Bên cạnh câu chuyện làm cách nào để biến tranh tượng mỹ thuật thành một món hàng hóa có thể kêu gọi đầu tư như chứng khoán, địa ốc và nhiều vấn đề rất cũ như chính sách quản lý, thực trạng mỹ thuật khó khăn..., một vấn đề mới nổi lên thu hút sự quan tâm là mối quan hệ, uy tín giữa gallery và các họa sĩ hiện nay.
Bà Huỳnh Nga - chủ gallery Không Gian Xanh - cho biết hơn 20 năm mở gallery, bà chưa bán được một bức tranh nào cho người Việt. Khách mua tranh ở gallery Không Gian Xanh chỉ toàn khách nước ngoài. Chẳng phải “khách ngoại” là sang, mà điều đó phản ánh thực trạng tranh Việt không có thị trường trong nước. Tuy nhiên, những năm gần đây thực trạng tranh nhái, tranh giả phá hoại uy tín thị trường tranh VN. Bà Nga nêu ví dụ: trước đây khách quốc tế mua tranh VN với thái độ trân trọng, thậm chí họ còn không dám trả giá. Giờ đây, với mỗi bức tranh giá khoảng 300-400 USD, khách cũng yêu cầu gallery chứng nhận tranh thật. Bà kể ra kinh nghiệm này như một thực tế đắng lòng: tranh Việt không được tin tưởng!
Không chỉ vấn đề tranh giả, sự không uy tín của các họa sĩ cũng là điều có thể hủy hoại thị trường tranh. Bà Nga dẫn ra một kinh nghiệm: một gallery có thể ký hợp đồng độc quyền với một họa sĩ, nhưng tranh họa sĩ này vẫn có thể xuất hiện tràn lan ở các gallery khác. Hoặc khi người mua tìm đến nhà, các họa sĩ thỏa thuận “hữu nghị” rồi bán dưới mức giá của gallery. Với các gallery thì sự vi phạm cam kết này chẳng khác nào một hành động “đâm sau lưng”. Nhưng nếu có lấy hợp đồng thỏa thuận ra thì họa sĩ cũng... cười trừ.
Limkhim Katy - một nữ họa sĩ vẽ tranh không kịp bán và bán với giá rất cao ở thị trường nước ngoài - cho biết hơn mười năm theo nghề, chị có cảm tưởng các gallery VN chỉ thuần chuyện mua bán tranh hơn là giúp đỡ, định hướng cho các họa sĩ.
Kinh nghiệm bảo vệ chữ tín của họa sĩ khi ra nước ngoài cũng được Limkhim Katy kể lại bằng một câu chuyện ở Singapore. Cách đây năm năm, một gallery Singapore hợp tác với chị cùng bốn họa sĩ VN khác. Nhưng từ năm nay họ chỉ giữ lại Limkhim Katy, chỉ vì một số họa sĩ VN trong nhóm đã vi phạm cam kết, qua Singapore tự giao dịch tác phẩm. Limkhim Katy cho rằng người họa sĩ vẽ bằng trái tim, nhưng cũng đặt cao lòng tự trọng và uy tín của mình. Có như thế mới có thể đi đường dài với các gallery quốc tế. Ý kiến này được họa sĩ Uyên Huy - chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM - và nhiều người đồng tình ủng hộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận