13/08/2005 12:18 GMT+7

"Ba năm đốn củi thiêu rụi một giờ"

DƯƠNG THẾ HÙNG
DƯƠNG THẾ HÙNG

TTCN - “Hết trơn rồi!”, “Phá sản rồi”, “Đi đứt rồi”, “Chịu thua rồi”... Đó là lời than của những nhà vườn trồng cam ở bên bờ sông Hậu, tỉnh Vĩnh Long. Từ hơn tuần qua, căn bệnh vàng lá greening quái ác bắt đầu đổ bộ vào các vườn cam như cơn bão số 2.

af33EwRp.jpgPhóng to
Anh Tư Nghĩa rầu rĩ bên vườn cam còn trơ gốc
TTCN - “Hết trơn rồi!”, “Phá sản rồi”, “Đi đứt rồi”, “Chịu thua rồi”... Đó là lời than của những nhà vườn trồng cam ở bên bờ sông Hậu, tỉnh Vĩnh Long. Từ hơn tuần qua, căn bệnh vàng lá greening quái ác bắt đầu đổ bộ vào các vườn cam như cơn bão số 2.

Trên suốt con đường vô ấp Mỹ Thành (xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, Vĩnh Long), tới đâu cũng thấy cam bị vàng lá đứng rũ rượi. Dọc hai bên bờ mương, hàng đống nhánh cam bị đốn bỏ đang được xếp hàng ngay ngắn để... phơi khô làm củi. Anh Nguyễn Tấn Lực đứng trân trân nhìn vườn cam đang vàng lá.

Anh run run hái một trái cam nhỏ như trái chanh rồi thều thào: “Nó lớn tới cỡ này rồi... không lớn nữa. Không hái thì cam rụng la liệt, mà hái thì bán không đủ tiền công. Có 200đ/kg thì bán làm gì. Coi như bỏ không”. Anh đổ vốn vô 10 công cam này khoảng 70 triệu đồng, vay ngân hàng lãi suất 0,95%/tháng. Đã ba năm qua, lãi ngân hàng vẫn tính đều đều, định năm nay thu hoạch sẽ giải nợ bớt, nào ngờ bệnh cam đổ ụp xuống, không bán được đồng nào. Coi như phá sản...

Vào sâu trong các vườn cam khác, tình trạng cũng thê thảm không kém. Tại vườn cam của anh Ngô Tuấn Hậu, hình ảnh xanh mượt, xum xuê của vườn cam trĩu quả hồi mới tháng rồi nay đã không còn nữa. Thay vào đó là những gốc cam trơ trọi vừa bị đốn bỏ, giống như vừa trải qua nạn phá rừng. Dưới đường đi của hàng cam chưa kịp đốn, hàng loạt cam “chai” (không lớn) rơi rụng khắp vườn. Từ đầu đến cuối ấp, vườn ông Mười Đực, anh Út Ánh, anh Tư Nghĩa, anh Ba Dũng, anh Chín Biển... hầu như vườn nào cũng bị bệnh. Anh Tư Nghĩa cho biết trong vùng qui hoạch chuyên canh cam sành 70ha này, 10 vườn thì cả 10 đều bị bệnh.

4UASzSaD.jpgPhóng to
Cam non rơi vãi đầy lối đi
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Bình Huỳnh Chí Linh cho biết tình hình cam bệnh đang diễn ra ở hầu hết các xã trồng cam như: Mỹ Thạnh Trung, Tường Lộc, Ngãi Tứ, Loan Mỹ... Diện tích cam nhiễm bệnh đã lên tới 1.240ha, chiếm 40% diện tích trồng cam, chủ yếu là bệnh vàng lá gân xanh và vàng lá thối rễ.

Tại huyện Trà Ôn, đi qua các xã Nhơn Bình, Trà Côn, Tân Mỹ, Thới Hòa..., những vùng chuyên canh cam sành nổi tiếng vùng sông Hậu này cũng đang diễn ra tình trạng nhiễm bệnh tương tự. Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trà Ôn Lê Hoàng Nghệ cho biết toàn huyện có 13 xã trồng cam thì hết 10 xã có cam nhiễm bệnh trên tổng diện tích 1.260ha, chủ yếu là bệnh vàng lá thối rễ. Thiệt hại ước khoảng 37 tỉ đồng.

Anh Nguyễn Thanh Tường, chủ vườn cam 15 công ở ấp Nhơn Ngãi (xã Nhơn Bình, huyện Trà Ôn), đau xót ví von cái nghề trồng cam là: “Ba năm đốn củi thiêu rụi một giờ”. Anh lý giải: “Năm đầu tiên là lên liếp, chở đất vô lên mô. Rồi mua cây giống về trồng. Từ đó đến năm thứ hai, thứ ba là bỏ công chăm sóc, bón phân. Tiền bạc có bao nhiêu là dành dụm đầu tư cho cam hết. Dự tính tới năm thứ ba sẽ thu hoạch đợt đầu tiên. Tất cả niềm hi vọng đều đổ dồn vô cam, giống như cả dòng họ chỉ sinh được duy nhất một quí tử, vậy mà nó... chết yểu, có đau không chứ!”.

Anh lặng lẽ dẫn tôi ra sau vườn cam rồi tự trách mình: “Cũng tại tụi tôi trồng dày quá. Đúng ra phải trồng khoảng cách 2,5m/cây, đằng này tôi tham, nhích vô có 2m/cây”. Ở các vườn kề bên của anh Đoàn Văn Dũng, Nguyễn Văn Út Nhì... tình trạng còn tệ hơn, bởi cam trồng dày hơn, chỉ cách 1,5 - 1,8m/cây. Anh Út Nhì thừa nhận chính việc không áp dụng đúng qui trình kỹ thuật mà giờ đây phải tự gánh lấy hậu quả. Anh nhẩm tính cứ bình quân 1 công cam đầu tư 7 triệu đồng, mà ở đây nhà nào cũng làm từ 7-15 công. “Sắp tới sẽ có người kêu bán đất, hoặc ít nhất ngân hàng cũng tới... phát mãi, đòi nợ”.

Tuy nhiên, đó cũng chưa phải là tất cả. Hầu hết bà con đều thừa nhận cây giống họ trồng đều là “giống ghe”, tức mua trôi nổi từ các chủ ghe bán dạo, không rõ nguồn gốc. Anh Đoàn Văn Dũng giải thích: “Vì nó quá rẻ, chỉ có 3.000đ/cây. Trong khi mua cây giống trong trại nhà nước tới 12.000đ/cây, mà nó chỉ sạch bệnh trong nhà lưới chứ đem ra trồng một hai năm cũng nhiễm bệnh như thường.

Ba công cam gốc ghép volka của ông Mười Đực là giống sạch bệnh, cũng “rụi”. Ngoài ra, mua cam giống của Nhà nước phải đi xa, chuyên chở khó khăn, mà thật ra cũng ít người biết Nhà nước có bán. Còn cam “giống ghe” thì họ chở tới bán ngay tại nhà...”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, bệnh vàng lá greening trên cây cam sành đã được cảnh báo từ lâu, bởi đây là loại cây có múi hết sức mẫn cảm. Nó dễ dàng nhiễm bệnh hơn các cây cùng nhóm như quít, bưởi... Nguyên nhân nhiễm bệnh là do khi bà con đem ra trồng cây giống đã không sạch bệnh. Khi phát hiện cây bệnh, bà con không biết hoặc không được hướng dẫn các biện pháp chữa trị. Nếu biết, bà con hiểu tác nhân gây hại chính là con rầy chổng cánh, và chỉ cần xịt thuốc Confidor là hết ngay.

Tiến sĩ Châu cho biết thêm trong tình hình hiện nay, tốt nhất là nên khuyến cáo nông dân đốn bỏ hết cây bệnh, thay vào đó là cây bưởi da xanh, một loại cây vừa có giá trị kinh tế, vừa chống chịu được sâu bệnh. Còn nếu quyết tâm duy trì cây cam sành vì có thị trường thì nên có qui hoạch cẩn thận.

Trong vùng qui hoạch đó, nhất thiết mọi người đều cùng phải đồng loạt trồng giống cây sạch bệnh, cùng đoàn kết, hợp tác, cùng nhau làm theo đúng qui trình kỹ thuật. Nếu không, cứ cái kiểu riêng lẻ mạnh ai nấy làm, mỗi người một kiểu như hiện nay thì vấn nạn cam bệnh, vườn xơ xác, nông dân lao đao vẫn sẽ tiếp tục kéo dài không dứt.

DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên