06/02/2005 19:05 GMT+7

Bánh chưng cho ngày Tết

Sự tích bánh chưng, bánh dầy
Sự tích bánh chưng, bánh dầy

TTO - Đối với người Việt Nam, Tết không thể nào thiếu hồn dân tộc trong hình tượng Trời tròn Đất vuông. Dù ăn tết với mâm cao, cỗ đầy, với những món ăn hiện đại nhưng rất hiếm gia đình thiếu món ăn dân dã này.

dkI6yOvt.jpgPhóng to

Bánh chưng xanh

* Video clip hướng dẫn gói bánh chưng

Bánh chưng xanh vẫn xuất hiện trên bàn thờ, trong mâm cơm ngày đầu năm mới, như nhịp cầu nối con cháu với tiên tổ, như thông điệp tỏ bày hồn quê, như sợi tình gắn người với người càng thêm bền chặt.

Công thức làm bánh chưng

Nguyên liệu (10 chiếc bánh)

- Gạo nếp: 5 kg- Đậu xanh: 1,5 kg- Thịt lợn ba chỉ: 1 kg- Muối, hạt tiêu

Cách làm

- Gạo nếp vo kỹ, ngâm 8-10 giờ vào mùa đông, 4-5 giờ vào mùa hè (thay nước vài lần khi ngâm). Vớt gạo, dội nước cho sạch, để ráo, xóc muối đều.- Đậu xanh vỡ đôi, ngâm nước 2- 4 giờ, đãi sạch vỏ, nấu chín với ít muối, giã nhỏ mịn, nắm thành từng nắm.- Thịt thái miếng to, ướp muối tiêu.- Đặt lá dong, cho 1 bát ăn cơm gạo (250g), bẻ 1/2 nắm đậu dàn mỏng đều lên gạo, xếp 2 miếng thịt vào giữa rồi tiếp tục cho nốt phần đậu còn lại, phủ gạo nốt lên trên cùng, bẻ gập lá gói vuông, cao thành, buộc lạt (hoặc dây) chéo chữ thập.- Xếp bánh vào nồi có lót cuống lá dong ở đáy nồi, đổ ngập nước, đun lửa to đều. Cạn nước, đổ thêm nước sôi vào để giữ bánh luôn ngập nước. Nấu khoảng 8- 10 giờ. Vớt ra nhúng vào nước lã rồi nén chặt 8- 10 giờ cho bánh rền.- Khi ăn bóc lá, dùng lạt (hoặc dây) cắt miếng.

Bánh gói kín, vuông, đều, đẹp, rền. Khi bóc, bánh có màu xanh của lá dong, vị thơm ngon của đậu xanh, thịt, hạt tiêu, vị vừa ăn.

Bạn có thể bấm vào đây để xem cách gói bánh chưng (*).

-------------------

(*) Đoạn phim này được quay tại nhà tiến sĩ lịch sử Nguyễn Nhã.

Sự tích bánh chưng, bánh dầy

Ngày xưa, vua Hùng Vương có 18 người con. Riêng hoàng tử thứ 18, tên là Lang Liêu, mồ côi mẹ rất sớm. Tết năm đó, vua cha truyền lịnh cho các con trai, rằng ai mang đến cho nhà vua loại bánh nào tuyệt hảo nhất, sẽ được vua truyền ngôi.

Những hoàng tử kia còn có mẹ bên cạnh. Các bà mẹ ra sức chuẩn bị làm các thứ bánh tuyệt hảo cho con trai mình. Riêng hoàng tử Lang Liêu vì mồ côi mẹ nên chàng rất lo lắng. Lang Liêu về nhà, trằn trọc suy nghĩ suốt đêm. Mệt quá, nên chàng ngủ thiếp đi. Trong cơn mê, có một bà tiên xuất hiện và khuyên Lang Liêu rằng : "Con hãy nghĩ đến một thứ bánh nào tượng trưng cho công lao của cha mẹ đã dành cho con cái. Lang Liêu sực tỉnh. Công ơn của cha mẹ nuôi dưỡng con cái thật là lớn lắm thay.

Suy nghĩ mãi, cuối cùng, hoàng tử Lang Liêu lấy đậu và nếp, làm ra bánh dầy và bánh chưng. Đến kỳ hạn, các hoàng tử lần lượt đem những loại bánh mà mình đã đi khắp nơi, nhờ cậy nhiều người làm giúp đến. Vua cha nếm qua các thứ bánh, gật gù khen thưởng. Cuối cùng, vua nếm thử loại bánh của hoàng tử Lang Liêu tự mình làm lấy . Vua lấy làm ngạc nhiên, hỏi Lang Liêu :- Loại bánh này vị ngon và lạ quá. Con hãy giải thích cho ta xem.- Thưa vua cha, bánh này tượng trưng cho công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái . Bánh dầy hình tròn, tượng trưng cho trời . Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất. Bởi vì, công ơn cha mẹ lớn tựa trời đất. Đậu, nếp, và thịt heo tượng trưng cho công lao nuôi dưỡng, chăm sóc của cha mẹ đã dành cho con cái ... bằng những món ăn mà bất cứ ai cũng cần để lớn lên ...

Vua nghe thấy chí lý, lại thấy bánh ăn mặn mà hương vị, bèn truyền ngôi cho hoàng tử Lang Liêu .Sau khi lên ngôi, Lang Liêu truyền lịnh cho cả nước giữ tập tục ăn bánh dầy, bánh chưng vào dịp đầu năm để tưởng nhớ công ơn của cha mẹ.

Sự tích bánh chưng, bánh dầy
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên