Phóng to |
Bà Phan Thúy Thanh - tân đại sứ VN tại Bỉ |
* Có lẽ hơn ai hết, bà có nhiều tiếp xúc với các phóng viên nước ngoài tại VN. Các hoạt động của họ tại VN có thể nói lên điều gì, thưa bà?
- Còn nhớ trước năm 1994, phóng viên phương Tây có mặt tại VN rất ít. Chỉ có các hãng lớn như Reuters, AFP, Itar-Tass, Tân Hoa xã, một vài đại diện của Đông Nam Á như Bernama (Malaysia), Bangkok Post.
Từ năm 1995 trở đi, cùng với các sự kiện như VN gia nhập ASEAN, tổ chức hội nghị Pháp ngữ, hội nghị cấp cao ASEAN, bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ..., sự quan tâm của các phóng viên nước ngoài đối với VN tăng vọt. Hoạt động của phóng viên thường trú tại VN sôi động hẳn lên, đặc biệt là các phóng viên phương Tây (BBC, AP, DPA, Bloomberg, FEER, AFP...).
Vào những lúc cao điểm, có những hãng tin phát đi trung bình 1.500 tin, bài về VN mỗi năm, như vậy không ngày nào là họ không đưa tin về những gì đang diễn ra tại VN. Nhiều nhất là các tin về đời sống kinh tế, họ đưa nhanh và đa dạng mà nhiều khi chính các báo trong nước cũng sử dụng lại.
Những câu hỏi mà chúng tôi nhận được rất đa dạng, từ chuyện trồng cà phê, du lịch, di chuyển của voi, mối tình của một người Việt và cô gái CHDCND Triều Tiên, đến cả chuyện một ông già ở Đắc Lắc tuổi đã cao vẫn lấy vợ.
Những mối quan tâm này nói lên rằng VN không phải là một đất nước khô cằn sau chiến tranh mà đang phát triển với tất cả sự phong phú, đa dạng của một xã hội cởi mở. Có thể nói vai trò của phóng viên nước ngoài tại VN ngày càng được khẳng định và góp phần làm cho thế giới hiểu hơn về VN dưới nhiều góc độ khác nhau.
|
- Các phóng viên nước ngoài mà tôi từng tiếp xúc đều là những người mong muốn được đến VN làm việc. Tôi nghĩ rằng khi đặt ra những câu hỏi như vậy, chưa chắc bản thân phóng viên nước ngoài đó đã thật sự không hiểu về VN!
Có thể họ chưa hiểu theo cách của chúng ta, hoặc bởi do không có điều kiện đi thực tế nên chưa “tâm phục khẩu phục” và thường xuyên là để kiểm chứng lại những thông tin do những người thiếu thiện cảm với VN đưa ra.
Ví dụ như lễ Noel năm 2002 vừa rồi, hàng vạn người theo đạo đã tưng bừng đón lễ ở Buôn Ma Thuột. Nhưng sau đó vẫn có một số phóng viên hỏi có phải những người theo đạo ở đó đã bị đàn áp không được đón Noel. Những câu hỏi đó nhằm kiểm chứng thông tin về một sự kiện mà họ không được chứng kiến. Hoặc những câu hỏi đại loại như “VN bắt phụ nữ thiểu số ở Tây nguyên triệt sản phải không”... cũng thuộc trường hợp như vậy.
Tôi nghĩ cần phải có một số cải tiến trong qui chế hoạt động dành cho phóng viên nước ngoài tại VN. Nếu chúng ta mạnh dạn cho họ tiếp cận với thực tế hơn thì chắc hẳn họ sẽ bớt bị phụ thuộc vào những thông tin sai lệch từ bên ngoài. Mặt khác, một số địa phương cũng cần cởi mở hơn trong việc tiếp xúc với các phóng viên nước ngoài. Khác với tại các thành phố lớn, một số địa phương vẫn còn khá e dè, nghi ngại khi phát ngôn về các vấn đề của địa phương với các phóng viên. Mà thật ra điều này không có lợi cho chúng ta.
* Hình như nước Bỉ, nơi bà nhận nhiệm vụ mới, không hoàn toàn xa lạ với bà?
- Đúng! Tôi đã từng có một nhiệm kỳ từ 1994 - 1997 là tham tán công sứ VN tại Bỉ. Quay trở lại Bỉ lần này cũng là nguyện vọng của tôi. Tại Bỉ, tôi sẽ có cơ hội hoạt động trong cả hai lĩnh vực là quan hệ song phương và cả hoạt động đa phương với Cộng đồng châu Âu (EC). Đó là một địa bàn thú vị, nhiều hoạt động. Tôi yêu mến đất nước Bỉ với những người dân cởi mở, tốt bụng, cảnh sắc thanh bình.
* Thưa bà, gần đây quan hệ giữa VN và châu Âu không chỉ nhấn mạnh về hợp tác kinh tế - thương mại mà cũng bắt đầu đề cập tới những quan điểm khác nhau về dân chủ, nhân quyền. Bà có nghĩ rằng đó là sẽ là một thách thức khi đại diện cho VN trả lời những vấn đề này?
- Tôi không cho rằng như vậy. EU từ lâu đã là đối tác lớn của VN, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. ODA từ các nước Tây Bắc Âu dành cho VN chiếm khoảng 15-20% tổng vốn ODA của VN, đặc biệt ODA không hoàn lại thì riêng EC chỉ đứng sau Nhật Bản.
Thị trường EU cũng chiếm tới khoảng 28% xuất khẩu của VN. Phía EU đánh giá VN là nước thực hiện ODA hiệu quả, hội nhập quốc tế nhanh, lại sắp là chủ nhà của hội nghị cấp cao ASEM vào năm tới.
Phóng to |
Mặt khác, tôi cho rằng những bất đồng nảy sinh nếu có một phần cũng bởi hai phía vẫn còn thiếu cơ hội mở rộng trao đổi, giao lưu với nhau. Và đó cũng chính là một trong những nhiệm vụ của tôi, quảng bá hình ảnh VN tại châu Âu.
* Bà đã có những ý tưởng gì để thực hiện nhiệm vụ ngoại giao phục vụ kinh tế mà Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên từng nói là phải chiếm tới 70% công việc của các đại sứ?
- Tôi sẽ tranh thủ tình hình cụ thể tại địa bàn này để dành ưu tiên cho việc góp phần tác động tới các vấn đề về chính sách giúp các hàng hóa của VN xâm nhập EU thuận lợi hơn. Ví dụ tôm của VN đang gặp rắc rối do phía bạn xác định tỉ lệ dư lượng kháng sinh cao hơn tiêu chuẩn cho phép.
Rắc rối nảy sinh do VN chưa áp dụng một tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cao như ở EU, vậy thì chúng ta phải làm sao thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn này tại VN để các hàng nông phẩm, hải sản của VN có thể tự tin vào được thị trường vốn khó tính này. Hoặc vấn đề thực hiện hạn ngạch dệt may chẳng hạn...
Một vấn đề khác là chúng ta cũng đang đàm phán với EU để có một lộ trình mở cửa thị trường thích hợp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng tại VN. Tôi nghĩ quá trình đàm phán này chắc không dễ dàng chút nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận