21/05/2006 19:15 GMT+7

Băng đảng lộng hành ở Mỹ Latin

BẢO TÚ
BẢO TÚ

TTCT - Ít nhất 70 người đã thiệt mạng trong vụ nổi loạn tại Sao Paulo (Brazil), thành phố lớn nhất Nam Mỹ vào trung tuần tháng 5-2006, khởi nguồn từ vụ chuyển trại một số “đại ca” của băng đảng First Capitol Command (PCC).

xrRwQPjD.jpgPhóng to
Đường phố Sao Paolo những ngày tội phạm lộng hành
TTCT - Ít nhất 70 người đã thiệt mạng trong vụ nổi loạn tại Sao Paulo (Brazil), thành phố lớn nhất Nam Mỹ vào trung tuần tháng 5-2006, khởi nguồn từ vụ chuyển trại một số “đại ca” của băng đảng First Capitol Command (PCC).

Ấy vậy mà tổng cộng đã có khoảng 180 vụ tấn công, bắt đầu từ 12-5-2006 làm thiệt mạng 39 cảnh sát, 38 đối tượng tội phạm và bốn thường dân. Và Brazil không phải là nơi duy nhất ở Mỹ Latin chứng kiến sự bùng nổ của các hoạt động tội phạm...

PCC là điển hình của làn sóng tội phạm bùng nổ ở Brazil nói riêng và Mỹ Latin nói chung. Nguyên cớ rõ nét nhất là sự phân hóa trong xã hội. Theo CIA World Factbook, dù Brazil là nền kinh tế thứ 11 thế giới nhưng xã hội nước này phát triển mất cân bằng. Hầu hết công nghiệp chủ lực tập trung tại phía nam và đông nam trong khi đông bắc vẫn nghèo muôn thuở: hiện vẫn còn khoảng 41 triệu người sống trong tình trạng đói nghèo.

Thiếu ăn lẫn thiếu chữ. Tỉ lệ chính thức dân số mù chữ là 8% nhưng trong thực tế có hơn 30% trong tổng dân số không biết đọc hoặc viết. Brazil là một ví dụ chung cho toàn cảnh Mỹ Latin: các băng đảng giang hồ biến thành các tổ chức tội phạm hoạt động vượt qui mô quốc gia.

Tháng 12-2004, nhóm MS-13 đã chặn một xe buýt chạy ở bắc thành phố Chamalecon tại Honduras nổ súng và giết chết 28 hành khách. Các nhóm như MS-13 cũng đã móc nối với bọn du thủ du thực tại những khu ổ chuột ở Los Angeles và nhiều thành phố Mỹ khác lại cùng làm ăn với mafia Mỹ. Theo Foreign Affairs, hiện có 70.000-100.000 tên tội phạm gốc Mỹ Latin đang có mặt ở Mỹ.

Người ta gọi chúng là marabunta hoặc mara (tên một loại kiến lửa cắn chết người ở Mỹ Latin). Bùng nổ dân số dẫn đến thất nghiệp và nghèo đói, các băng nhóm tội phạm Mỹ Latin mọc như nấm. Theo một bài báo của Ginger Thompson trên tờ New York Times, các tổng thống Honduras và El Salvador đã gọi hoạt động tội phạm này là mối đe dọa nguy hiểm nhất cho an ninh quốc gia.

MONcVzlj.jpgPhóng to
Một gia đình nạn nhân bị tội phạm sát hại
Tại Guatemala, chính phủ nước này cho biết nạn bạo động súng có thể đã giết hại 1.000 người trong năm 2005. Năm 2003, các chính phủ Honduras, El Salvador, Guatemala, Panama và Mexico đã ký hiệp ước hợp tác chống tội phạm nhưng hiệu quả thực tế không cao bởi nhà tù không còn chỗ chứa và trong nhiều trường hợp trại giam trở thành chốn địa ngục đẫm máu.

Hai nhóm lớn nhất hiện nay - Mara Salvatrucha và Mara 18 - đã bắt đầu xưng danh ở Los Angeles. Băng Mara Salvatrucha có nguồn gốc từ thành phần tị nạn chính trị đến Mỹ vào thập niên 1980.

Băng Mara 18 từ Mexico đến Mỹ trong thập niên 1970. Giang hồ Mỹ Latin có mặt tại hầu hết thành phố lớn ở Mỹ và hành vi của chúng ngày càng táo tợn. Tuy nhiên, Los Angeles - dân số gần tương đương Honduras - nay đang trở thành” kinh đô” của tội ác với khoảng 700 nhóm cùng 110.000 thành viên.

Từ năm 1996, Quốc hội Mỹ phải thắt chặt luật nhập cư. Dân du thủ du thực bị tống khứ khỏi Mỹ đã nhanh chóng “hồi hương”. Từ năm 2000-2004, theo Foreign Affairs, có khoảng 20.000 tội phạm Mỹ Latin, mà gia đình từng định cư tại các khu ổ chuột Los Angeles thập niên 1980, bị đưa ra khỏi Mỹ.

Không chỉ móc nối và tái lập mạng lưới hoạt động, tội phạm chuyên nghiệp Mỹ Latin còn khống chế chính quyền địa phương nước mình. Có đến 15 thành phố El Salvador hiện nằm dưới sự kiểm soát của bọn “kiến lửa”. Soyapango - khu dân cư lao động tại San Salvador, nơi từng là chỗ trú của thành phần chính trị cánh tả trong những năm nội chiến - hiện là lãnh địa tranh giành đẫm máu của hai nhóm M-18 và MS-13.

Hiện thời việc chặn đứng tội phạm Mỹ Latin là gần như vô phương. Chúng vẫn tiếp tục tuồn người vào Mỹ. Tại thành phố Tapachula (Mexico) giáp biên giới Guatemala, bọn “kiến lửa” hiện mở dịch vụ đưa người vào Mỹ với giá 5.000-8.000 USD/người. MS-13 hiện có “văn phòng” ở bảy bang Mexico, từ Chiapas ở phía nam đến Tamaulipas giáp biên giới Mỹ. Cơ quan di dân quốc gia Mexico cho biết MS-13 đã móc nối với nhiều tập đoàn ma túy và hiện bọn này có khoảng 5.000 thành viên ngay tại Washington DC!

Mối nguy “kiến lửa” không chỉ dừng ở đó. Tháng 9-2004, an ninh Mỹ đã thông báo cho Chính phủ Honduras về sự có mặt của thành viên Al-Qaeda Adnan G.El Shukrijumah tại Tegucigalpa trong một cuộc họp giữa đại diện Al-Qaeda và đại diện mara. Tháng 1-2005, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã bí mật thành lập một đơn vị FBI chuyên trách chống MS-13, phối hợp với Sở Di trú và nhập tịch Hoa Kỳ cũng như cơ quan phòng chống ma túy.

BẢO TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên