- Bài thơ Em đi tìm anh trên bán đảo Ban Căng, của tác giả Khổng Văn Đương, một thời bị nhầm là của nữ thi sĩ người Nga Olga Bergolts. Toàn bài như sau:
Em đi tìm anh trên bán đảo Ban căng <?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Tìm không thấy chỉ thấy trời im lặng
Một mình em trong màn đêm thanh vắng
Tim bồi hồi chân bước vội dưới trăng.
Em trèo lên đỉnh núi cao Các pat
Nhìn theo anh mất hút biết về đâu
Chân ai đi xa lắc tím trời Âu
Dòng nước mắt bỗng trào ra chua chát!
Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt
Sóng xô bờ liên tiếp gọi triền miên
Buồn! Chao ôi, gió làm em phiêu bạt
Thân cô đơn kinh khiếp cả trăng hiền!
Ôi dòng xanh rầm rì sông Đa nuyp
Mây trời in lồng lộng giữa dòng sông
Nên ngàn năm êm đềm trôi một nhịp
Chỉ mình em nhức nhối vết thương lòng!
Hỡi trái đất rộng làm chi bát ngát
Cho loài người chia biên giới thế gian
Cho sa mạc nổi bùng cơn bão cát
Cho tình anh chưa bén đã lụi tàn?
Em xin hỏi Trời cao và Đức Phật:
Cõi niết bàn có mãi mãi mùa xuân
Đâu trời Tây, đâu xa gần cực lạc
Mà trần gian đầy bể khổ trầm luân?
Con lạy Chúa Jê-su ban phép lạ
Cho nước Người hết ly biệt, chia phôi
Hai chúng con quỳ trước Người đa tạ
Xin hòa tan làm một, ngàn đời!
Em cầu nguyện. Còn anh,
anh chẳng biết
Trái tim anh sao giá lạnh thờ ơ?
Và hôm nay dù tình anh đã hết
Em vẫn mong, vẫn hy vọng, vẫn chờ...
Vẫn trèo lên đỉnh núi cao Các pat
Vẫn theo dòng Đa nuyp
những đêm trăng
Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt
Đi tìm anh trên bán đảo Ban căng!
Bucharest, 19-3-1969
Khổng Văn Đương, quê ở Phú Thọ, năm 1967 được cử sang Rumani học về ngành hóa chất. Anh gặp một cô gái tóc vàng Rumani có tên là Valentin. Valentin lúc này mới 17 tuổi, đang học trung học. Mối tình giữa đôi thanh niên nảy nở, nhưng rốt cuộc vì nhiều lý do, anh Đương phải lánh mặt Valentin mặc dù rất yêu cô, cảm xúc về tình yêu bế tắc ấy khiến Khổng Văn Đương viết nên bài thơ này.
|
* Bàn phím văn học có thể giải nghĩa cho em câu thơ: “... mèo mả gà đồng” trích trong Truyện Kiều của tác giả Nguyễn Du. Câu thơ ấy có phải là gần nghĩa với câu tục ngữ “lợn nhà gà chợ” không?
(BNG - Thủ Đức)
Nếu bạn nói “câu thơ”, thì câu thơ của Nguyễn Du là “Ra tuồng mèo mả gà đồng” - câu 1731 trong Truyện Kiều. Câu này của nhân vật Tú Bà mắng Thúy Kiều lúc Kiều mới bị đưa vào lầu xanh. Tú Bà dùng câu thành ngữ “mèo mả gà đồng” để mắng Thúy Kiều là hạng gái lăng loàn đầu đường xó chợ, không phải con nhà gia giáo.
Còn câu thành ngữ “Mèo mả gà đồng” dùng để chỉ những hạng người quan hệ trai gái lăng loàn bất chính, tự do thái quá như loài mèo hoang sống ở mả, đực cái gặp nhau lúc nào cũng được, hay như loài ếch (gà đồng) ngoài đồng, gặp mưa là nhảy ra bắt cặp. Còn câu tục ngữ “lợn nhà gà chợ” dùng để chỉ kinh nghiệm của dân gian: khi mua lợn thì nên mua tại nhà, để có giống lợn tốt, còn mua gà thì mua ở chợ, để có thể lựa chọn thoải mái. Do vậy, hai câu “mèo mả gà đồng” và “lợn nhà gà chợ” không gần nghĩa nhau được.
F.A.Q.
Áo Trắng số 37 (ra ngày 1-12- 2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận