16/07/2005 07:08 GMT+7

"Bảo đảm quan hệ Việt - Trung phát triển toàn diện và bền vững"

CẨM HÀ thực hiện
CẨM HÀ thực hiện

TT - Chủ tịch nước Trần Đức Lương sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 18 đến 22-7 theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

EIw9Bf5t.jpgPhóng to
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình
TT - Chủ tịch nước Trần Đức Lương sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 18 đến 22-7 theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Trước thềm chuyến thăm, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình - một trong những thành viên tháp tùng - đã trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ.

* Thưa thứ trưởng, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương lần này tới Trung Quốc (TQ) nhằm vào những trọng tâm nào?

- Các chuyến thăm và gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt - Trung đã trở thành truyền thống từ nhiều năm nay. Đây là một nhân tố quan trọng tăng cường sự tin cậy, bảo đảm cho quan hệ hai nước phát triển toàn diện và bền vững.

Chuyến thăm TQ lần này của Chủ tịch Trần Đức Lương là sự tiếp tục của truyền thống gặp gỡ này, khẳng định quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân VN phát triển quan hệ hữu nghị, ổn định, hợp tác toàn diện giữa hai nước lên một tầm cao mới.

* VN và TQ sẽ có thể ký kết thúc đàm phán song phương về việc VN gia nhập WTO trong chuyến thăm, thưa thứ trưởng?

- Chúng ta đã tiến hành với TQ sáu vòng đàm phán song phương về việc VN gia nhập WTO với tinh thần thực tế, hiểu biết lẫn nhau.

Đến thời điểm này, các chuyên gia hai bên đang hoàn tất các công việc cuối cùng, phấn đấu để có thể ký văn kiện chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán song phương trong dịp Chủ tịch Trần Đức Lương thăm TQ.

* Trong chuyến thăm, chúng ta sẽ tham khảo những bài học phát triển kinh tế từ những địa phương nào của TQ?

- Trong chuyến thăm TQ, Chủ tịch nước sẽ tới thăm Quảng Đông và Quảng Tây là hai địa phương có quan hệ truyền thống rất gần gũi với VN, từng là nơi hoạt động cách mạng của Bác Hồ và nhiều nhà cách mạng tiền bối của VN.

Quảng Đông với nhiều lợi thế, được chọn là địa phương đầu tiên của TQ thực hiện cải cách mở cửa, có nhiều cách làm năng động, sáng tạo, đã giành được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Quảng Tây (có chung biên giới với ba tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của VN) là một tỉnh nghèo với nhiều dân tộc thiểu số, mấy năm gần đây đã phát triển nhanh, bộ mặt thay đổi nhanh chóng.

Quảng Đông và Quảng Tây cũng nằm trong khu vực xây dựng “hai hành lang, một vành đai kinh tế” giữa hai nước mà hiện nay hai bên đang nghiên cứu về tính khả thi của ý tưởng này.

Chủ tịch nước thăm Quảng Đông, Quảng Tây và diễn đàn doanh nghiệp Việt - Trung được tổ chức ở hai địa phương này sẽ tạo xung lực mới quan trọng trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa các địa phương hai nước.

sCEDhodU.jpgPhóng to
Hàng VN đang xuất sang TQ (ảnh chụp tại cửa khẩu Ka Long, phía TQ) - Ảnh: Xuân Toàn

* Các hiệp định phân định biên giới trên đất liền, phân định vịnh Bắc bộ giữa hai nước đã ký kết nhưng việc triển khai được đánh giá là chậm.

Thưa thứ trưởng, đâu là lý do của việc chậm trễ này và quan điểm của VN đối với việc giải quyết các vấn đề về biên giới, lãnh thổ giữa hai nước?

- Sau khi Hiệp ước biên giới trên đất liền VN - TQ được ký kết, công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đã được hai bên triển khai từ tháng 9-2002.

Chúng ta đánh giá tích cực những tiến triển rõ rệt trong công tác phân giới cắm mốc trên đất liền thời gian qua, tuy nhiên nhiệm vụ còn khá nặng nề.

Hai bên đều bày tỏ quyết tâm hợp tác tích cực hơn nữa để hoàn thành đúng thời hạn mà lãnh đạo hai nước thỏa thuận kết thúc toàn bộ việc phân giới cắm mốc trên biên giới Việt - Trung, và ký hiệp định quản lý biên giới mới thay cho hiệp định tạm thời năm 1991.

Còn về Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá VN - TQ ở vịnh Bắc bộ (ký kết ngày 25-12-2000 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30-6-2004), có thể khẳng định rằng hai hiệp định nói trên đã được hai bên nghiêm túc triển khai và bước đầu phát huy tác dụng tích cực đối với việc giữ gìn an ninh, trật tự trong vịnh Bắc bộ.

Thời gian tới, đi đôi với việc tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh hai hiệp định này, kể cả việc giáo dục công dân mỗi nước, các cơ quan hữu quan hai bên sẽ trao đổi để từ nay đến cuối năm 2005 triển khai việc điều tra nguồn lợi thủy sản trong vùng đánh cá chung và tuần tra chung trong vịnh Bắc bộ nhằm giữ gìn an ninh và trật tự hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc bộ.

Về vấn đề biển Đông, hai bên đã nhất trí kiên trì thông qua đàm phán hòa bình để tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được.

Theo thống kê của Hải quan VN, kim ngạch mậu dịch giữa VN và TQ năm 2004 đạt gần 7,2 tỉ USD (theo số liệu của Hải quan TQ là 6,7 tỉ USD), tăng 190 lần trong 13 năm kể từ năm 1991.

Trong đó, năm 2004 VN xuất khẩu sang TQ đạt 2,73 tỉ USD với các mặt hàng chủ yếu là dầu thô, cao su, than, rau quả nhiệt đới, thủy hải sản, dầu thực vật, hạt tiêu, hạt điều.

VN nhập khẩu từ TQ đạt 4,45 tỉ USD với các mặt hàng máy móc thiết bị, xăng dầu, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng…

Giữa ASEAN và TQ cũng đã ký Tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông (DOC), hiện đang trong quá trình trao đổi để đi vào triển khai, tiến tới xây dựng bộ qui tắc ứng xử ở biển Đông.

* Thứ trưởng cho biết thêm chi tiết về thỏa thuận ba bên VN - TQ - Philippines về khảo sát địa chấn biển chung trong khu vực biển Đông? VN sẽ được hưởng lợi gì từ dự án này?

- Tổng công ty Dầu khí VN (PetroVietnam), Công ty Dầu khí quốc gia Philippines (PNOC) và Tổng công ty Dầu khí quốc gia ngoài khơi TQ (CNOOC) ngày 14-3-2005 đã ký “thỏa thuận ba bên về khảo sát địa chấn biển chung trong khu vực thỏa thuận tại biển Đông”.

Theo đó, các bên cam kết thực hiện nghiêm chỉnh công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN - TQ và bày tỏ quyết tâm biến biển Đông thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Theo thỏa thuận, các bên sẽ cùng tiến hành nghiên cứu chung về tiềm năng tài nguyên dầu khí trong một khu vực tại biển Đông với thời hạn ba năm. Thỏa thuận nhấn mạnh nguyên tắc bình đẳng, nhất trí giữa các bên liên quan trong quá trình thực hiện khảo sát chung.

Các bên cũng khẳng định việc ký thỏa thuận này không làm phương hại đến lập trường cơ bản của chính phủ mỗi bên về vấn đề biển Đông.

* Xin cảm ơn thứ trưởng.

CẨM HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên