- “Thơ chân dung” em hỏi đã có từ lâu với tên gọi thơ vịnh nhân vật, như bài tự vịnh mình của Nguyễn Khuyến:
Ta cũng chẳng giàu, cũng chẳng sang,
Chẳng gầy chẳng béo chỉ làng nhàng.
Cờ đang dở cuộc không còn nước,
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.
Mở miệng nói ra gàn bát sách,
Mềm môi chén mãi tít cung thang.
Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ,
Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng.
Các nhà thơ Việt Nam hiện đại cũng viết thơ chân dung. Viết nhiều in thành tập có thể kể Xuân Sách với Chân dung văn học, Nguyễn Vũ Tiềm với Thương nhớ tài hoa và Đặng Hấn với 1001 bài thơ đợi bạn đặt tên v.v... FAQ rất thích chân dung Tô Hoài của Xuân Sách:
Dế mèn lưu lạc mười năm
Để o chuột phải ôm cầm thuyền ai
Miền Tây sen đã tàn phai
Giăng thề một mảnh lạnh ngoài đảo hoang
Qua đó, ta thấy để làm nên “thơ chân dung” thì trước hết cần vận dụng ngay tác phẩm của người đó. Có thể hiểu nôm na, chân dung được “vẽ” lên bằng chính tác phẩm của họ.
* Chuyện vui văn học và giai thoại văn học khác nhau thế nào? Có giai thoại văn học mới, giai thoại hiện đại hay không? (Phượng Hồng, THCS Thị Trấn Dương Minh Châu, Tây Ninh)
- Khác nhau ở chỗ giai thoại văn học đã thành thuật ngữ, đã được từ điển định nghĩa: “Một thể loại truyện kể ngắn gọn về một tình tiết có thực hoặc được thêu dệt của những nhân vật được nhiều người biết đến”, còn chuyện vui văn học thì chưa. Bác giai thoại khăn đống áo the bước vào sách, còn anh chuyện vui vẫn lang thang bụi đời. Nhưng cả hai đều rất gần nhau, vì nếu chuyện vui “sống lâu lên lão làng” sẽ thành giai thoại.
* Trong chương trình Rơi lệ ru người do Công ty Phương Nam vừa tổ chức rất thành công, em có nghe đến ca từ “nắng thủy tinh” của nhạc sĩ tài hoa. Xin được hỏi nên hiểu “nắng thủy tinh” như thế nào? (CẨM THÚY - Q.3. TP.HCM)
- Cám ơn bạn đã đặt một câu hỏi thú vị. Trong trường hợp này, có lẽ ta phải nhờ đến... nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giải thích là hợp nhất. Thuở sinh thời, trong một bài báo nhỏ, ông đã giải thích như sau:
“Ở Huế mùa hạ thường có những cơn mưa bất chợt. Có khi vào buổi sáng, thường là vào buổi chiều. Một thứ chiều chưa chiều lắm, mưa chưa kịp tạnh hẳn, nắng đã đột ngột bừng lên, sáng bằng một thứ ánh sáng trong vắt như pha lê, như những mảng thủy tinh long lanh trong vườn qua những kẽ lá, qua những khoảng cách chật hẹp giữa những hàng cây. Không ai đã đặt tên cho cái màu nắng ấy. Cả tôi cũng vậy. Chính bản thân nắng ấy có tên là nắng thủy tinh. Cái tên cúng cơm của một thứ tinh thể vô nhiễm ở một phút giây màu nhiệm khi được lọt lòng từ thiên nhiên”.
Hi vọng bạn sẽ hài lòng. Và khi biết được điều này thì tôi, bạn và nhiều người mê nhạc Trịnh sẽ yêu hơn nữa ca từ tuyệt đẹp như “Ngàn cây thắp nắng lên hai hàng, để nắng đi vào trong mắt em…”.
Áo Trắng số 6 (ra ngày 1-8-2007) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận