Phóng to |
Ảnh minh họa của trang thiệp điện tửTTO |
Buổi học hôm ấy, cô bước vào lớp với tư cách là giảng viên chính của môn cơ sở văn hóa Việt Nam - một trong những môn đại cương cơ bản của chuyên ngành báo chí.
Dù biết cũng là môn 3K song chúng tôi vẫn rất hào hứng và hi vọng chờ đợi sẽ có một “cuộc cách mạng” bởi đã được các bậc đàn anh khoá trên “rỉ tai” chỉ bảo: cứ yên tâm, môn này nghe giảng sẽ “sướng… quên ngủ”, cô là một người nổi tiếng mà “thương hiệu” đã găm sâu trong lòng của không ít cựu sinh viên đang “nổi đình nổi đám” như Bùi Thu Thủy, Bạch Dương, Tạ Bích Loan...
Bài học của cô bắt đầu bằng một câu hỏi “sặc mùi triết học”, nghe qua chẳng ăn nhập gì với môn cơ sở văn hóa Việt Nam: “Ai biết, câu hỏi triết học của nghề báo là gì?”.
Cả 82 sinh viên có mặt ở giảng đường lúc ấy tròn mắt rồi cụp mắt, thế là mọi sự khấp khởi, hi vọng tiêu tan vì chúng tôi buộc phải hiểu rằng môtip muôn thuở của những môn đại cương khó lòng mà khác được. Có sinh viên còn ngậm ngùi rên xiết “lại một cây đại thụ sừng sững như thế thì tầm sinh viên năm 1 chúng em chỉ là những cái mầm mới nhú khỏi mặt đất làm sao đủ sức lĩnh hội những kiến thức cao siêu ấy”. Giảng đường lặng ngắt, tràn trề thất vọng…
Quá thừa kinh nghiệm để đọc được suy nghĩ của sinh viên và chỉ bằng một thoáng đưa mắt, cô đã hiểu hết sự tình nhưng cô vẫn tiếp tục đặt câu hỏi: “Vậy ai có thể nói ngày hôm nay có gì mới?”. Câu hỏi này khiến cả giảng đường bừng tỉnh giống như cây khô gặp nước, sinh viên xôn xao thi nhau nghĩ ngợi, hỏi han, bàn luận xem cái mới của ngày hôm nay là gì?
Tất nhiên câu trả lời không phải là duy nhất, mỗi người đưa ra một cái mới theo cách quan sát, cảm nhận bằng “con mắt xanh” của riêng mình. Và “cái mới” chính là câu hỏi triết học của nghề báo mà cô là người thầy đầu tiên chỉ cho chúng tôi biết. Tôi còn nhớ rất rõ lời cô nói: "Nếu không biết triết lý nghề nghiệp của mình, không giải thích được nghề nghiệp và cuộc đời thì khó mà làm nghề được…”.
Cứ thế, mỗi bài giảng của cô không phải là kiến thức cố định, bất biến có trong một cuốn sách giáo trình mà là những vấn đề thời sự nóng hổi đang diễn ra từng ngày, từng giờ; là vô số câu chuyện nghề nghiệp xương máu của những nhà báo đi trước và là chuỗi kiến thức được tập hợp, chắt lọc từ rất nhiều nguồn sách vở, tư liệu khác nhau.
Chúng tôi hạnh phúc vì đã được cô truyền cho cách vận dụng lý thuyết vào thực tế, truyền phương pháp học tập hiệu quả và quan trọng là truyền cách đọc sách có văn hóa đọc.
Từ đó, chúng tôi bắt đầu nhận chân được khái niệm “học đại học là tự học”. Nhưng đặc biệt nhất, cô là người đầu tiên phác thảo cho chúng tôi một hình dung rõ ràng và đầy đủ về nghề báo - nghề viết bằng việc thường xuyên nhắc đi nhắc lại với tất cả sinh viên của mình rằng: “Nghề báo là một nghề không thể dạy. Tôi đứng trên bục giảng không hi vọng dạy cho tất cả sinh viên khoa báo chí trở thành nhà báo mà chỉ có thể truyền nghề cho các bạn.
Với tôi, trường báo chí có một khả năng duy nhất là dạy sinh viên biết rằng họ chỉ có thể trở thành nhà báo khi họ thật sự muốn trở thành. Vì vậy, với những người muốn trở thành nhà báo, đại học lớn nhất là những tờ báo hay và những nhà báo giỏi. Đại học thứ hai là đời sống, nó dạy mình cách tìm hiểu, cách thông tin và cách viết về nó”.
Cô luôn chủ trương tâm huyết với việc truyền nghề chứ không phải dạy nghề. Đó là người thầy đầu tiên giúp chúng tôi hiểu sâu sắc, khoa học về nghề báo, cô là PGS.TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái, giảng viên khoa báo chí Trường ĐH KHXH&NV Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tên cô sẽ mãi mãi là một “thương hiệu” ghi dấu đặc biệt trong lòng của lớp lớp thế hệ sinh viên báo chí Trường KHXH&NV. Những người thầy như cô cùng rất nhiều nhà giáo khiến ngày 20-11 hằng năm không còn là một biểu trưng trừu tượng, nó thật sự khắc ghi ân tình thầy trò cho biết bao thế hệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận