![]() |
Nghệ sĩ Đàm Liên trong vai Trưng Trắc - Ảnh: Hà Hương |
Ngày nào bà cũng có mặt trên sân khấu Nhà hát Tuồng Việt Nam để cùng những nghệ sĩ trẻ tập vở, chuẩn bị cho đợt công diễn vào tháng 8. Ngọn lửa Hồng Sơn và Sơn Hậu là những vở tuồng cổ, không phải người trẻ nào cũng có thể cảm được cái hay và cái đẹp của nó. Vậy nên giọng bà Đàm Liên cũng khàn đặc và khuôn mặt lộ vẻ mệt mỏi. Nhưng bà bảo phải chỉ dạy thật tỉ mỉ bởi họ chính là những người tiếp tục giữ hơi thở của tuồng.
Hỏi bà liệu có chạnh lòng không khi khách Tây đến xem nhiều, còn khách ta quá ít, bà trả lời dứt khoát: “Tôi không chạnh lòng”. Nhưng nhìn những khách Tây tuổi còn khá trẻ mê đắm trong từng vở tuồng, người từng được mệnh danh là “bà chúa sân khấu tuồng” thoáng chút trầm ngâm:
- Một phần lớp trẻ chạy theo thị hiếu, nhưng đó không phải là tất cả. Còn những người trẻ khác, dù không nhiều nhưng lại mê tuồng. Không mê tuồng thì tôi diễn với ai, những người xem tôi diễn đa số là người trẻ...
* Có một số ý kiến cho rằng dường như lớp trẻ đang quay lưng với tuồng?
- Không. Một nửa người trẻ đến xem thì không thể nói là “quay lưng” được. Các bạn chưa chứng kiến những buổi diễn tuồng mà khán giả phần lớn là thanh niên gào lên như thế nào. Nhưng đúng là nghệ thuật tuồng kén người xem và kén người nghe.
* Nhiều người trẻ đã không đủ can đảm để theo đuổi môn nghệ thuật kén người nghe, người xem như tuồng?
- Sinh viên bây giờ vẫn đến tìm hiểu nghệ thuật tuồng. Họ xem “ác” lắm. Chúng tôi đi diễn ở nước ngoài, các trường đại học rồi về các vùng quê, họ vẫn mê lắm. Nhưng tôi buồn một nỗi số diễn viên trẻ theo tuồng bây giờ hiếm lắm. Có tài năng nhưng họ không muốn sống chết với tuồng thì cũng chẳng thể làm gì được.
* Tình cảnh hiu hắt của sân khấu tuồng phải chăng cũng bởi diễn tuồng là một nghề khó, nghề khổ?
- Tuồng là một môn nghệ thuật bác học. Hát khó, diễn khó, múa cũng khó. Một động tác múa tôi cũng phải mất rất nhiều thời gian để uốn nắn cho các học sinh. Trong truyền thống thì diễn thế nhưng diễn viên khi lĩnh hội vai diễn phải có sự sáng tạo của riêng mình.
* Cứ nói đến tuồng có thể nhiều người còn e ngại, nhưng nói đến Đàm Liên thì người ta lại thích. Bà lý giải ra sao?
- Đó là bởi tôi luôn đưa hơi thở cuộc sống vào vở tuồng tôi diễn. Bởi vậy bạn trẻ vẫn tìm đến tôi để tìm hiểu về tuồng và học biểu diễn tuồng. Khi dạy, ngoài những uốn nắn về mặt kỹ thuật, tôi truyền cho học trò những tình cảm của mình. Học trò phải bắt được tâm hồn mình truyền qua từng động tác. Lúc đó tuồng vẫn còn sức sống.
* Khi truyền nghề cho học trò, bà đã nói gì với họ?
- Tôi không nói gì cả, nhưng học trò nhìn thấy tôi sẽ tự hiểu. Tôi chỉ bảo học đi. Lúc dạy tôi cũng chẳng nói ngọt đâu, tôi “giã” thật sự đó. Nhưng “giã” xong mà làm tốt thì tôi khen. Học trò của tôi thành nghề đều như vậy cả.
Phương pháp của tôi chính là truyền lửa cho học trò. Nếu mình không có lửa, chỉ dạy cho họ cách thức biểu diễn thì người ta học mãi cũng không thể yêu được nghề. Tôi còn dạy cho nhiều lớp diễn viên kịch, họ học rồi cũng mê luôn. Phải có lửa trong tim, lửa trong lòng, khi có lửa rồi thì đến một lúc nào đó nó sẽ bùng cháy.
* Hàng chục năm thăng trầm với nghiệp diễn, theo bà, sức sống của tuồng nằm ở đâu?
- Thời chiến tranh cho đến thời bao cấp, mở cửa, thời nào tôi cũng diễn. Tất nhiên dù diễn vào thời điểm lịch sử nào, diễn vở nào, tuồng phải có được hơi thở thời đại của nó. Mất đi mối liên kết này thì không có gì sống cả, nhất là đối với nghệ thuật tuồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận