![]() |
Debbie Tenzer - Ảnh: CS Monitor |
Chuyện bắt đầu rất đơn giản. Trong một bữa ăn trưa với bạn bè, Debbie Tenzer, ở Los Angeles (Mỹ), lắng nghe họ tranh luận về tình hình thế giới. Sau một hồi bình phẩm về chiến tranh, tội phạm, nạn đói..., những người bạn của Debbie cảm thấy thế giới này quá đen tối, và ngao ngán rút ra kết luận họ chẳng thể làm gì để thay đổi nó.
Suốt buổi Debbie lặng thinh. Chị không tin làm điều tốt lại khó đến vậy. Trên đường lái xe về nhà, Debbie quyết định từ nay sẽ thôi tập trung vào những chuyện to tát mà bản thân không thể giải quyết, thay vào đó tìm những chuyện nhỏ mà mình làm được. "Ví dụ tôi không thể sửa cả một ngôi trường ở Los Angeles, nhưng có thể tặng sách của con tôi cho trường. Tôi không thể chấm dứt nạn đói, nhưng có thể tặng một túi thực phẩm cho ngân hàng lương thực...!" - chị kể lại với báo Christian Science Debbie Tenzer Monitor.
Ban đầu, Debbie đặt cho mình mục tiêu mỗi tuần làm một điều tốt cho người khác. Chị chọn ngày thứ hai. Với người Mỹ, nhất là những người đi làm hay đi học, thứ hai là ngày đau khổ nhất trong tuần. Họ có hẳn từ "Monday blue" để diễn tả cảm xúc "tôi buồn không biết vì sao tôi buồn" vào ngày này. Một cái mỉm cười, một ổ bánh mì cho người khất thực, một bàn tay chìa ra đúng lúc... Debbie đã tạo cho mình thói quen từ những việc nho nhỏ ấy.
![]() |
Trẻ em Afghanistan nhận quà trợ giúp |
Khi được hỏi chị có lời khuyên gì với những người cảm thấy "một con én không làm nên mùa xuân", Debbie đáp nhanh: "Tôi sẽ nói rằng bạn có thể làm được. Không có việc tốt nào là nhỏ. Có thể việc đó không đòi hỏi nhiều công sức, nhưng ta không thể biết mức ảnh hưởng của nó lớn nhường nào". Chị kể lại câu chuyện về chiếc thắt lưng ở Mississippi như một ví dụ. Sau khi bão Katrina tàn phá bang Mississippi, Debbie đã gọi điện đến Trường trung học Jefferson ở đó để hỏi xem chị có thể giúp gì. Câu trả lời là dây thắt lưng.
"Hóa ra nhiều em học sinh không có dây thắt lưng để buộc chặt quần. Tôi cứ nghĩ đến hình ảnh một cậu bé 12 tuổi loay hoay lấy một sợi dây để siết lại lưng quần. Một chiếc thắt lưng nhỏ thật đấy, nhưng với cậu bé ấy nó có ý nghĩa thế nào?". Vậy là Debbie vận động các thành viên trên trang web lục lại nhà mình để tìm ra dây thắt lưng cũ gửi đến trường kèm theo dụng cụ học tập và balô học sinh. Khỏi phải nói bọn trẻ vui ra sao. Trợ lý hiệu trưởng Angie Burkett ở Trường Jefferson gọi Debbie là "tia sáng mặt trời sau cơn bão". "Cô ấy và bạn bè trên trang web giúp những thứ mà chúng tôi không có được vào lúc đó, và họ tiếp tục giúp trong nhiều năm sau".
Việc tốt của Debbie không dừng lại trong phạm vi nước Mỹ. Năm 2006, chị nhận được email của thiếu tá Walter Woodring đang đóng quân ở Afghanistan. Thư cho biết nhiều trường học đang được xây lại ở miền tây Afghanistan, nhưng học sinh ở đó chẳng có dụng cụ học tập gì, một cây bút chì cũng không. Sau khi Debbie viết lời kêu gọi, hàng tấn dụng cụ học tập đã đổ về. Theo dặn dò của Debbie, những nhà hảo tâm đã phân chia để trong mỗi chiếc túi dây kéo có đủ tập vở, bút bi, bút chì, đồ gọt bút chì, bánh kẹo và một món đồ chơi nhỏ.
Như một hiệu ứng đáp đền tiếp nối, những việc làm của Debbie đã tạo cảm hứng để những người được giúp làm tiếp việc tốt cho người khác. Ngay khi biết chị phát động chương trình gửi thiệp động viên đến bệnh nhi, các em học sinh từng nhận quà của DoOneGoodThing ở Trường Jefferson đã gửi về hàng trăm tấm thiệp tự làm, nhờ Debbie chuyển đến các bạn nhỏ đang nằm bệnh viện.
Từng chút từng chút một, Debbie và những người thiện tâm đang từ từ thay đổi thế giới theo cách riêng của họ. "Thế giới này là một nơi không hoàn hảo, có rất nhiều việc để làm và chúng ta có thể làm được" - Debbie đã nói như vậy.
Còn bạn, bạn đã làm điều tốt gì tuần này? Hãy thử lời khuyên trên trang web DoOneNiceThing.com, "mỉm cười với một người lạ vào thứ hai tới". Bạn không biết nó sẽ có ý nghĩa thế nào cho người khác và đôi khi cho chính bạn nữa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận