Phóng to |
Với phong cách bình dị và niềm nở của người dân tộc, quán bánh canh từ lâu vốn đi liền với tên của một xã có đông đồng bào dân tộc Khơme sinh sống, đã khẳng định vị trí của mình trong những món ăn mang phong cách địa phương vùng núi này. Quán của chị Út Oanh Na là một trong tất cả bốn quán bánh canh thuộc xã Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên) nhưng đây là quán "gốc" theo ý nghĩa và chất lượng truyền thống của món bánh canh.
Tuy hình ảnh quang gánh của người phụ nữ Khơme bên vệ đường không còn như trước đây, quán bánh canh Vĩnh Trung ngày nay nằm ở đầu sóc đón chào khách muôn phương. Đặc biệt, hương vị của bánh canh nơi đây không thay đổi so với kinh nghiệm gia truyền.
Để có được tên tuổi, công đoạn làm bánh không thể không nhắc đến. Các thành viên trong gia đình phải dậy từ rất sớm xay bột rồi giằng bột hơn ba giờ, cán bột mỏng ra bằng vỏ chai, sau đó thái thành sợi. Khâu quan trọng nhất là nêm xúp theo công thức gia truyền từ rất lâu đời.
Thực khách sẽ lựa chọn theo khẩu vị của người dân Nam bộ ăn bánh canh với cá lóc, giò heo, thịt gà, bò viên, tôm khô...Ăn kèm với giá đậu xanh sơ chín hay với bánh củ cải, hương vị bánh canh đậm đà trong từng hơi nóng. Hớp một ngụm nước mía (cũng được phục vụ tại quán) khi bụng đang no căng sẽ thấy hạ nhiệt hẳn so với khí trời hanh hao của xứ núi.
Hẹn bạn một ngày về lại con dốc quanh co, rời khu du lịch Lâm Viên núi Cấm trên hành trình thăm chợ cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên. Chúng ta ngồi bên nhau râm ran chuyện đời thường, nhìn dòng người xe qua lại trong ánh chiều tà phía bên kia hàng thốt nốt, dưới chân những dãy núi giữa một quê hương thanh bình, cùng thưởng thức một tô bánh canh đậm đà hương vị dân tộc Khơme.
Áo Trắng số 35 (ra ngày 1-11-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận