02/02/2010 17:50 GMT+7

Bác Hồ gọi ấy là mùa xuân đến

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TTXuân - Đêm giao thừa. Bốn bề xung quanh chìm trong màn tối bao la. Những ngọn đèn dầu hỏa được khơi rộng hơn ánh sáng trong phút thiêng liêng chuyển giao đất trời năm cũ sang năm mới. Dẫu đang là thời chiến, ở vùng hỏa tuyến Khu IV chiến tranh càng ác liệt, nhưng mấy ngày tết không khí im ắng hơn.

Khi cây kim đồng hồ để bàn nhích gần đến con số 12 giờ đêm, cha tôi cẩn trọng vặn núm chiếc đài thu thanh được một người bạn lắp tặng để lựa âm thanh cho thật to nhất có thể, trong nhất có thể.

7Ofi9xu9.jpgPhóng to
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thư chúc tết xuân năm 1968 - Ảnh tư liệu

Trước đó mấy ngày, cha tôi đã lo mua phân phối được cặp pin Con Thỏ để bảo đảm đêm giao thừa cái đài phát tiếng to nhất cho cả nhà nghe. Và thời khắc huyền bí, thiêng liêng của đất trời và con người đã đến. Trong căn nhà mái tro (cọ) vách đất, cha mẹ tôi sau khi thắp nén hương cúng ông bà tổ tiên trời đất lên bàn thờ đã quay ra cùng mấy đứa con chụm đầu vào bên chiếc đài phát thanh im lặng thành kính chờ đợi.

Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa...”. Bản quốc thiều âm vang. Và giọng nói trang nghiêm xúc động của phát thanh viên cất lên: “Trân trọng mời đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài, lắng nghe lời chúc tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Một giây lặng phắc rồi người người nghe nhịp đập tim mình rung lên khi giọng Bác phát ra từ chiếc đài nhỏ mà nghe như vang vọng cả không gian.

Xuân về xin có một bài ca,Gửi chúc đồng bào cả nước ta:Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi,Tin mừng thắng trận nở như hoa!

Tôi nhớ, đó là lần đầu tiên tôi được nghe bài thơ chúc tết của Bác Hồ. Đó là năm 1967.

Bác đã đọc xong lời chúc tết và thơ chúc tết. Đài phát chương trình ca nhạc chào xuân mới. Pháo giao thừa nổ râm ran các ngõ, các nhà. Một năm mới đã đến. Một mùa xuân mới đã về. Theo nhịp chuyển lưu tuần hoàn vũ trụ. Và theo tiếng thơ tết của Bác Hồ.

Lần đầu tiên Bác đọc thơ chúc tết qua đài phát thanh là năm 1947. Tết Đinh Hợi năm ấy là tết kháng chiến đầu tiên, Bác Hồ và trung ương vừa rút ra khỏi Hà Nội, đang trên đường lên Việt Bắc lập “thủ đô gió ngàn” để lãnh đạo toàn dân chống thực dân Pháp. Đêm giao thừa, Bác đến chùa Trầm (Hà Tây), nơi Đài Tiếng nói Việt Nam đang tạm sơ tán, đọc trên làn sóng điện lời chúc tết đồng bào và chiến sĩ cả nước. Và kết thúc lời chúc tết, Bác đọc bài thơ:

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!Thống nhất độc lập, nhất định thành công!

Từ đó, một phong tục mới đậm chất văn hóa Việt Nam và rõ nét phong cách Hồ Chí Minh đã định hình. Mỗi năm mới đến, vào đêm giao thừa, người dân ở mọi miền đất nước, chiến sĩ ngoài mặt trận hồi hộp chờ đợi phút giây Bác Hồ đọc thơ chúc tết qua đài phát thanh.

Mùa xuân đến rồi bản làng ơi,Thơ Bác gọi dậy vang non sông.Kèn tiến công vang dội khắp hai miềnBác Hồ gọi ấy là mùa xuân đến.

Ca từ này trong bài hát Cô gái Pakô của nhạc sĩ Huy Thục đã diễn tả rất đúng, rất hay sự giao cảm tinh thần của lãnh tụ và nhân dân mỗi dịp xuân về trong chiến tranh. Sau này nỗi Nhớ về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Hiệp cũng sâu đậm da diết những chiều ba mươi tết ở thủ đô “chen giữa đào hoa tươi thắm, đường phố đông vui chờ đón tân niên, là phút thiêng liêng lắng nghe thơ Người”.

Những năm tháng ấy ở miền Bắc chưa có vô tuyến truyền hình. Nghe Bác đọc thơ qua đài, người dân muốn thỏa lòng được nghe tiếng nói của người cha già kính yêu và thân thương phát đi từ thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước. Người dân lắng nghe tiếng Bác ấm áp, gần gũi, để biết Bác vẫn khỏe mạnh, thế là yên lòng, phấn khởi. Người dân lắng nghe thơ Bác đêm giao thừa ngắn gọn bốn câu, sáu câu, với những lời lẽ giản dị, dễ hiểu, để cảm biết được diễn biến tình hình cách mạng năm tới.

Sáng mồng một tết, mọi người đi chúc tết nhau trong làng ngoài xóm, chuyện trò chúc tụng đầu năm cùng nhau, luôn có lời hỏi giao thừa có nghe Bác đọc thơ không, nghe Bác đọc thơ thấy mừng lắm, yên tâm lắm. Những người già còn lưu giữ trong ký ức chút ít chữ nghĩa thánh hiền thì nhớ lại những câu chữ thơ Bác vừa nghe được qua đài và cùng nhau bình luận, phân tích, tìm ra cái ý nghĩa sâu xa của vị lãnh tụ tối cao chứa đựng trong những lời thơ mộc mạc (“mấy lời thành thật nôm na”), đọc lên ai cũng hiểu, cũng thích.

Đám trẻ thì bắt rất nhanh lấy nét nhạc phổ thơ Bác để vừa vui xuân vừa lẩm nhẩm hát cùng nhau. Nghe Bác Hồ đọc thơ tết là nhận một món quà xuân, nhận một nguồn động viên lớn, chung cho toàn dân và riêng cho mỗi người. Nói như nhà thơ Lữ Huy Nguyên: Đang cơn sốt mở đài nghe thơ Bác/ “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”, thế là lại thêm sức chiến đấu.

Lần cuối cùng Bác làm thơ chúc tết và đọc thơ chúc tết qua đài cho đồng bào và chiến sĩ cả nước là xuân Kỷ Dậu 1969. Năm ấy, khi nghe giọng Bác trên đài, không ai nghĩ rằng chỉ chín tháng sau là Bác vĩnh biệt chúng ta.

Năm qua thắng lợi vẻ vang,Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.Vì độc lập, vì tự do,Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn!

Bác đọc xong, bài thơ đã được ngâm lên, đã được phổ theo tiếng nhạc bay xa, rộn rã, mang đến cho toàn dân toàn quân đang trong hoàn cảnh khó khăn, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ một thông điệp chiến lược về cách kết thúc chiến tranh, mà mãi tới sáu năm sau ta mới hiểu được tài tiên tri viễn vọng của Người.

Chín tháng sau Bác qua đời. Trong nỗi tiếc thương Bác vô hạn, có một khoảng trống hụt hẫng là từ nay mỗi độ xuân về tết đến, toàn dân Việt Nam không còn được nghe Bác Hồ đọc thơ chúc tết đêm giao thừa. Nhà thơ Vũ Cao khóc Bác mà không muốn tin vào sự mất mát văn hóa đó. Giữa những ngày đau thương tột cùng, nhà thơ đã nói hộ tâm cảm bao người: Cho con ước tự bây giờ/ Mỗi năm cứ đến giao thừa mỗi năm/ Bác về cùng với nhân dân/ Đọc thơ chúc tết một lần...rồi đi. Không tin được là Bác Hồ đã mãi mãi đi xa. Không tin được là từ đây, đêm giao thừa vắng tiếng Người.

Một năm sau đó, kết thúc bản trường ca Theo chân Bác, nhà thơ Tố Hữu vẫn khẳng định: Bác ơi, tết đến, giao thừa đó/ Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần/ Ríu rít đàn em vui pháo nổ/ Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân.

Tết Canh Dần 1950, Bác Hồ chúc:

Kính chúc đồng bào năm mới,Mọi người càng thêm phấn khởi,Toàn dân xung phong thi đua,Đẩy mạnh cuộc chuẩn bị tới,Chuyển mau sang tổng phản công,Kháng chiến nhất định thắng lợi.

Đường hướng chiến lược của cuộc kháng chiến được Bác biến thành những câu có vần và đọc lên vào khoảnh khắc thiêng liêng giao thời thiên - địa - nhân để đồng bào dễ nhớ, dễ thuộc và biến thành sức mạnh tâm linh, tinh thần. Năm Dần ấy, “quân ta thế mạnh nuốt Ngưu Đẩu”, đã mở chiến dịch Biên giới thắng lợi, nối liền Việt Nam kháng chiến với thế giới bên ngoài.

Năm nay theo một vòng chu giáp, Tết Canh Dần lại đến. Nước Việt Nam lại như hổ lớn vươn đà nhảy xa. Bác Hồ đã qua đời bốn mươi năm. Bốn mươi năm đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài không còn được nghe Bác đọc thơ chúc tết phút giây trừ tịch. Nhưng đối với những thế hệ người Việt Nam trong đời đã được sống những giao thừa năm mới nghe Bác Hồ đọc thơ chúc tết qua đài, kỷ niệm này hằn sâu mãi ký ức.

Tôi nhớ những năm đầu tiên sau khi Bác mất, không còn được nghe tiếng Bác đọc thơ chúc tết trên đài mỗi giao thừa, mọi người đều thấy vắng thiếu, đau buồn. Nhưng mãi mãi còn đó những bài thơ tết của Bác Hồ, và trong mỗi bước đi lên hôm nay ta vẫn luôn nghe thấy “Bác Hồ gọi ấy là mùa xuân đến”.

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên