Thực tiễn công tác cho thấy hiện nay ở rất nhiều tòa án (nhất là tòa án cấp huyện) “báo cáo án”, “duyệt án” là một công việc phải tiến hành đối với tất cả các vụ án.
Trong khi đó, theo nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, nhiệm vụ cải cách tư pháp là: phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính (của chánh án) với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong hoạt động tố tụng theo hướng tăng quyền và trách nhiệm cho thẩm phán để họ chủ động trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi và quyết định tố tụng của mình.
Nghị quyết cũng nói rõ việc phán quyết của tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Đảng lãnh đạo hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp về chính trị, tổ chức và cán bộ; khắc phục tình trạng cấp ủy can thiệp không đúng pháp luật vào hoạt động tư pháp.
Theo tôi, sự tồn tại của cơ chế báo cáo án, duyệt án xuất phát từ những nguyên nhân:
- Trước đây, việc Nhà nước quản lý xã hội chủ yếu bằng kế hoạch, hệ thống pháp luật còn quá đơn giản, việc xét xử chủ yếu theo chủ trương, đường lối cần đến việc bàn bạc tập thể nên đã hình thành cơ chế báo cáo án, duyệt án và tồn tại đến nay.
- Hiện nay vẫn còn nhiều thẩm phán muốn duy trì cơ chế này vì trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực của họ còn hạn chế nên chưa đủ tự tin để độc lập phán quyết. Họ muốn tranh thủ kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ của các đồng nghiệp, sau nữa là một khi việc xét xử đúng pháp luật thì thành tích sẽ thuộc về họ nhưng khi có sai sót lại đổ lỗi cho tập thể.
- Về phía lãnh đạo tòa án thì việc báo cáo án, duyệt án sẽ làm tăng thêm quyền lực và việc can thiệp, áp đặt ý chí của họ đối với thẩm phán được hợp thức bằng một cơ chế chứ không phải bằng những mệnh lệnh cụ thể, đơn lẻ.
Không thể phủ nhận mặt tích cực của việc bàn bạc, trao đổi tập thể trước khi xét xử. Theo đó, thẩm phán sẽ tranh thủ được trí tuệ, kinh nghiệm của tập thể, đặc biệt là của những người có năng lực, có kinh nghiệm. Tuy nhiên, thẩm phán có quyền trao đổi, tranh luận với bất kỳ ai, tại mọi thời điểm, trên mọi diễn đàn chứ đâu nhất thiết phải báo cáo án, duyệt án.
Mặt khác, việc duy trì cơ chế này sẽ dẫn đến các hậu quả là: làm mất quá nhiều thời gian của các thẩm phán và lãnh đạo tòa án. Với đường lối giải quyết đã được bàn bạc thống nhất từ trước nên thẩm phán (thậm chí là giao cho thư ký tòa án) cứ thế mà viết hoàn chỉnh bản án trước, dẫn đến tình trạng “án bỏ túi”, phiên tòa sau đó chỉ mang tính hình thức.
Hậu quả sau cùng là sẽ làm ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán và hội thẩm nhân dân. Tạo ra tâm lý ỷ lại của các thẩm phán, không chịu học hỏi, nghiên cứu để nâng cao trình độ.
Nhiều người cho rằng việc báo cáo án sẽ tạo cơ chế công khai minh bạch, hạn chế việc thẩm phán có hành vi tiêu cực trong xét xử. Thực tế thì chưa hẳn như vậy, vì một khi đã cố tình trục lợi thì khi báo cáo án họ chỉ trình bày một phía, chỉ nêu những vấn đề có lợi cho người mà họ cố tình bảo vệ. Và như vậy hướng xét xử vụ án mà tập thể thống nhất, lãnh đạo duyệt đôi khi trở thành “lá bùa hộ mệnh” để thẩm phán an tâm xử trái pháp luật.
Như vậy có thể thấy việc báo cáo án, duyệt án là lợi bất cập hại, vừa trái pháp luật tố tụng vừa không phù hợp với đòi hỏi của công tác cải cách tư pháp. Để từng bước nâng cao chất lượng xét xử, Tòa án Nhân dân tối cao cần sớm ban hành chỉ thị để chỉ đạo các tòa án nhân dân địa phương chấm dứt tình trạng báo cáo án, duyệt án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận