Phóng to |
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Sự lựa chọn có bản lĩnh
Chuyện về "Việt túi xách" đã khiến rất nhiều người còn “mê tín” con đường đại học ngạc nhiên. Nhưng ngẫm lại, người ta thấy Trần Hoài Việt chẳng những đã rất có lý mà còn có cả dũng, cả chí, cả thần khí và bản lĩnh để vào đời.
Một học sinh nghèo lại tha phương cầu thực, trước đây đi làm thuê (hầu bàn) và bây giờ đi bán dạo (túi xách), vậy mà vẫn quyết chí học hành thành đạt, được trúng tuyển cả ĐH, CĐ, trung cấp.
Một con đường ba lối rẽ như thế (thiếu gì người mơ ước mà không được!), nhưng Việt “túi xách” quyết định một ngả rẽ không ai ngờ. Có người cho là Việt dại! Có người bảo khôn! Song, cái lý vững vàng nhất ấy là Việt đã biết sống chứ không chỉ biết học.
4-5 triệu đồng (chưa kể cơm áo) nhân với 4-5 năm ĐH là một khoản chi phí cực lớn đối với người nghèo hiếu học. Đào đâu ra khoản tiền 20 triệu đồng đối với người ở mướn, làm thuê, lại phải vừa học vừa làm?
Đó là chưa tính “đầu ra”: chắc gì đã có việc làm ngay khi tốt nghiệp ĐH? Trong khi, bài tính của Việt chỉ đơn giản: cần học nhanh + ít tốn kém + có nghề vững + có việc làm = lập nghiệp + trợ giúp gia đình.
Một phương châm “sống để học + học để sống” như vậy vừa mang tính kinh tế vừa có tính giáo dục, lại thêm tính nhân văn: “Con học mau ra trường cũng để lo cho con út học hành. Nếu em nó đủ sức vào ĐH, ba cũng vui phải không?” (lời khấn của Việt trước bàn thờ ba).
Chỗ tuyệt vời nhất của Việt “túi xách” là học tiếp (không bỏ cuộc) nhưng cũng tiếp tục trợ giúp em gái học lên cao, vẫn sẵn sàng “quì ở bậc thấp” cho em út “đứng lên vai mình”!
Sự vượt khó đầy khí phách
Tổng quát, những tấm gương vượt khó học giỏi như Lê Xuân Thủy (Củ Chi), Nguyễn Thị Kim Hồng (Cần Giờ), Phan Thanh Trường Giang (Hóc Môn)... đến Nguyễn Thanh Lập (Quảng Trị), Việt “túi xách” (Bạc Liêu)... có những nét gì chung về chí khí?
1. Không chỉ có chí lớn, các bạn đó còn có đầy dũng khí để thực hiện chí lớn.
2. Để thực hiện chí lớn, họ tìm thấy và lựa chọn một trong nhiều con đường phù hợp với hoàn cảnh. Với họ, không có con đường nào là duy nhất tốt.
3. Khi lựa chọn hướng đi, họ không chỉ nghĩ đến cá nhân, còn nghĩ đến thân nhân, nhất là đấng sinh thành - người đã hi sinh suốt đời cho họ.
4. Đối với họ, càng đói nghèo càng phải thắt lưng buộc bụng để học. Ngoài ăn uống dè sẻn, đồng tiền cốt để đầu tư vào sự học. Và chủ yếu đó là đồng tiền vừa học vừa làm.
5. Phương châm hành động của họ là quyết tâm vượt khó chứ không ngại khó, càng không tránh khó.
6. Họ vượt khó bằng cách khai thác “vốn tự có” không chỉ là sức chịu đựng, đức kiên trì, còn có cả vốn liếng trí tuệ và một đặc trưng điển hình của nhân tính: chấp nhận hi sinh trước mắt để có triển vọng lâu dài.
...Những nét trên đây được cô lại thành khí phách anh hùng ở tuổi mới lớn, thành bản lĩnh kiên cường của chí lập thân trước ngưỡng cửa vào đời.
Trong tâm lý học, người ta gọi đó là những người có chỉ số cao về AQ - Adversity Quotient (chỉ số vượt khó), cũng là chỉ số xác định sự thành công khi vượt qua nghịch cảnh trên đường đời và sự nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận