Ông Thaksin (trái) và bà Yingluck (giữa) đầu năm 2016 - Ảnh: AFP |
Tại sao nhà Shinawatra lại vừa được ủng hộ, vừa bị ghét bỏ nhiều như vậy?
Theo Hãng tin AFP, trung tâm của cuộc chia rẽ chính trị hiện nay ở Thái Lan là ông Thaksin Shinawatra - anh trai của bà Yingluck.
Sinh ra trong một gia đình gốc Hoa - Thái ở thành phố phía bắc Chiang Mai, ông Thaksin bắt đầu sự nghiệp trong lực lượng cảnh sát trước khi chuyển sang kinh doanh vào thập niên 1980 và trở thành ông trùm ngành viễn thông.
Ông Thaksin tham gia chính trường năm 1994 và giành được chiếc ghế thủ tướng năm 2001, dần dần gầy dựng nên một mạng lưới chính trị vững chắc cho mình và cũng đồng thời chọc giận nền tảng chính trị bảo thủ.
Với những chính sách ủng hộ người nghèo, ông Thaksin tiếp tục giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2005, trở thành vị thủ tướng Thái duy nhất hoàn thành hết một nhiệm kỳ và tái đắc cử. Tuy nhiên, đến năm 2006 thì ông Thaksin bị quân đội truất quyền.
Năm nay 68 tuổi, ông Thaksin phải sống lưu vong ở nước ngoài (được cho là giữa Dubai và London) để tránh án tù vì tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Sự kiện này dẫn đến tình hình chính trị bất ổn mà Thái Lan trải qua cho đến hôm nay.
Từ năm 2001, tất cả các cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan đều có chiến thắng thuộc về một đảng có liên quan đến dòng họ Shinawatra. Họ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đông đảo dân nông thôn nghèo ở các tỉnh phía bắc, đông bắc và tầng lớp lao động ở thủ đô Bangkok.
Yếu tố kinh tế đóng một vai trò lớn trong sự lựa chọn này.
Tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo khá nhức nhối ở Thái Lan và người nghèo cảm thấy bị bỏ rơi bởi tầng lớp tinh hoa Bangkok. Trong bối cảnh đó, gia đình Shinawatra tung ra nhiều chính sách như bảo hiểm sức khỏe toàn diện, giải tỏa nợ, các khoản vay cho các công ty khởi nghiệp và đặc biệt là trợ giá lúa gạo cho nông dân.
Cũng vì chính sách sau cùng mà bà Yingluck phải ra đi.
Cựu thủ tướng Thaksin ban đầu cũng giành được sự ủng hộ từ một nhóm tinh hoa ở Bangkok, tuy nhiên sau đó ông bị chính nhóm này quay lưng. Quân đội Thái Lan thì hạ bệ hai chính phủ Shinawatra bằng hai cuộc đảo chính.
Họ cáo buộc gia đình này tham nhũng, chỉ biết làm giàu cho bản thân và vây cánh, mua lá phiếu bằng những chính sách dân túy tốn kém.
Theo giới quan sát, với sự kiện bà Yingluck bỏ xứ ra đi, gia đình Shinawatra xem như đã bị đẩy hoàn toàn ra khỏi chính trường Thái.
Trong 10 năm qua, các thành viên Shinawatra liên tục bị truất quyền và đối mặt với vô số vụ kiện tụng. Các thủ lĩnh áo đỏ người thì ở tù, người thì đã chết. Sau bà Yingluck, nhà Shinawatra không còn ai có đủ sức thu hút và khả năng lãnh đạo để đứng ra gánh vác trọng trách.
“Đây là đoạn kết của dòng họ Shinawatra, vì họ đã bỏ cuộc. Dù đảng của họ vẫn còn và sự ủng hộ của người dân còn rất lớn, cả gia tộc phải rút lui và không thể tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo” - nhà bình luận nổi tiếng người Thái Atukkit Sawangsuk viết trên Facebook ngày 25-8 khi rộ lên thông tin bà Yingluck không ra tòa nghe phán quyết mà đã rời bỏ đất nước...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận