![]() |
Một phóng viên tác nghiệp tại Bangkok ngày 19-5, khi có ít nhất 20 người thiệt mạng trong các vụ giao tranh, trong đó có một đồng nghiệp của anh - Ảnh: WSJ |
Thủ đô Bangkok vốn ổn định và thoải mái là địa điểm ưa thích cho các phóng viên trong nhiều thập kỷ. Nhưng điều đó đã thay đổi chỉ trong hai tháng qua, khi thành phố rơi vào vòng xoáy bạo lực giữa lực lượng an ninh của chính phủ và những người biểu tình áo đỏ chống chính phủ. Ngày 10-4, quay phim người Nhật Hiro Muramoto đã bị bắn chết khi kẹt giữa hai làn đạn.
Ngày 19-5, phóng viên ảnh người Ý Fabio Polenghi thiệt mạng khi bị một người chưa rõ danh tính bắn chết trong đợt tổng tấn công của quân đội vào căn cứ của phe áo đỏ tại Bangkok. Ít nhất bốn phóng viên nước ngoài và ba phóng viên Thái Lan cũng bị thương nặng khi đưa tin từ vùng xung đột.
“Đó là tình huống rất hỗn loạn và dễ luống cuống - Nelson Rand, quay phim cho kênh France 24, đã bị bắn ba lần khi đang đưa tin về vụ xung đột và hiện đang bình phục tại một bệnh viện ở Bangkok, nói - Các viên đạn xuất phát từ tất cả các hướng, vì vậy rất khó để che chắn”.
“Những người biểu tình không được tổ chức tốt. Những kẻ bạo loạn ở khắp mọi nơi, khiến rất khó nhận định nên đứng ở đâu - Somkiat Onwimol, nhà sản xuất truyền hình độc lập và là cựu nghị sĩ Thái Lan, nói - Không có an toàn gì cả vì không có luật pháp”.
Theo Ủy ban Bảo vệ các nhà báo, trong năm nay trên thế giới đã có 14 nhà báo bị giết khi đang tác nghiệp. Pakistan có ba nhà báo bị giết và là quốc gia nguy hiểm nhất cho các nhà báo. Thái Lan và Nigeria mỗi nước có hai nhà báo bị chết, ở vị trí thứ 2. Iraq là nơi đã lấy đi sinh mạng của một nhà báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận