![]() |
Thi tuyển dụng giảng viên tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng |
Cuộc tìm kiếm giảng viên bắt đầu gay gắt...
Tuyển cả người mới tốt nghiệp ĐH
Năm 2006 là năm các trường ra thông báo tuyển giảng viên sôi nổi nhất. Chính việc khan hiếm nguồn giảng viên trình độ cao nên việc rao tuyển lúc nào cũng luôn ưu tiên cho “có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ”, và tiếp sau đó mới là “tốt nghiệp ĐH”. Thậm chí nếu tốt nghiệp ĐH loại khá cũng được các trường xem xét tuyển dụng.
Chẳng hạn, tại Trường ĐH Mở TP.HCM cần tuyển 94 cán bộ, giảng viên thì cần đến 84 giảng viên tuyển cho 30 ngành, chuyên ngành. Đối tượng tuyển ngoài thạc sĩ hoặc tiến sĩ liên quan đến chuyên ngành cần tuyển, cũng tuyển cả cử nhân, kỹ sư và yêu cầu phải là hệ chính qui tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc. Còn Trường ĐH Ngoại thương khi tuyển 55 giảng viên cho 22 ngành cũng yêu cầu tốt nghiệp ĐH đúng chuyên ngành và dĩ nhiên “ưu tiên những người đã có bằng thạc sĩ trở lên”.
Tương tự, các trường ĐH vùng cũng không là ngoại lệ khi bắt buộc tuyển dụng chủ yếu dựa vào nguồn “tốt nghiệp ĐH loại khá trở lên”. Trong thông báo gần đây nhất giữa tháng 12-2006, khi tuyển dụng giảng viên giảng dạy tám chuyên ngành, Trường ĐH Tiền Giang cũng chỉ yêu cầu trình độ tốt nghiệp ĐH loại khá! Hay như Trường ĐH Cần Thơ trong thông báo tuyển dụng gần đây nhất tuyển cho khoa khoa học cũng chỉ yêu cầu tốt nghiệp ĐH loại khá.
Tiến sĩ về hưu... cũng tuyển
Khi được hỏi hiện nay Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM về cơ bản đã đạt chuẩn trưởng khoa là tiến sĩ hay chưa, hiệu trưởng Dương Ái Phương cho biết vẫn còn một khoa chưa đạt, nhưng hiện nay vị này đang làm nghiên cứu sinh nên thời gian đạt chuẩn sẽ nhanh. Nguyên nhân, theo ông Dương Ái Phương, do phần lớn những người đạt chuẩn đã lớn tuổi, không thể tiếp tục công việc nên dẫn đến việc thiếu hụt này.
Thậm chí như tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM vẫn có trưởng khoa chưa tốt nghiệp sau ĐH. Và cũng không phải là vô lý khi trong mức phấn đấu đến năm 2010 mà ĐHQG TP.HCM đưa ra về cơ cấu trình độ của đội ngũ cán bộ giảng dạy, cũng chỉ dám đưa ra 100% giảng viên lên lớp (kể cả giảng viên thỉnh giảng) có trình độ sau ĐH. Trong đó có không dưới 50% là tiến sĩ. Nghĩa là cho đến năm 2010 vẫn còn thiếu giảng viên có trình độ tiến sĩ.
Thậm chí tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, trong đợt tuyển cán bộ giảng dạy cuối năm 2006 cho cơ sở chính và các cơ sở trực thuộc tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, đối với trình độ tiến sĩ, trường này rao tuyển cả người đã... nghỉ hưu, tuổi dưới 65! “Ưu tiên” hơn là Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ứng cử viên là tiến sĩ sẽ không cần qua vòng thi tuyển như những ứng viên có trình độ thấp hơn, mà chỉ cần qua vòng phỏng vấn trực tiếp của hiệu trưởng. Thậm chí nếu các ứng viên này có nhu cầu thì nhà trường sẽ xem xét bố trí việc làm cho vợ hoặc chồng khi tiếp nhận về trường.
Nhận định về việc “đua” để tuyển dụng tiến sĩ nhằm đáp ứng tiêu chí mà Bộ GD-ĐT đã khẳng định “tiến sĩ mới được đứng trên bục giảng”, một cán bộ của trường ĐH tại TP.HCM cho biết trong thời gian trước mắt, các trường chủ yếu tuyển tiến sĩ cho đủ qui định “giảng viên cơ hữu” có trình độ tiến sĩ, các môn còn thiếu có thể trông chờ vào nguồn “tiến sĩ thỉnh giảng”. Thậm chí Trường ĐH Mở TP.HCM trong “cái khó đã ló cái khôn” khi lượng giảng viên cơ hữu của trường chưa tuyển đủ, đã áp dụng chính sách “bán cơ hữu”, là tận dụng nguồn lực có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nhưng chưa tham gia giảng dạy ở trường nào về dạy ở trường mình để giảm bớt áp lực và coi đó là một trong những lực lượng giảng dạy chính của trường.
Kỳ tới: “Dạy và học ở khoa toán - tin”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận