26/03/2009 04:37 GMT+7

Ba ưu điểm của thức ăn nhanh VN

TS.BS TRẦN BÀ THOẠI (BV Đà Nẵng)
TS.BS TRẦN BÀ THOẠI (BV Đà Nẵng)

TT - Ở Việt Nam, cứ theo định nghĩa của từ điển Merriam-Webster - thức ăn nhanh là thức ăn đã được chế biến sẵn, đóng gói sẵn và đem soạn ra, phục vụ một cách rất nhanh - chúng ta cũng có khá nhiều thức ăn nhanh (fast food) đúng nghĩa, hợp khẩu vị, đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng và đặc biệt giá cả cực kỳ hợp lý.

Đó là các loại bánh chế biến sẵn từ gạo, nếp (bánh chưng, bánh tét, bánh nậm, bánh bèo, bánh gói…), các loại xôi (đậu, đường, gà, vịt...), nhiều món bún, phở (tái, nạm, chả...), lắm kiểu đĩa trứng (ốpla, bíp tết)...

So với fast-food Âu Mỹ, thức ăn nhanh Việt Nam có ba ưu điểm. Một là nguyên liệu đầu vào, phần đường bột thường sử dụng các loại tinh bột gạo, đậu, nếp... vốn có chỉ số đường huyết thấp hơn bột mì và thành phần đạm thường dùng nhiều loại không đơn điệu,

Hai là cách chế biến, đầu bếp ta hay dùng cách hấp luộc hơn là chiên xào nên lượng chất béo chắc chắn ít hơn.

Ba là thường có thêm thức ăn kèm như các loại rau tươi sống, dưa, hành, ớt tỏi, nước chấm các kiểu... cũng là nguồn cấp thêm chất khoáng và vitamin cho bữa ăn hoàn chỉnh. Về dinh dưỡng, bữa ăn hợp lý cần có nhiều loại thức ăn. Với những ưu điểm trên, rõ ràng thức ăn nhanh của chúng ta hơn hẳn.

Tại Âu Mỹ, người ta đã nhận ra rằng thức ăn nhanh tuy đáp ứng, phù hợp với nhu cầu lối sống công nghiệp, nhưng do chứa quá nhiều năng lượng và chất đạm, lại quá ít, quá thiếu chất khoáng và vitamin, sự bất cân xứng thành phần này đã gây ra tác hại. Các nhà dinh dưỡng phương Tây giờ đây nhận định “không thể có thức ăn vừa nhanh vừa tốt, khỏe”.

Nhiều công trình khoa học nghiêm túc cho thấy tình hình bệnh béo phì, quá cân, đái tháo đường và bệnh tim mạch đã tăng lên rõ rệt, tỉ lệ thuận với việc dùng nhiều thức ăn nhanh. Một điều đáng lưu ý nữa là đa số thức ăn nhanh phương Tây thường được chiên, xào, nướng..., các quá trình chế biến này vừa dùng quá nhiều chất béo vừa có thể sản sinh ra các độc chất nguy hại có thể gây ung thư. Các trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh trên khắp nước Mỹ đều xếp béo phì là đại họa, là nguyên nhân thứ hai gây đến 400.000 cái chết hằng năm và nguyên nhân hàng đầu lại là do dùng nhiều thức ăn nhanh.

Thấy được những hậu quả xấu của thức ăn nhanh, từ thập niên 1980 Carlo Petrini (Ý) khởi xướng phong trào “thức ăn chậm”, biểu tượng là con ốc sên, chủ trương của phong trào là chỉ dùng những nông sản, thực phẩm địa phương và cách nấu ăn truyền thống để chống lại thức ăn nhanh. Năm 2004 Carlo Petrini và Massimo Montarani mở cửa Đại học Nấu nướng ở Ý để cổ súy, hướng dẫn các mục tiêu, tôn chỉ của phong trào thức ăn chậm.

TS.BS TRẦN BÀ THOẠI (BV Đà Nẵng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên