27/04/2005 04:12 GMT+7

Bài ca thành phố tuổi thanh xuân

TỐ OANH - THI NGÔN - ĐẶNG TƯƠI thực hiện
TỐ OANH - THI NGÔN - ĐẶNG TƯƠI thực hiện

TT - Hơn 200.000 bạn trẻ, đoàn viên thanh niên TP.HCM vừa tham gia một cuộc bình chọn khá “đặc biệt”: Gương mặt trẻ tiêu biểu TP 30 năm!

OTEUhF2r.jpgPhóng to
NSƯT Thành Lộc trong vở Đại tốt

Đây là cuộcbình chọn do Thành đoàn TP.HCM tổ chức để tìm ra những gương mặt mà cả thời tuổi trẻ, cho đến tận hôm nay gắn liền với một thành phố náo nức vượt lên gian khó để trưởng thành.

30 gương mặt được chọn, từ chị công nhân, người giáo viên đến tài năng trẻ, văn nghệ sĩ... chưa hẳn đã là xuất sắc nhất giữa một thành phố hừng hực sức trẻ nhưng có lẽ sẽ là chọn lựa trong “hành trình đi tìm cái đẹp” của nhiều người trẻ thành phố hôm nay, ngày mai...

Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc: Không muốn làm diễn viên nhỏ

* Công chúng đánh giá anh là một trong số diễn viên “xuất thần” ở nhiều vai nam phụ lão ấu. Tuổi hơn 40 vẫn nhập tốt vai thanh niên đôi mươi, anh có bí quyết gì không?

- Bí quyết - tôi không có bí quyết nào. Tôi chỉ thấy may mắn khi có khả năng làm được nhiều trò như vậy, có người nói là thiên khiếu, nhưng làm thế nào để sử dụng thiên khiếu đó hiệu quả thì thuộc về sự rèn luyện.

Con người ai cũng có một chất ngọc - nhất là nghề diễn viên, hơn thua ở chỗ mình mài giũa thế nào cho lóng lánh hơn. Có bạn hỏi vì sao tôi cứ làm hoài không thấy mệt. Mệt chứ, nhưng khi lên sân khấu là quên hết.

Các vai diễn của Thành Lộc buộc anh phải nói rất nhiều và diễn cũng lắm. Chẳng phải là quá khi một ai đó cho rằng Thành Lộc luôn có trách nhiệm và tư duy cao cho mỗi vai diễn của mình.

Phạm Thị Tố Trinh(246/152 Hòa Hưng, P.13, Q.10)

* Được biết, anh từng là thành viên chi đội viên đầu tiên của TP năm 1975, là thiếu nhi tham dự “khai trương” đoàn tàu Thống Nhất, bí thư chi đoàn tiên tiến ba năm liền… Hoạt động Đội, Đoàn lúc trẻ đã ảnh hưởng gì đến tài năng của anh?

- Từ những đội văn nghệ thiếu nhi tôi đã học được tính độc lập, tinh thần kỷ luật, dám phát biểu trước đám đông và biết quan tâm người khác... Tôi nhớ thầy Thái Ly có dạy: “Không có nhân vật nào nhỏ, chỉ có diễn viên nhỏ bé mà thôi”. Người nghệ sĩ giỏi thì dù đóng vai phụ cũng phải xuất sắc. Còn khi đóng chung với bạn diễn trẻ, tôi học từ họ sự nhiệt tình và truyền lại cho họ kinh nghiệm, không giấu điều gì.

Nguyễn Hướng Dương (Thư viện sách nói dành cho người mù TP.HCM): Chắp cánh cho bạn trẻ khuyết tật

IC4UWtxR.jpgPhóng to
Nguyễn Hướng Dương tại phòng thu sách nói

“Khi tự đứng lên được trên đôi chân giả (năm 26 tuổi), tôi đắn đo ghê lắm: đi làm để kiếm một tháng vài triệu đồng nuôi bản thân hay làm sách nói từ thiện cho người mù? Tôi đã chọn và không hối tiếc”.

Từ cô gái có đôi chân không lành lặn Nguyễn Hướng Dương ấy, Thư viện sách nói dành cho người mù trực thuộc Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM hôm nay không chỉ phục vụ người mù ở TP.HCM mà đã trải rộng cả nước với hơn 70.000 băng sách nói đủ thể loại.

Từ “xưởng” sản xuất sách nói thủ công ẩm thấp, duy nhất một giọng đọc của Hướng Dương, năm 2003 đã biến thành một phòng thu hiện đại cho ra sản phẩm CD sách nói chất lượng, âm thanh tuyệt hảo (do Lãnh sự quán Nhật Bản tài trợ) và một lực lượng đọc sách tình nguyện rất “chiến”. Cô gái ấy đã đứng vững và không hề đơn độc!

Nếu như các doanh nhân được xã hội tôn vinh vì góp phần làm nền kinh tế quốc dân phát triển thì công việc âm thầm gieo các giá trị sống tích cực đến mỗi con người của chị đã và sẽ giúp sự phát triển này bền vững hơn.

Trần Ngọc Đạt (43/6 Hoàng Diệu, Q.4)

Ngày nhận chiếc huy chương “Vì hạnh phúc người mù” do Trung ương Hội Người mù VN trao tặng, Hướng Dương đã bật khóc (17-6-2004).

Một người luôn đấu tranh cho lẽ bình đẳng của người khuyết tật. Năm 2002, tham dự cuộc hội thảo về qui chuẩn xây dựng tiếp cận cho người tàn tật do Bộ Xây dựng tổ chức, Dương đã mạnh dạn đề nghị các chủ đầu tư khi xây dựng công trình nên lưu ý đến người khuyết tật.

Cuối năm đó, trong Luật xây dựng có thêm một điều khoản: tất cả công trình công cộng xây dựng sau năm 2002 đều phải tuân thủ theo qui chuẩn xây dựng tiếp cận cho người khuyết tật. Dương bức xúc: “Tôi mong mỏi chúng ta thay đổi suy nghĩ để đón nhận, hợp tác với người khuyết tật chứ không phải sự thương hại, ban ơn”.

Trần Minh Triết - giảng viên trẻ khoa CNTT ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM): “Mã hóa” đỉnh cao

Jnkhp9Ox.jpgPhóng to
Đảng viên trẻ Trần Minh Triết
Trần Minh Triết, người giảng viên trẻ của khoa Công nghệ thông tin, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), vừa ghi một “kỷ lục” mới tại trường ĐH: bảo vệ thành công luận án thạc sĩ tin học với kết quả xuất sắc: 10 điểm - điểm 10 đầu tiên sau 12 khóa đào tạo của trường.

Ở Trần Minh Triết, người ta đều nhận ra rất rõ một niềm đam mê nghiên cứu, học hỏi; theo đuổi điều gì thì sẽ làm đến cùng. Khi được tuyển thẳng vào ĐH, Triết đã chọn cách học “nghiên cứu để miễn thi” - một cách khuyến khích SV nghiên cứu do nhà trường đưa ra - mà thường thì SV sẽ nhận ra ngay sau khi nhận một đề tài: cực gấp mấy lần đi thi.

Vượt lên tất cả để đến đích mà bao nhiêu sinh viên mơ ước. Với những gì Trần Minh Triết đã đạt được sẽ góp phần đưa đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Ng.Chí Cường(SV)

Nhưng đã có lúc Triết chọn một lúc sáu cái cực như vậy và đều đạt... 10 điểm! Khi là SV năm cuối, Triết tham dự hội nghị khoa học quốc tế (ở ĐH Quốc gia Singapore, tháng 12-2001) quy tụ nhiều chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu thế giới.

Niềm đam mê ấy không đi theo thời thượng mà hướng đến lợi ích của cộng đồng trong tương lai: công nghệ bảo mật thông tin về thương mại điện tử tại VN. Vì lẽ thương mại điện tử thậm chí cho đến nay vẫn chưa hình thành tại nước ta.

Nguyễn Thị Bích Thủy (Xí nghiệp cao su Hóc Môn): Nữ anh hùng tuổi 25

4eajgNln.jpgPhóng to
AHLĐ Nguyễn Thị Bích Thủy

Ngày ấy, khi văn hóa chỉ mới lớp 5, Thủy đã vui “bể làng” khi được nhận vào làm công nhân phân xưởng lốp 1 Xí nghiệp cao su Hóc Môn. “Không sợ cực vì thích hơn đi mót lúa” - Thủy tâm sự như thế nhưng cũng thú thật: chỉ ngán đối đầu với kỹ thuật.

“Chẳng lẽ máy hư là bó tay ngồi nhìn... năng suất tuột dốc?” (tháng đầu, Thủy chỉ đạt 400/600 lốp một ca). Ngày nghỉ, giờ nghỉ hay khi xí nghiệp bị cúp điện là Thủy xuống xưởng cơ khí học... sửa máy. Sau đó cô sửa máy cho cả phân xưởng.

Năm 1978 Thủy tròn 18 tuổi, cái tuổi làm không biết mệt nhưng năng suất cũng chỉ cao hơn chút đỉnh, tỉ lệ phế phẩm lại quá cao. Thủy tự đặt ra những câu hỏi ngược: do đâu năng suất không cao, vì sao tanh hay gãy, tại sao tanh lại dính chặt vào thân lốp?...

Người “anh hùng” nhỏ tuổi nhất lúc đó từng tự hỏi mình: “Anh hùng lao động mà văn hóa lớp 5?” và ôm tập đến lớp bổ túc. Hết lớp 9, lên tiếp tới 12, tiếp luôn lên đại học. Năm 1992, chị tốt nghiệp loại khá khoa công nghiệp ĐH Kinh tế.

Đôi mắt tuổi 18 mở to trước các khâu sản xuất, thao tác của từng bạn bè trên máy. Thì ra “lốp đứt, không đều là do bố bị ướt, chỉ cần sơn keo một bên”, “dùng cọ quét keo lúc sản xuất thì tanh sẽ không dính thân lốp ngay”...

Cứ như vậy, năng suất tăng vù vù mà phế phẩm toàn phân xưởng hạ đáng kể. Anh em trong chi đoàn tính vui: “Sản lượng làm thêm giờ trong sáu năm của Thủy bằng công nhân làm một năm”.

TỐ OANH - THI NGÔN - ĐẶNG TƯƠI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên