07/04/2008 06:32 GMT+7

Bàn phím văn học

(lebichson2005@)
(lebichson2005@)

AT - Lúc trước tôi có nghe nói hai câu thơ "Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả/ anh hùng hào kiệt có hơn ai" là của Nguyễn Công Trứ. Gần đây lại có ý kiến cho rằng của Phan Bội Châu. Xin cho biết tác giả của hai câu thơ ấy là ai? Trích trong bài thơ nào (nếu có)?

Theo tài liệu chúng tôi hiện có, hai câu thơ trên là bản Việt dịch hai câu thơ cuối trong bài thơ An Mai Quân bằng Hán văn của Phan Bội Châu. Bài An Mai Quân như sau:

Phiêu bồng ngã bối các tha hương Tân khổ thiên quân phận ngoại thường Tính mạng kỷ hồi tần tử địa Tu mi tam độ nhập linh đường Kinh nhân sự nghiệp thiên đào chú Bất thế phong vân đế chủ trương Giả sử tiền đồ tận di thản Anh hùng hào kiệt giã dung thường.

Và đây là bản dịch Việt ngữ của cụ Đào Trinh Nhất:

An ủi Mai Lão BạngBơ vơ đất khách bác cùng tôi: Riêng bác cay chua nếm đủ mùi. Tính mạng bao phen gần chết hụt. Mày râu ba lượt bị giam rồi! Trời toan đại dụng nên rèn chí, Chúa giúp thành công tất có hồi Nếu phải đường đời bằng phẳng hết, Anh hùng hào kiệt có hơn ai.

Theo tác phẩm Ngục trung thư của Phan Bội Châu, bài An Mai Quân ra đời trong nhà ngục ở Quảng Đông, để an ủi linh mục Mai Lão Bạng.

Như vậy, từ hai câu dịch của Đào Trinh Nhất trên đây, nhiều người nghe phong vị thơ rất giống với cung cách cám cảnh thế thái nhân tình của Nguyễn Công Trứ xưa kia mà gán nhầm cho ông. Cũng lưu ý thêm là: hai câu do Đào Trinh Nhất dịch, có khác với hai câu bạn nêu ba chữ (nếu, phải, hết thay vì ví, phỏng, ca), nhưng xét về nghĩa đều giống nhau.

Hơn nữa, câu cuối bài thơ của Phan Bội Châu giống câu bạn nêu 100%, nên khẳng định hai câu trên xuất xứ từ bài thơ trên của Phan Bội Châu là hợp lẽ. Còn một khả năng nữa, là có ai đó ngoài Đào Trinh Nhất cũng dịch bài này, và câu thứ bảy dịch "ví phỏng đường đời bằng phẳng cả”.

Nhưng xét nguyên tác, câu "Anh hùng hào kiệt giã dung thường" (anh hùng hào kiệt cũng thường thôi) mà dịch thành "anh hùng hào kiệt có hơn ai" là một sáng tạo của cụ Đào Trinh Nhất rồi, nên khả năng tồn tại một bản dịch khác giống bản này từng chữ ở câu cuối như thế là rất hiếm.

Tôi nhớ nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng có bài thơ viết về mẹ rất hay, với hình tượng "xưa hai đôi đũa một mâm...", xin cho biết toàn văn bài thơ này. Hiện nay, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng ở đâu?

Bài thơ bạn tìm là bài Mẹ ơi của Nguyễn Ngọc Hưng, toàn văn như sau:

MẸ ƠI

Thềm rêu thầm giữ dấu chânVách thầm giữ bóngChăn thầm giữ hơiChiều, con nước mắt đầy vơiGiọt dài, giọt ngắn, mẹ ơi khóc thầm.Xưa hai đôi đũa một mâmGiờ hai đôi đũa ...con cầm một đôiCòn một đôi đũa mồ côiNghẹn ngào con nuốt cho trôi chén buồn.

Hiện nay, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng ở tại nhà một người bạn, thuộc huyện Nghĩa Hành - tỉnh Quảng Ngãi. Chứng bệnh hiếm khiến anh nằm liệt suốt 25 năm qua, may có người bạn này đỡ đần anh trong những khó khăn. Bài thơ trên đây được Nguyễn Ngọc Hưng sang tác khi mẹ anh mất trong tình cảnh anh đang bệnh liệt. Nguyễn Ngọc Hưng từng tốt nghiệp Đại học sư phạm Qui Nhơn năm 1983, chưa kịp đi dạy thì ngã bệnh. Bắt đầu từ đó, anh làm thơ như hơi thở của chính mình.

oj2me5P5.jpgPhóng to

Áo Trắng số 21 (ra ngày 1-04-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

(lebichson2005@)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên