14/06/2009 05:26 GMT+7

Bác sĩ Tadashi Hattori: Nặng nợ với Việt Nam

Theo ANH KHANGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo ANH KHANGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Đối với nhiều bệnh nhân nghèo phải sống trong bóng tối do bị vẩn đục thủy tinh thể hay dịch kính võng mạc thì vị bác sĩ đến từ xứ sở Mặt trời chính là vầng thái dương đã mang đến ánh sáng, giúp họ nhìn thấy lại cuộc đời và những người thân yêu sau bao năm bị bóng tối bao phủ.

Nặng nợ với Việt Nam

Nhớ lại lần đầu tiên sang Việt Nam vào năm 2002, bác sĩ Hattori vẫn còn nguyên cảm giác bỡ ngỡ bởi vì ông chưa từng nghĩ sẽ có ngày duyên số đưa mình đến đây. Lần đó, ông tình cờ gặp một bác sĩ của Bệnh viện Mắt Trung ương trong một hội thảo quốc tế về nhãn khoa được tổ chức tại Nhật. Cảm phục tài năng của Hattori, vị bác sĩ này mời ông sang Việt Nam để giảng dạy cho các bác sĩ nước ta về kỹ thuật mổ dịch kính võng mạc.

7poSGay7.jpgPhóng to
Bác sĩ Hattori trong một bữa tiệc gây quỹ cho các bệnh nhân nghèo

Không những chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp tại Việt Nam, bác sĩ Hattori còn tình nguyện phẫu thuật miễn phí giúp đỡ các bệnh nhân nghèo mắc các bệnh về mắt. Cứ tưởng chỉ là một chuyến đi ngắn để chuyển giao kỹ thuật cho các y, bác sĩ trẻ, ai ngờ những lần mổ mắt từ thiện giúp đỡ người nghèo đã giữ chân bác sĩ Hattori ở lại mảnh đất này.

Tổ chức APBA (Asia - Pacific Prevention of Blindness Association - Hiệp hội Phòng chống mù lòa châu Á - Thái Bình Dương) đã ra đời tại Việt Nam, do chính ông làm giám đốc điều hành nhằm giúp đỡ các bệnh nhân đục thủy tinh thể có nguy cơ bị mù lòa. Tất cả số tiền khám, chữa bệnh cũng như mua thủy tinh thể, dụng cụ phẫu thuật… đều do bác sĩ Hattori và tổ chức của mình dành dụm chứ không dùng đến bất kỳ chi phí nào của bệnh viện địa phương hay bệnh nhân.

Đã có hơn 7.000 bệnh nhân nghèo được ông mang lại ánh sáng và chính niềm vui của những người thân được nhìn thấy mặt nhau đã động viên ông cố gắng không ngừng. Tâm nguyện của bác sĩ Hattori là đào tạo được thêm nhiều bác sĩ trẻ Việt Nam về kỹ thuật mổ dịch kính võng mạc để mang đến nhiều cơ hội sáng mắt cho bệnh nhân khiếm thị. Ông nói: “Việt Nam cũng như những nước châu Á khác sống chủ yếu nhờ vào nông nghiệp nên người dân phải thường xuyên tiếp xúc với môi trường, không khí, nước bị ô nhiễm, vì thế dễ mắc bệnh đục thủy tinh thể và nếu không can thiệp sớm, rất dễ dẫn đến mù lòa”.

Bác sĩ Hattori rất tin vào triết lý của đạo Phật vì với ông, mang hạnh phúc chia sẻ cho mọi người chính là con đường dẫn bản thân đến với hạnh phúc thật sự. Mang niềm tin ấy, vị bác sĩ ngoài 40 tuổi này cứ đi đi về về giữa hai nước Nhật Bản - Việt Nam để phẫu thuật, giúp đỡ cho những người nghèo đang rất cần ánh sáng, và cần một tấm lòng.

Ông bỏ hẳn công việc ở quê nhà để rong ruổi từ Nam chí Bắc ở đất nước hình chữ S, thỉnh thoảng mới quay về Nhật để thăm gia đình cũng như kiếm thêm thu nhập nhằm mua tặng thủy tinh thể cùng các vật tư trị liệu cho bệnh nhân nghèo Việt Nam. Chi phí cho những ca mổ từ thiện suốt bảy năm qua lên đến hơn 500 ngàn USD đều do vị bác sĩ tốt bụng này dành dụm, phần khác là nhờ ở các tấm lòng hảo tâm đóng góp.

Nhìn lại thành quả đó, khó ai biết được bác sĩ Hattori phải vượt qua những khó khăn buổi đầu vì không biết rành tiếng Việt, lại gặp sự phản đối của gia đình vì công việc nay đây mai đó. Nhưng rồi chính niềm vui của những người bệnh tìm lại được ánh sáng đã giúp ông cùng các cộng sự vượt qua mọi thử thách. Sau ngần ấy thời gian sống ở Việt Nam, ông nhận ra rằng rào cản ngôn ngữ không thể ngăn cách ông đến với các bệnh nhân, bởi chỉ cần có tấm lòng thì các tâm hồn tự khắc sẽ thông cảm và thấu hiểu lẫn nhau.

Trái tim nhân hậu

Là con trai duy nhất trong gia đình, ngay từ nhỏ Tadashi Hattori đã gánh vác việc nhà giúp mẹ sau khi chứng kiến cha mình qua đời trong đau đớn vì căn bệnh ung thư. Từ đó, ông tự nhủ sẽ cố học thành tài để trở thành một bác sĩ tài giỏi và có y đức. Ông luôn tâm niệm phải coi bệnh nhân như người thân để tận lực, tận tâm cứu chữa, để không làm điều gì sai sót, lơ là dẫn đến hối tiếc về sau.

Suốt bốn năm liền bền bỉ và không nản chí thi vào Trường đại học Y khoa Kyoto danh tiếng, cuối cùng Hattori cũng trở thành sinh viên nơi đây. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc tại Bệnh viện Kaiya ngay tại quê hương Osaka cho đến ngày duyên số xui khiến ông gặp vị bác sĩ người Việt rồi cùng người đồng nghiệp sang Việt Nam để bắt đầu cuộc hành trình của tấm lòng và cơ duyên. Dự định ở lại ba tháng kéo dài thành sáu tháng, rồi một năm, để đến bây giờ, ông đã không thể rời xa đất nước này vì xung quanh còn quá nhiều người đang cần được giúp đỡ.

Ông vẫn nhớ như in những khuôn mặt bệnh nhân từng được ông tìm lại ánh sáng, từ cậu bé sáu tuổi bị bệnh viện từ chối do chi phí phẫu thuật mắt quá cao mà gia đình không thể kham nổi, đến bà cụ 70 tuổi sống trong bóng tối nhiều năm vì di chứng của căn bệnh đục thủy tinh thể. Niềm vui luôn đến với ông mỗi khi được chứng kiến những giây phút tràn đầy hạnh phúc của bệnh nhân khi được nhìn thấy nhau sau bao năm dài sống trong bóng tối.

Cụ bà 70 tuổi kể trên, giờ đang sống ở Huế cùng con cháu, kể lại: “Giờ tôi mới được nhìn thấy rõ mặt mũi những đứa cháu của mình và có thể dẫn chúng đi học mỗi ngày. Niềm an ủi tuổi già ấy là do bác sĩ Hattori mang lại. Biết cảm ơn ông bao nhiêu cho đủ”. Tấm lòng của vị bác sĩ người Nhật ấy thật đáng quý, chữ “tâm” là điều ông luôn tự căn dặn mình: điều quan trọng nhất của người bác sĩ không chỉ là tài năng phẫu thuật lành nghề, mà còn phải có tấm lòng và một trái tim nhân hậu, biết thấu hiểu với nỗi đau của người bệnh.

Năm 2007, Bộ Y tế Việt Nam đã trao tặng kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho bác sĩ Hattori vì những đóng góp của ông trong sự nghiệp phòng chống mù lòa tại nước ta. Kỷ niệm khó quên ấy càng làm ông thêm nặng tình, nặng nghĩa với con người và đất nước này. Sự nồng hậu của người dân và những cảnh đời khốn khó xung quanh đã trở thành một phần trong cuộc sống hiện tại, khiến ông muốn gắn bó mãi với Việt Nam. Ông cứ phải đi về giữa hai nước để dành dụm chi phí giúp đỡ bệnh nhân nghèo phẫu thuật hoặc mang từ Nhật những thiết bị y khoa cần thiết cho các bệnh viện ở vùng sâu, vùng xa.

Gần đây nhất, Tổ chức APBA của bác sĩ Hattori lên tận Thái Nguyên để khám chữa mắt cho bà con nơi này. Cũng nhờ những tấm lòng nhân hậu của ông, của các cộng sự cùng các nhà hảo tâm mà những hoạt động thiện nguyện cứ trải dài thêm trên mọi miền đất nước. Và ở đâu nghe thấy tiếng cười hóm hỉnh và ánh mắt nheo nheo ấm áp của vị bác sĩ đến từ xứ sở Mặt trời thì ở nơi đó, nhiều người bệnh nghèo lại sắp tìm lại được ánh sáng và nhìn thấy những người thân yêu.

Theo ANH KHANGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên