Phóng to |
Bà Nguyễn Thị Oanh |
Tuổi Trẻ trao đổi với bà Nguyễn Thị Oanh - cử nhân xã hội học, thạc sĩ phát triển cộng đồng - chung quanh vấn đề nhức nhối của xã hội, thuộc phạm trù lối sống, nhân cách và đạo đức.
* Ngày nay có thể nói cánh cửa tiếp nhận các luồng văn hóa khác nhau du nhập vào nước ta gần như được mở toang, đặc biệt là Internet. Nhưng theo bà, trong bối cảnh như thế có điều gì đáng bận tâm và lo ngại, đặc biệt đối với giới trẻ?
- Bà Nguyễn Thị Oanh: Vấn đề không phải là lo hay mừng, vì đây là một thực tế tất yếu phải đến. Chỉ tiếc rằng ta không nhìn ra thế giới sớm hơn để dự báo về những hậu quả xã hội tiêu cực luôn đi kèm với tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ở các nước khoa học kỹ thuật, tiến đến đâu thì khoa học xã hội sẽ cố chạy theo kịp đến đó để “giảm sốc”. Trên hết họ luôn lo chuyện phòng ngừa bằng cách giáo dục những nhân cách vững vàng. Dĩ nhiên là chỉ có thể giảm thiểu chứ không thể tránh những vấn đề xã hội nảy sinh trong nếp sống hiện đại.
Xã hội VN đang bước vào quá trình hiện đại hóa, thanh niên VN cũng đang đi tìm mình và tìm cách tự khẳng định mình. Để làm việc này, họ không có cách nào khác là góp nhặt những mẫu hình (môđen) mà xã hội đem lại cho họ qua phim ảnh quảng cáo và gương của người lớn. Tiếc rằng phim ảnh không thật sự phản ánh đời thường ở các nước tiên tiến. Còn quảng cáo thì đang góp phần cổ vũ cho nếp sống “sành điệu”, xa hoa, những giá trị vật chất, thực dụng. Tạo “sức đề kháng” cho tuổi trẻ VN bằng cách nào? Không có cách nào khác hơn là giáo dục sự tự tin, khơi dậy sự tự hào và cung cấp cho họ những thức ăn tinh thần bổ dưỡng. Đến nay ta chưa làm được điều này, vì thật ra nó rất khó. Giáo dục gia đình còn tạo sự thụ động, phụ thuộc nơi con em thay vì giáo dục sự tự tin. Cũng vì cách giáo dục này mà đa số bạn trẻ rất thiếu tự tin và dễ bắt chước đám đông, còn một bộ phận nhỏ thì nổi loạn bằng cách sống lập dị, chạy theo những phong trào tiêu cực. Ta muốn cho đa số thanh niên ăn học đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp ổn định, thành đạt trong sự nghiệp, sống một cuộc sống có ý nghĩa để tự tin. Nhưng với tình trạng hiện nay của ngành giáo dục, e rằng đây là mục đích còn phải có thời gian mới đạt được. |
- Tuổi trẻ nào cũng muốn tự khẳng định và có cái gì thì ta tự khẳng định “bằng cái đó”! Biết làm sao khi người ta không có cái khác có giá trị hơn.
* Nhiều ý kiến cho rằng ở chừng mực nào đó có thể nói những giá trị căn bản của văn hóa và đạo đức ngày càng xuống dốc trong nhịp sống hiện đại, đặc biệt là ở một bộ phận thanh niên. Riêng bà nghĩ sao?
- Đây là một thực tế khá trầm trọng, nhưng không chỉ trong giới trẻ. Nó bắt đầu ở cấp cao hơn và ở mỗi giới có cách biểu hiện riêng. Trong người lớn là sự gian dối, chạy theo lợi ích riêng, tham nhũng, “ăn sắt thép” chẳng hạn… Chính Đảng và Nhà nước cũng báo động về sự suy đồi đạo đức trong một bộ phận cán bộ đảng viên. Làm sao tuổi trẻ tránh khỏi. Theo tôi, đây là vấn đề số một của xã hội ta và nó có thể cản trở sự đi lên của đất nước. Không thể có sự tiến bộ mà yếu tố con người không được đề cao.
* Khi một bộ phận thanh niên có lối sống không lành mạnh, buông thả... người ra thường đổ lỗi cho “cái thời mở cửa”, đổ lỗi cho các phương tiện như Internet, phim ảnh... Bà có một cách lý giải nào khác?
- Theo tôi, vấn đề đó luôn có sự tương tác giữa những yếu tố bên ngoài (phim ảnh, Internet...) và những yếu tố bên trong (nhân cách). Ví dụ, với sự hiện diện của ma túy mà người thì bị nghiện, còn người không. Trong bối cảnh hiện nay, yếu tố bên ngoài thật khó tránh. Điều cần là xây dựng những nhân cách vững vàng. Điều này dường như ở ta bị bỏ ngỏ. Hay nói cách khác, giáo dục nhân cách con người rất là hời hợt. Cha mẹ bất lực, nhà trường chú tâm dạy chữ, dạy nghề, ít dạy làm người...
* Là một nhà nghiên cứu, theo dõi rất sát các động thái phát triển của xã hội... bà nhận thấy “sức đề kháng” của giới trẻ hiện nay như thế nào trước nhiều luồng văn hóa khác nhau đang du nhập vào nước ta?
- Sức đề kháng ấy chính là những giá trị sống tích cực. Nếu ta có những đam mê tích cực (học hành, khám phá, sáng tạo, nghệ thuật, hoạt động xã hội...) thì ta ít bị lôi cuốn bởi những cái tầm thường, tiêu cực. Dĩ nhiên giáo dục giá trị sống phải dưới hình thức vui, hấp dẫn thay vì những bài lên lớp khô khan, những lời kêu gọi hồ hởi... Phải tạo cho người trẻ những suy nghĩ sâu sắc thay vì giáo dục theo phong trào. Cũng rất cần phải giáo dục kỹ năng sống để họ có thể nói không với cái xấu, để từ trong nhận thức họ có thể đi tới hành động đúng đắn.
* Nếu có một lời khen dành cho giới trẻ, bà sẽ nói gì? Và một lời chê trách nữa...
- Gần đây, qua báo chí ta thấy có những người trẻ thật lỗi lạc trong các doanh nghiệp, trong lĩnh vực khoa học... Tiếc rằng không thấy nhiều người trẻ bứt phá như vậy trong lĩnh vực xã hội. Bởi lẽ những năm qua, ta chỉ chạy theo khoa học kỹ thuật mà không có khoa học xã hội hiện đại thì ta sẽ chậm bước dài dài. Các khoa học xã hội cổ điển lý giải được nhiều việc nhưng với nó ta chỉ thuyết giảng suông. Với khoa học xã hội hiện đại ta hành động và giúp con người thay đổi. Không ít bạn trẻ có hoài bão nhưng họ cần được trang bị tốt hơn để vận động liên kết quần chúng tích cực.
Tôi hi vọng sắp tới nhiều bạn trẻ đi du học về nhiều ngành tâm lý học ứng dụng, xã hội học, truyền thông học, công tác xã hội, giáo dục học, tổ chức học... Tôi luôn tin tưởng ở những người trẻ tích cực này.Còn chê ai? Người làm giáo dục không biết chê, chỉ cố gắng tìm hiểu hành vi con người và tìm cách giúp họ thay đổi nếu cần.
* Đã nhiều năm rồi bà là một người tận tâm giáo dục giới trẻ có lối sống tốt, có ích… Nhưng trong xã hội ngày nay, bà có điều gì thật sự băn khoăn đối với việc giáo dục nhân cách, lối sống... cho giới trẻ?
- Tôi nghĩ đây là vấn đề số một của chúng ta hiện nay. Lĩnh vực khoa học kỹ thuật, kinh tế đang phát triển rất nhanh nhưng tôi khẳng định đất nước sẽ khó đi lên và không thể phát triển bền vững nếu lớp trẻ chỉ học về kinh tế, khoa học kỹ thuật mà không coi trọng học và rèn luyện đạo đức làm người. Dường như có quan điểm cho rằng giáo dục chính trị, luật pháp có thể thay thế giáo dục đạo đức. Cái đạo đức con người đơn giản mà hết sức cơ bản: chớ giết người, chớ ăn cắp của người, chớ nói dối, tà dâm...
Trong xã hội ta người ta nói dối, ăn cắp một cách thản nhiên. Tôi đã suy nghĩ khá nhiều về vấn đề này và dường như khi bài trừ tư tưởng phong kiến thì những giá trị nhân bản, những bài học làm người bị bỏ quên luôn. Không thể có chính trị tốt mà không có đạo đức tốt. Công việc đang chờ ta không phải là nhỏ!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận