sản văn hóa cũng gặp khó khăn và khó nghĩ khi quá nhiều công trình sau trùng tu trở nên phản cảm, mất đi giá trị thẩm mỹ, văn hóa, lịch sử vốn có.

Xin hỏi ở góc nhìn của ông, ông thấy các đơn vị trùng tu di tích đang gặp khó khăn gì, nói khác đi điều gì đã dẫn họ đến kết quả… buồn bã mà ai cũng biết kia?

- Rõ ràng có sự khác biệt quá xa giữa công tác trùng tu di tích với việc xây dựng một công trình kiến trúc mới hay sửa chữa các công trình xây dựng. Sự khác biệt đó thể hiện ở tất cả các khâu hoạt động từ nghiên cứu khảo sát, đánh giá hiện trạng, lập dự án, thiết kế kỹ thuật, hạ giải công trình, đánh giá cấu kiện, thi công trùng tu, giám sát thi công đến nghiệm thu, lập hồ sơ hoàn công.

Theo yêu cầu quản lý xây dựng cơ bản thì sau khi dự án, thiết kế, dự toán được phê duyệt sẽ cho thi công, nhưng trong tu bổ di tích rất nhiều vấn đề phát sinh sau khi hạ giải di tích nên cần có cơ chế đặc thù. Hoặc giả là tu bổ di tích cũng phải áp dụng cơ chế tiết kiệm 10% tổng kinh phí thì không thể đáp ứng yêu cầu chữa “lành bệnh” cho một di tích vốn đã bị xuống cấp nghiêm trọng kéo dài qua nhiều năm.

Một nguyên nhân nữa: các nhà thi công có xu hướng muốn tăng phần thay thế, tăng số lượng công việc (trùng tu nhiều hơn so với yêu cầu thực tế từ thực trạng di tích). Có hai lý do, một là làm thế thì có thể cái lợi kinh tế cho đơn vị thi công (thay mới nhiều hơn). Cái nữa là họ muốn công trình trùng tu của mình được bền vững hơn. Họ sợ 10 năm, 20 năm nữa di tích tiếp tục hỏng người ta lại bảo tại “cái thằng” (đơn vị thi công) này không biết sửa (thì mang tiếng).

Nguyên nhân thứ ba là bản thân cộng đồng cư dân ở đó rất phản đối việc hàn gắn, chắp vá cho di tích của họ. Họ bảo không cắt cắt, gắn gắn vào nơi linh thiêng ấy của chúng tôi, cái ấy là dứt khoát chúng tôi phải được thay mới! Thế là “thằng” thi công phải chiều dân vì họ ăn nằm ở trong dân, đồng thời bà con là người giám sát công việc của họ. Bây giờ chúng ta có sự giám sát cộng đồng mà.

ZXzYyH5i.jpgPhóng to
Đình Mông Phụ (Đường Lâm, Hà Nội) xuống cấp rất ít nhưng cơ quan trùng tu vẫn kiên quyết… dỡ ra làm lại (nơi có người đội nón và anh thợ đục đẽo vốn là gian giữa của đình!) - Ảnh: Lãng Quân

Cần thành lập tổ kiểm tra tu bổ di tích

* Trong bài viết trên Tuổi Trẻ TP.HCM, họa sĩ Lê Thiết Cương, sau nhiều năm nghiên cứu các di tích lịch sử văn hóa quý giá, chứng kiến quá trình trùng tu giết chết di tích (theo cách nói của họa sĩ), đã đưa ra một tổng kết đáng bàn luận: chúng ta đang thiếu một đơn vị giám sát độc lập các công trình dùng tiền Nhà nước trùng tu tôn tạo di tích. Có phải các đơn vị có vẻ như giám sát nhau, nhưng thật ra họ đang “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Ông bình luận gì về ý kiến tâm huyết này?

- Công trình nào cũng có giám sát mang tính độc lập, không phải là người của đơn vị thi công. Ví dụ công ty thiết bị văn hóa làm thì phải thuê công ty mỹ thuật, công ty mỹ thuật lại thuê công ty tu bổ, tức là người của đơn vị này được thuê sang giám sát đơn vị kia. Giờ đây chúng tôi cũng đã có kiến nghị: nên có một tập đoàn giám sát mạnh. Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL nên thành lập một tổ kiểm tra tu bổ di tích để có thể hạn chế những sai sót đáng tiếc xảy ra.

* Họa sĩ - nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng và họa sĩ Lê Thiết Cương đều chung lưng kiến nghị nên có một trường dạy cách tu bổ di tích, chứ đừng dùng thợ lao động tự do đụng tay vào văn hóa.Ông nghĩ sao?

- Việc thiếu chuyên gia đầu ngành, thiếu nguồn nhân lực trong công tác trùng tu tôn tạo di tích lịch sử văn hóa là đúng.

Yếu tố tâm linh trong trùng tu di tích mất hết rồi…

* Thưa cục trưởng, ông lý giải làm sao khi quá nhiều các công trình tu bổ lớn của chúng ta gần đây như Lam Kinh, Đường Lâm, các ngôi đình, đền Và, chùa Dâu, Bút Tháp, chùa Kim Liên, Trăm Gian, Phật Tích… đều bị sự phản đối của dư luận và báo chí. Mà những người phản đối rõ ràng chỉ nói vì lòng xót thương di sản chứ không hàm ý cá nhân hay quyền lợi nghĩa vụ liên quan gì cả. Ông có tin vào sự chân thành, tâm huyết và tính khẩn thiết của những lời lên tiếng gay gắt đó không?

- Tôi nghĩ rằng các bác ấy lên tiếng phát biểu với tình cảm quý trọng di sản của cha ông, nên ta cần tôn trọng nghiên cứu và nghiêm túc khắc phục những gì thiếu sót. Tôi biết họ tâm huyết, có trình độ, tôi ghi nhận điều đó. Nhưng thật ra đại bộ phận trường hợp tu bổ nhìn lướt qua tốt thế thôi, nhưng người thiết kế khảo sát phải đi gõ từng hạng mục, trình bày hiện trạng đúng hay không đúng thì hội đồng người ta mới duyệt cho trùng tu.

Đặc biệt, có chuyện này tôi thấy các họa sĩ, nhà nghiên cứu kêu là rất đúng: những mảng chạm khắc bây giờ bàn tay của thợ thủ công kém (xấu) hơn ngày xưa rất nhiều, thành ra lúc tu bổ, phục hồi, người thợ chạm đục những chi tiết, hạng mục mới không mềm mại, sắc nét như bản gốc. Lý do các nghề thủ công truyền thống đã bị mai một, độ tinh xảo về kỹ thuật kém.

Lý do nữa, ngày xưa tôi làm cái này để dâng thánh, ví dụ như tôi làm đình này ở Đình Bảng, trước khi làm người ta đã cho thợ làm thử một căn nhà có kiến trúc như thế song nhỏ hơn ở nơi khác trước, nếu thấy ưng ý người ta mới bắt tay vào dựng đình. Rất công phu để dâng thờ thánh thần. Bây giờ yếu tố tâm linh đó cũng mất hết rồi. Thêm nữa, công xá đã ít, lại tiết kiệm tiền. Số tiền đó mà anh thuê thợ bậc 7 khác, thợ bậc 5 khác, để tiết kiệm ít khi người ta tổ chức thuê thợ bậc cao nên một số trường hợp phục hồi chưa được ưng ý.

Có nhiều khi việc trùng tu gặp nhiều “cảnh” rất đáng lên án, là các mảng chạm khắc cũ, có thể trùng tu giữ nguyên hiện vật cổ bằng cách bóc ra thành hai mặt miếng, rồi gắn lại bằng một cái lõi. Nhiều trường hợp người ta đã làm như thế. Cũng có trường hợp người thi công lười làm theo cách đó. Họ muốn làm cái mới cho có thêm số lượng (thêm phần việc, lấy công, lấy thêm kinh phí). Sai sót đã xảy ra, đó là điều đáng tiếc.

____________________________

Di chuyển tượng ở cổng đền Đô

LTS: Tuổi Trẻ trích đăng thư phản hồi của một độc giả sau bài viết “Trùng tu, hết chịu nổi!” (Tuổi Trẻ ngày 23-3-2009) của nhà văn Nguyên Ngọc, về chi tiết hai con sư tử... Tàu chầu trước cổng đền Đô và tượng chú Tễu ở tiền sảnh:

Xin cảm ơn nhà văn Nguyên Ngọc và nhà báo Đỗ Lãng Quân đã quan tâm đến đền Đô mà có bài và ảnh góp ý. Đền Đô bị chiến tranh phá hoại năm 1952, từ năm 1989 nhân dân Đình Bảng được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng những tấm lòng tâm thiện khắp nơi đã đầu tư công đức xây dựng lại. Riêng hai tượng kỳ lân nhân dân dâng cúng là một tấm lòng trân trọng. Xưa không có. Tiếp thu ý kiến của quý vị, ban quản lý di tích đền Đô đã di chuyển đôi tượng này tới một vị trí khác để giữ lại kỷ vật của nhân dân công đức.

Còn hai bức tượng mà tác giả băn khoăn là tượng người Việt sơ khai hay chú Tễu là hai tượng Đá Rãi trong lịch sử. Khi xây dựng lại đền Đô, các tượng này đã được tạc lại đúng theo mẫu ảnh xưa của Bảo tàng Lịch sử lưu trữ.

ĐỖ LÃNG QUÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên