01/09/2009 08:03 GMT+7

Bằng cấp không có lỗi

ĐỖ QUYÊN (Trà Vinh)
ĐỖ QUYÊN (Trà Vinh)

TT - Câu chuyện “chạy theo bằng cấp bằng mọi giá” tiếp tục nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc trong ngày 31-8.

iGIImqvo.jpgPhóng to
Trao bằng tốt nghiệp cho tân cử nhân đạt loại giỏi của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Bằng cấp - động cơ học tập

Vấn nạn chạy theo bằng cấp xuất hiện khi... xã hội nâng giá trị bằng cấp lên hàng đầu.

Muốn củng cố địa vị trong cơ quan, phải đạt chuẩn hay trên chuẩn. Muốn xin việc, thì bằng cấp là cái vé để có thể bước vào ngưỡng cửa cơ quan hay công ty. Công nhân viên nhà nước hưởng lương căn cứ vào bằng cấp. Bằng đại học dĩ nhiên hưởng lương cao hơn bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên môn. Từ đó, giá trị con người cũng được phân định qua bằng cấp. Do vậy bằng cấp đã trở thành động cơ học tập.

Điều đó sẽ tốt đẹp biết bao nếu mọi người thi nhau học tập, chiếm lĩnh tri thức làm giàu vốn sống để có đủ trình độ làm việc, phục vụ xã hội sau này và được xác định trình độ học vấn thông qua bằng cấp. Tiếc rằng đã có hiện tượng chạy theo bằng cấp bằng mọi giá. Trường hợp sinh viên Trần Xuân Thanh là ví dụ rõ nét nhất. Trần Xuân Thanh muốn có bằng cấp đến độ đánh mất nhân cách, trở thành một kẻ vi phạm pháp luật, để lại một vết nhơ trong lịch sử giáo dục. Và còn nhiều trường hợp khác nữa như mua bằng cấp, thuê người thi giúp, gian lận trong thi cử...

Bằng cấp tự nó không có lỗi. Lỗi ở người muốn có nó mà không chịu học. Lỗi ở một số người vì lợi ích cá nhân đã tiếp tay cho những kẻ chạy theo bằng cấp bằng mọi giá được toại nguyện. Theo tôi, có thể đánh giá bằng cấp là động cơ học tập. Nhưng ở đây là học thật, thi thật và dạy thật, nâng cao giá trị thật của bằng cấp bằng học tập. Và để làm được điều đó cần có sự góp sức của toàn xã hội.

Bị ám ảnh bởi bằng cấp

Ước mơ có được một tấm bằng đại học đang là mục tiêu của không ít bạn trẻ hiện nay. Gánh nặng có được tấm bằng để tìm một công việc ổn định, gánh nặng từ việc có được một tấm bằng để có một chỗ đứng trong xã hội nhằm thỏa mãn sự kỳ vọng của gia đình đã làm không ít bạn trẻ bị ám ảnh bởi hai từ bằng cấp.

Đất nước phát triển thì trình độ học vấn của con người càng nâng cao, đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng việc lấy bằng cấp làm thước đo cho năng lực từ lâu trở thành một quan niệm đi vào nhận thức và suy nghĩ của toàn xã hội. Chính vì tính chất quan trọng của tấm bằng mà nhà nhà phấn đấu cho con vào đại học, người người đổ xô vào đại học không kịp tìm hiểu ngành học đó có phù hợp, miễn sao có tấm bằng là được. Chính vì số người học đại học càng nhiều nên số trường đại học ngày càng mọc lên như nấm.

Nhiều trường đại học mở thêm nhiều ngành mới dù những ngành đó xã hội không cần. Hệ lụy của nó là hằng năm có rất nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc làm việc không đúng chuyên ngành. Các công ty, xí nghiệp khi tiếp nhận lao động có trình độ phải đào tạo lại từ đầu.

Luật pháp cũng “phân biệt đối xử”

Đã không ít lần câu chuyện “đại học không phải là con đường duy nhất” được đặt ra. Thế nhưng việc “chạy theo bằng cấp bằng mọi giá” vẫn cứ là một thực tế của xã hội.

Ngay cả nghịch lý “thừa thầy thiếu thợ” đã từng nhìn nhận cả mấy chục năm nay, không những không giải quyết được từ chính chiến lược phát triển giáo dục bất nhất như thế. Đã thừa “thầy” lại mở tiếp trường đào tạo ra “thầy”. Cùng là mục tiêu giáo dục chung nhưng ngay cả câu chuyện quản lý, đào tạo “thầy”, “thợ” vẫn cứ giao cho mỗi cơ quan riêng: Bộ GD-ĐT “quản” về việc đào tạo “thầy”, còn đào tạo “thợ” lại giao cho Bộ LĐ-TB&XH. Sự khác nhau về cơ quan cấp bằng “thầy - thợ” vô hình trung đào sâu thêm khoảng cách nhận thức của xã hội về giá trị bằng cấp.

Sự thăng tiến trong nghề nghiệp, cũng như cách thức xét nâng cấp bậc lương trong hệ thống thang lương, ngạch lương cũng có sự đối xử hết sức không công bằng giữa những người theo con đường đại học với những lao động đã học nghề. Thậm chí những người có bằng cao đẳng nghề cũng không được đánh giá quá trình thăng tiến như những người theo học các trường cao đẳng trong hệ thống trường do Bộ GD-ĐT quản lý.

Sự thật này thể hiện rõ ràng trong cả hệ thống văn bản pháp luật nhà nước. Một khi luật pháp “phân luồng” rạch ròi sự “phân biệt đối xử” như thế thì thử hỏi nhận thức xã hội có dễ dàng chấp nhận theo “thợ” tốt hơn bằng mọi giá có bằng cấp “thầy”?

Hệ lụy từ chủ trương tuyển dụng nhân sự

Khoảng chục năm gần đây, nhiều sở, cơ quan, ban ngành chủ trương tuyển dụng nhân sự bằng xét tuyển dựa trên bằng cấp, điểm số tốt nghiệp đại học theo nguyên tắc từ cao xuống: tiến sĩ, thạc sĩ, giỏi, khá, trung bình... Đấy là một chủ trương rất được dư luận hoan nghênh vì nó công khai minh bạch, loại bỏ được tiêu cực như quen biết, chạy chọt cửa sau... Tuy nhiên, thực tế vài năm trở lại đây, chủ trương xét tuyển này đang bộc lộ những bất cập, phát sinh những hệ lụy, tạo nên sự không công bằng giữa người học.

Việc xét tuyển theo nguyên tắc từ trên xuống sẽ khiến bao công sức nỗ lực của sinh viên trong bốn năm đại học để có tấm bằng loại giỏi trở nên vô nghĩa, bởi lẽ loại giỏi cũng xếp sau thạc sĩ. Mà thạc sĩ bây giờ không phải hiếm, thậm chí là nhiều. Rất nhiều những sinh viên tốt nghiệp loại khá, trung bình không trúng tuyển chỉ còn cách đi học thạc sĩ và họ sẽ được xếp trên. Khi đó sinh viên tốt nghiệp loại giỏi cũng chỉ còn cách... đi học thạc sĩ. Mà có phải ai cũng có tiền để học thạc sĩ. Tốt nghiệp được đại học, nhiều sinh viên và gia đình phải mang gánh nặng nợ nần...

Những hệ lụy phát sinh từ chủ trương tuyển dụng nhân sự dựa trên bằng cấp như đã phân tích ở trên là có thật. Nó xói mòn quan hệ thầy trò, gây nên sự bất công xã hội. Cứ tình hình này thì sẽ đến lúc không chỉ là những sinh viên lười học, đạo đức yếu mà sẽ là những sinh viên giỏi, có năng lực, đạo đức tốt cũng có hành động tiêu cực vì bế tắc và phản kháng những bất công dồn nén.

Cần năng lực thật sự

Các nhà tuyển dụng ngày nay không đơn giản chỉ nhìn vào và tin ngay chất lượng của tấm bằng đại học. Mà đúng hơn, họ cần những ứng cử viên có năng lực thật sự, có kinh nghiệm việc làm, có vốn sống sâu. Những điều kiện như thế không phải đến trường đại học các bạn mới được trang bị. Vì vậy, hãy nghĩ đến một hướng đi khác thiết thực hơn, nhanh hơn và tiết kiệm hơn chẳng hạn như học nghề hoặc học các khóa ngắn hạn chuyên sâu về một lĩnh vực hay ngành nghề nào đó.

Các bạn không nên lo lắng quá nhiều rằng nếu không có tấm bằng đại học thì mất hết cơ hội hay sẽ nhận được mức lương thấp. Cá nhân tôi là một nhà tuyển dụng, tôi ưu tiên cho những người làm được việc chứ không phải tấm bằng.

ĐỖ QUYÊN (Trà Vinh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên