24/06/2005 05:02 GMT+7

Bài 2: Đầu tư hàng triệu USD, chỉ hoạt động 10-15% công suất

N.V.HẢI
N.V.HẢI

TT - Khởi công năm 1995, dự kiến hoàn thành trong bốn năm, nhưng mãi đầu năm 2005 nhà máy chế biến gạo sau thu hoạch tại Đông Hưng mới đi vào hoạt động với khoảng... 10-15% công suất!

77RgC8Ck.jpgPhóng to
Những dàn máy xay xát, đánh bóng hiệu Schule của Đức trị giá cả tỉ đồng xếp trong kho của nhà máy

Nhà máy được xây dựng khang trang với tổng vốn đầu tư gần 6 triệu USD từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Đan Mạch. Trắc trở nối tiếp trắc trở

Với công suất thiết kế chế biến 27.000 tấn gạo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu/năm, nhà máy là một hệ thống liên hoàn, hoạt động hầu như tự động với các thiết bị xử lý đắt tiền nhập từ Đan Mạch (hệ thống máy sấy, băng tải), Pháp (nồi hơi), Đức (máy xay xát, sàng, đánh bóng), Nhật Bản (tách màu)...

Dự kiến xây dựng trong ba năm, nhưng tới năm 2000 nhà máy mới được đưa vào vận hành thử lần đầu. Ngay trong lần chạy thử, các chuyên gia đã phát hiện sự khập khiễng của các thiết bị. Sản phẩm gạo chạy thử không đạt các tiêu chuẩn tối thiểu để xuất khẩu.

Qua dò tìm, người ta đã phát hiện nguyên nhân: hệ thống máy xay xát, đánh bóng mang hiệu Schule của Đức dù rất hiện đại và đắt tiền nhưng không phù hợp để chế biến hạt gạo Thái Bình. Dòng máy Schule trên (gồm bốn máy xay xát và bốn máy đánh bóng) có cấu tạo buồng xát ngắn (bằng một nửa buồng xát của máy hiệu Sinco VN), trục xát bằng gang (thay vì bằng đá) dẫn tới khi vận hành làm gãy hạt gạo, đồng thời không đảm bảo độ trắng của gạo theo yêu cầu xuất khẩu.

nMT9tJcR.jpgPhóng to
Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu của nhà máy giờ đây hoạt động cầm chừng và không thể chạy tự động vì thiếu nguyên liệu
Để giải quyết trắc trở, toàn bộ số máy xay xát, đánh bóng của Đức tại nhà máy ở Thái Bình được tháo dỡ xếp vào... kho, sau đó thay thế bằng hệ thống gồm sáu máy xát và bốn máy đánh bóng hiệu Sinco do VN sản xuất (trong đó có bốn máy đưa từ Cần Thơ và hai máy Sinco kiểu Mexico). Tháng 10-2002, nhà máy được vận hành thử lần hai. Thiết bị máy móc hoạt động tốt, nhưng lại nảy sinh những khó khăn khác: nguyên liệu đầu vào và đặc biệt là việc ai sẽ quản lý nhà máy - một giá trị tài sản rất lớn so với mặt bằng chung của tỉnh Thái Bình?

Bán hay cho thuê nhà máy?

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Hoàng Đình Thạch xác nhận với Tuổi Trẻ là nhà máy chế biến gạo sau thu hoạch ở Đông Hưng hiện trong tình trạng không đủ nguyên liệu là sản phẩm có được từ giống lúa cùng chủng loại theo tiêu chuẩn xuất khẩu như đơn đặt hàng, cho dù sản lượng của Thái Bình một năm đạt 1 triệu tấn lúa các loại.

Sau khi được giao Nhà máy chế biến gạo sau thu hoạch (tháng 1-2005), xét thấy giá trị tài sản quá lớn, tỉ lệ khấu hao cao (mỗi năm khoảng 2 tỉ đồng), nếu tiếp nhận và vận hành khả năng sẽ lỗ nên bản thân tỉnh

Thái Bình cũng... không muốn nhận. Nhà máy tiếp tục “bị” tạm giao cho Công ty Chế biến và kinh doanh lương thực Thái Bình (nay là Công ty Lương thực Thái Đan) quản lý, chờ UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài chính định giá lại!

Theo ông Vũ Hồng Hải - giám đốc Công ty Lương thực Thái Đan (nơi đang tạm quản lý nhà máy), năm 2000 tỉnh Thái Bình đã bỏ tiền ra ký hợp đồng với một số hợp tác xã cấy giống Xi23, nhưng khi triển khai nông dân không làm, đến mùa thu hoạch giá đẩy lên thêm gần 200 đồng/kg thóc. Nhà máy hồi đó chạy thử 1.000 tấn, tính tổng chi phí nhà máy bị lỗ tới 200 triệu đồng. “Khi lập dự án, đúng là có những cái chưa tính toán hết, nên khi đưa ra không đáp ứng được” - ông Thạch thừa nhận.

Ông Thạch cho hay có hai phương án đang được tỉnh và các cơ quan hữu quan xem xét. Một là bán nhà máy cho tư nhân. Phương án này xem ra khó thực hiện vì tư nhân chỉ trả giá tối đa 1 triệu USD (cho một nhà máy mà giá trị đầu tư lên tới gần 6 triệu USD). Hai là cho một số doanh nghiệp, tư nhân thuê để sản xuất. Hiện tại ông Vũ Hồng Hải cho hay nhà máy dù rất hiện đại nhưng chỉ hoạt động cầm chừng 10-15% công suất, chủ yếu làm gia công cho một công ty ở Hải Dương để xuất gạo nếp đi Đài Loan.

Nhiều dây chuyền, thiết bị như bộ tách màu, bộ chia tấm... rất đắt, hoạt động tự động nay phải chuyển sang chế độ điều khiển bằng tay vì không đủ nguyên liệu.

_________________

Bài 1: 2 công trình lãng phí ở Thái Bình

N.V.HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên