20/07/2006 05:17 GMT+7

Bài văn Lão Xá và Bắc Kinh

Người dịch: CHÚC XIN (cộng tác viên của Tuổi Trẻ tại Bắc Kinh)
Người dịch: CHÚC XIN (cộng tác viên của Tuổi Trẻ tại Bắc Kinh)

TT - “Vật biểu trưng của Bắc Kinh”, một đề tài dễ dẫn đến những trang viết từa tựa như lời thuyết minh của một hướng dẫn viên du lịch hạng trung bình. Vậy mà, thú vị thay, bài viết lại thấm đẫm chất văn chương, dạt dào cảm xúc, chân thành nhưng không sáo rỗng. Bài văn đạt điểm tối đa môn văn trong kỳ thi đại học vừa qua tại Bắc Kinh và được đăng trên báo Tin Tức Bắc Kinh Buổi Chiều. Tên của thí sinh không được công bố.

82JLgIS4.jpgPhóng to
Lão Xá (1899 - 1966) tên thật là Thư Khánh Xuân, nhà văn Trung Quốc. Từng học Đại học Oxford. Viết nhiều tiểu thuyết về đề tài học sinh, trí thức và thị dân. Ông tự sát trong Cách mạng văn hóa.

Về việc đổi mới dạy và học vănKhi cảm xúc lụi tàn

Tôi nhìn thấy Tường Tử (1) đang loay hoay với mớ tiền của mình, trong lòng tính toán về việc mua xe, miệng lẩm nhẩm bài vè đoán. Bên anh ấy là xe kéo tay kiểu Bắc Kinh với thân xe đen nhánh và bánh xe sáng loáng.

Tôi nhìn thấy Vương Thuận Phát đang mải mê lau chùi bàn và đón tiếp khách hàng. Anh ấy xách ấm pha trà lớn kiểu Bắc Kinh, miệng ấm tỏa hơi nước. Tôi nhìn thấy cây lựu cao tận nóc nhà, mọc bên ngoài gian nhà chính gia đình họ Kỳ, tượng “ông Thỏ” đang ngẩng đầu đứng trên bàn vuông đặt trong sân, Quý Ông gật đầu, mỉm cười. (...)

Đọc sách của Lão Xá hình như được những nhân vật trong sách hướng dẫn dạo chơi đường phố Bắc Kinh, hít thở không khí Bắc Kinh, thưởng thức màu sắc Bắc Kinh, lắng nghe tiết điệu Bắc Kinh, cảm giác tâm trạng Bắc Kinh... những tác phẩm của Lão Xá chính là vật biểu trưng của Bắc Kinh!

Đó là từng sợi, từng chi tiết của Bắc Kinh cũ. Như một đoạn nhạc của đàn Hồ Kinh (2), sôi nổi vang vang, dư âm kéo dài. Như một ấm trà hoa nhài, mùi thơm ngào ngạt, vô cùng dư vị.

Không thể quên được cách Lão Xá thưởng thức ẩm thực Bắc Kinh. “Hạt dẻ tròn mẩy của xã Lương, ngâm qua đường cát, được xào trong nồi vang lên tiếng ‘sa sa’. Thậm chí khói dưới nồi cũng ngon”. Chỉ ở Bắc Kinh xưa mới có mùi vị hấp dẫn như thế! Chỉ Lão Xá mới lĩnh hội được một cách xúc động, truyền thần thư thế!

Mặc dù nguyên quán của Lão Xá ở tỉnh Sơn Đông, nhưng ông sinh ra ở Bắc Kinh, trưởng thành ở Bắc Kinh và vô cùng yêu quí Bắc Kinh. Ông yêu tất cả mọi thứ thuộc về Bắc Kinh. Bắc Kinh của Lão Xá như một bức tranh tết được dán trước cửa mỗi nhà vào dịp Tết Nguyên đán: trong sáng, vui tươi, mà cũng không thiếu tính bao dung; tinh xảo, tỉ mỉ, truyền đạt cái không khí văn hóa đặc trưng của Bắc Kinh.

Bằng ngòi bút của mình, con tim của mình, bằng sự yêu quí vô vàn đối với Bắc Kinh, Lão Xá đã miêu tả một thành phố Bắc Kinh vừa chân thật vừa lý tưởng. Những dòng văn cũng như tên tuổi của Lão Xá cũng trở thành vật biểu trưng của Bắc Kinh.

Lão Xá từng đi nước ngoài, từng du học, dĩ nhiên ông hiểu biết là thời gian sẽ thúc đẩy “Bắc Kinh xưa” thành “Bắc Kinh mới”. Đó là một cảm xúc phức tạp, thể hiện niềm vui xen lẫn nỗi ưu tư. Cảm xúc đó cũng thường hiện ra trong những tác phẩm của ông.

Thụy Tuyên là nhân vật chính trong truyện dài Tứ thế đồng đường thích đi dạo Bát Diện Tào, Đại San Lan, Lưu Ly Xưởng (3), nhưng anh cũng than tiếc rằng “Trong tương lai không xa, những cửa hàng đều sẽ mất tích”. Chính vì lẽ đó, Lão Xá trên sân khấu Bắc Kinh trong thời đại mới cũng cố gắng sáng tạo ngôn ngữ và vật biểu trưng của Bắc Kinh mới.

Lão Xá là người đã phát hiện, đồng thời là người yêu thích các vật biểu trưng Bắc Kinh. Bản thân ông cũng trở thành một tấm bia của lịch sử và hiện thực Bắc Kinh, trong con mắt và trong trái tim của người Bắc Kinh.

------------------

(1) Các tên in đứng là nhân vật trong các tác phẩm của Lão Xá.(2) Hồ Kinh: một loại nhạc cụ đặc trưng của Bắc Kinh.(3) Bát Diện Tào, Đại San Lan, Lưu Ly Xưởng: những nơi buôn bán sầm uất của Bắc Kinh xưa.

Dạy học là giúp học sinh thi đậu!

Theo chỗ tôi biết trong hơn một thập niên qua, Trung Quốc rất nỗ lực trong việc đổi mới nền giáo dục của họ, kể cả trung học và đại học. Một trong những dấu ấn về đổi mới đó là cách ra đề thi mà báo Tuổi Trẻ đã cung cấp hết sức kịp thời.

Những đề thi như vậy có nhiều yêu cầu đối với thí sinh, nhưng yêu cầu cao nhất là sáng tạo, là tư duy, là cảm xúc của chính mình chứ không thể chép hay luyện thi ở đâu được. Nói cách khác, kiểu ra đề như trên đặt người làm bài trước tình huống: bài viết của mình phải là một tổng hợp kiến thức trong quá trình học tập và sống.

Nói cụ thể hơn, bài làm là sản phẩm của thí sinh chứ không phải là một “hình thức ăn cắp”. Đấy là ý nghĩa sâu xa và cần thiết của giáo dục trong quá trình đào tạo con người - điều mà không ít chúng ta đã bỏ quên trong mấy chục năm qua để theo đuổi mục tiêu “dạy học chỉ còn là giúp học sinh thi đậu!”.

Nếu phân tích, chúng ta sẽ thấy đề thi Trung Quốc có tính chất văn nhưng nó gắn với cuộc sống, ở trong cuộc sống chứ không bị tách rời, hay cô lập hóa như một đối tượng khảo sát theo kiểu ra đề truyền thống như chúng ta.

Dĩ nhiên, một cách ra đề như “Vật biểu trưng của Bắc Kinh” thì đòi hỏi việc học văn phải có một cách khác và cách chấm thi không thể như chúng ta hiện nay. Nghĩa là nền giáo dục phổ thông của chúng ta phải đổi mới triệt để tới một mức độ nào đó thì mới có một kiểu ra đề như vậy.

Còn như hiện nay, nền giáo dục của chúng ta đang mắc kẹt trong ba nghịch lý - mà một trong ba nghịch lý đó là khoảng cách giữa sách vở, chương trình và thực tế cuộc sống. Khi nào phá vỡ được nghịch lý này, chắc chắn chúng ta phải tiến tới một kiểu ra đề thi tương ứng cho những chủ thể trong bài làm cũng chính là những chủ thể trong cuộc sống.

TRẦN PHÒ(Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia TP.HCM)

Người dịch: CHÚC XIN (cộng tác viên của Tuổi Trẻ tại Bắc Kinh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên