Ít kiện mà lo
Tin từ cục bản quyền tác giả, trong năm 2003(đến 30-11)có gần 1100 tác phẩm đăng ký chứng nhận quyền tác giả, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng theo ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng cục Bản quyền, con số này rất thấp so với số tác phẩm mới được sáng tác trong năm 2003, hơn nữa, đa phần tác phẩm đăng ký chứng nhận là biểu trưng logo, nhãn mác hàng hóa…
Cũng chỉ có 16 vụ việc có đơn thư khiếu nại liên quan đến việc xâm phạm bản quyền, quá ít so với những vi phạm đang diễn ra. Điều này cho thấy ý thức về việc bảo vệ bản quyền cũng như đấu tranh đối với việc xâm phạm bản quyền vẫn còn ở mức thấp.
Văn học dịch, nhạc ngoại khó có cửa trong năm 2004
Năm 2004, một bước tiến quan trọng của công tác bảo vệ quyền tác giả của VN là tham gia công ước Berne (theo ông Chu, lẽ ra theo kế hoạch VN tham gia công ước Berne từ 1-1-2004), tiến tới tham gia 3 công ước quốc tế khác về bản quyền: Roma, Geneva và Brussels.
Đây là những bước đi cần thiết và bắt buộc của chúng ta trên đường hội nhập với thế giới không chỉ về văn hóa. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc các NXB và các nhà sản xuất băng đĩa nhạc đứng trước một bài toán khó có lời giải.
Hiện nay, theo những cam kết trong hiệp định bản quyền Việt –Mỹ, các NXB và hãng băng đĩa đang “tránh tối đa” sử dụng tác phẩm của các tác giả Mỹ và Thụy Sĩ (nằm trong diện được bảo hộ của hiệp định này) nhưng nếu VN tham gia công ước Berne thì đường tránh sẽ cực khó.
Bà Quách Thu Nguyệt, giám đốc nhà NXB Trẻ lo lắng:
“Hiện nay mảng sách dịch đang “ngó lơ” chuyện bản quyền với “anh” Trung Quốc. Nhưng tham gia Berne thì không thể thế được nữa. Và như thế, nếu thêm phí bản quyền (nước ngoài thường đòi phí bản quyền 8-15% giá sách) chưa biết hình dung ra giá sách sẽ phải đội lên thế nào. Nếu sách chỉ in vài ngàn cuốn thì bán không đủ trả tác quyền !”.
Ông Huỳnh Tiết, giám đốc TTBN Bến Thành, đại diện Hiệp hội Ghi âm Việt Nam báo động:
“Việc sử dụng nhạc nước ngoài hiện nay rất khó khăn, ngay cả nhạc trong nước việc xin phép cũng qua quá trình kỹ lưỡng kinh khủng nhưng vừa ra thì đã bị đĩa lậu “luộc”. Hiện nay xu hướng “lậu” là trộn bài trong nước với bài hải ngoại. Các chương trình giỏi lắm phát hành 1.000 bản, nếu áp dụng đúng quy định của Bộ VH-TT để trả tác quyền theo phần trăm thì mỗi bài hát chỉ được trả có vài chục ngàn đồng. Nếu các cơ quan chức năng không ra tay với chuyện này thì các hiệp hội (bản quyền) chỉ biết ngồi nhìn nhau mà thôi”.
Khó cũng phải bước thêm một bước
Đó là khẳng định của ông Vũ Mạnh Chu tại hôi nghị công tác bản quyền tác giả vừa tổ chức tại TP.HCM. Trong năm 2004 Quy chế về sao chép tranh sẽ được ban hành, chuẩn bị Quy chế bản quyền về phần mềm máy tính và việc bảo hộ quyền tác giả trên mạng Internet.
Việt Nam đang chuẩn bị ký với Thái Lan bản hợp tác liên tịch giữa Cục Sở hữu công nghiệp, Cục Bản quyền tác giả và Quản lý thị trường về hợp tác trao đổi thông tin pháp luật, nghiên cứu khảo sát và bảo hộ lẫn nhau về quyền tác giả giữa hai nước.
Cũng năm 2004 trang web về quyền tác giả Việt Nam sẽ được mở trên mạng Cinet của Bộ VH-TT trước khi vào mạng WIPOnet toàn cầu (mạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận