30/07/2005 11:18 GMT+7

ASEAN: hành trình 10 năm

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTCN - “Cúp C1 Đông Nam Á: Gỗ nghiền nát ngựa vằn”... tường trình từ Brunei... “Cúp C1 Đông Nam Á 2005: Bóng đá VN chưa đủ tầm ở sân chơi nhỏ?”...tường trình từ Brunei.

9AoJ8LAB.jpgPhóng toTTCN - “Cúp C1 Đông Nam Á: Gỗ nghiền nát ngựa vằn”... tường trình từ Brunei... “Cúp C1 Đông Nam Á 2005: Bóng đá VN chưa đủ tầm ở sân chơi nhỏ?”...tường trình từ Brunei.

... “Các trang” thể thao của hầu hết các tờ báo trong nước đã “tề tựu” tại sân vận động quốc gia Brunei trong tuần lễ vừa qua nhân Cúp vô địch C1 Đông Nam Á.

10 năm trước đó, cũng đúng vào tuần lễ cuối tháng bảy, đoàn ngoại giao VN không đầy chục người đã đến thủ đô Brunei, “mở đường” cho VN gia nhập ASEAN. Sau hai chuyến bay, quá cảnh Singapore rồi mới đến thủ đô Bandar Seri Begawan vào lúc nửa đêm. Cánh báo chí vỏn vẹn hai người, “ăn ké” theo đoàn quan chức ngoại giao để xin visa nhập cảnh ngay tại sân bay, theo một danh sách đã được Bộ Ngoại giao VN lập trước đó.

Từ đó, sau một số “công đoạn hội nhập” khác, dân chúng VN, trong đó có phóng viên, có thể ra vào hầu hết các nước ASEAN như đi chợ, không cần con dấu chiếu khán nhập cảnh. Cũng thế, ngày hôm nay có thể mua trái thanh long của VN trong một siêu thị ở TP Tampines (Singapore), nơi có đội bóng Tampines Rovers, đối thủ vòng bán kết của Hoàng Anh - Gia Lai trên sân vận động quốc gia Brunei.

16g55 thứ sáu 28-7-1995, lá cờ VN được kéo lên trên bầu trời Bandar Seri Begawan. Trước đó, vào 16g10, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký lên văn kiện gia nhập ASEAN, sau khi sáu bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã ký trước. Trên ve áo ông sau đó được cài một tấm huy hiệu ASEAN. Ông chính là người VN đầu tiên chính thức đeo phù hiệu ASEAN.

VN giờ là một trong cộng đồng các nước Đông Nam Á sau 20 năm hầu như quan hệ xa lạ, dửng dưng. Bộ trưởng ngoại giao nước chủ nhà Brunei, hoàng tử Mohamed Bolkiah, trong diễn văn tiếp đón đã phát biểu với đoàn VN: “Quí vị đã vượt qua sông biển ly cách chúng ta mà trong một thời gian dài chúng ta đã từng là những người xa lạ không quen biết”.

20 năm “xa lạ” quả là dài. Bốn năm trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Ali Alatas và Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Roland Dumas còn rong ruổi đến TP.HCM họp với Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch về một hội nghị hòa bình CPC sẽ tổ chức tại thủ đô Paris tháng mười năm đó. Cũng thời điểm đó, Khơme Đỏ ráo riết tấn công Battambang cùng một số địa phương khác, theo kiểu “giành dân, chiếm đất” để chuẩn bị ngưng bắn...

Bốn năm sau, cũng Ngoại trưởng Ali Alatas trong buổi lễ kết nạp VN đã trịnh trọng phát biểu: “Việc VN gia nhập ASEAN không chỉ là tăng số thành viên từ sáu nước lên bảy nước”. Cũng trong buổi lễ kết nạp đó, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Domingo Siazon Jr. đã ba lần gọi “người anh em VN của chúng ta” trong bài diễn văn của mình! Tình hữu nghị tìm lại, nay là lúc “đoàn kết trong đa dạng”, như theo phương châm của ASEAN.

Việc VN gia nhập ASEAN còn nằm trong bối cảnh của chính sách “làm bạn với các nước”. 17 ngày trước đó, Tổng thống Bill Clinton loan báo Hoa Kỳ bình thường quan hệ ngoại giao với VN; ngày hôm sau đến lượt Thủ tướng Võ Văn Kiệt hồi đáp. Cuối năm đó, lần đầu tiên một thủ tướng VN tham dự một hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Và rồi VN cũng đã một lần tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEAN.

Hành trình đến với ASEAN đã dài, hành trình 10 năm qua cũng dài không kém. Dài trong ý nghĩa nếu như có những việc cần phải làm trong quá trình hội nhập đã được thực hiện rất tốt, thì cũng có những việc thực hiện còn lề mề, không màng đến cái giá của thời gian. Những nỗ lực để VN “làm một trong đa dạng” với ASEAN đã là rất lớn, không chỉ của ngành ngoại giao mà còn của các ngành khác. Không chỉ các bộ/ thứ trưởng ngoại giao đi họp ASEAN mà các bộ khác từ tài chính, đến giáo dục, y tế... hằng năm cả trăm cuộc. Việc thực thi AFTA là một thí dụ sinh động của các nỗ lực liên ngành đó.

Thế nhưng, cũng trong việc thực thi Hiệp định tự do mậu dịch ASEAN đó (AFTA), lại thấy các tác nhân then chốt là các ngành kinh tế, sản xuất, dịch vụ... đã chưa cùng tốc độ khẩn trương với các bộ. Không phải là vơ đũa cả nắm khi nhận xét rằng hầu hết doanh nghiệp VN vẫn chưa dốc hết sức hay trí tuệ vào việc xâm nhập thị trường ASEAN, như thể gia nhập ASEAN chỉ là “chuyện của Nhà nước”. Các số liệu tiếp tục cho thấy điều đó.

Trong quí 1-2005, VN thâm thủng mậu dịch với ASEAN hơn 1 tỉ USD, trong khi lại thặng dư mậu dịch với EU và các nước lớn khác. Phải chăng hàng hóa VN không cạnh tranh nổi với hàng hòa cùng “đẳng cấp” của các nước ASEAN, chỉ xâm nhập được thị trường các nước công nghiệp nhờ vào yếu tố sản xuất gia công cho các công ty “đại gia” các nước đó hoặc yếu tố lương công nhân thấp...? Chỉ cần vào siêu thị ngắm hàng ASEAN từ hàng điện tử, máy móc đến hộp bánh kẹo, để hiểu tại sao VN nhập siêu từ Thái Lan những 306 triệu USD, từ Indonesia 103 triệu USD và từ Malaysia 91,5 triệu USD chỉ trong quí 1 (nguồn:VNECONOMY 6-5-2005).

Trong khi đó, không ít doanh nghiệp VN lại đang dốc sức “gà nhà bôi mặt đá nhau”. Cuộc chiến “đường truyền điện thoại và Internet “giữa các công ty điện thoại và Internet” quả là một cuộc “tự sát tập thể” bất chấp tương lai mở cửa thị trường này trong khuôn khổ AFTA (và cả WTO sau này) có gần kề. Đó là chưa kể đến việc các nhà cung cấp dịch vụ Internet một mặt tranh giành nhau bằng mọi chiêu thức quảng cáo, hạ giá mà không tăng tốc độ, dung lượng đường truyền, cứ bịp và móc túi người sử dụng ADSL (bằng phí thuê bao ADSL) với một tốc độ download còn thua xa sử dụng modem thường! Vụ “điện kế điện tử” là một hình thái móc túi khác.

Hãng hàng không quốc gia cuối năm ngoái khi United Airlines bay vào VN đúng mùa tết tây và ta còn trả lời: “Tôi không thích, tôi chưa thích bay vào Mỹ”, nay bỗng dưng loan báo “năm tới sẽ vào”, làm như “vào Mỹ hay không” chỉ là chuyện “thích hay không thích”, chứ không phải là chuyện nghiên cứu thị trường kinh doanh. Giết lẫn nhau, móc túi người tiêu dùng - đồng bào, thay vì hợp lực để chuẩn bị đối phó “ngoại nhân”, chiều chuộng người tiêu dùng - đồng bào để “mua” sự chung thủy của họ, xem như trận chiến AFTA (rồi thì WTO) đã kết liễu sớm!

Các doanh nghiệp đã quên rằng người tiêu dùng VN ngày càng khó tính, sẽ có lúc hoàn toàn bỏ mặc họ để mua hàng ngoại. Mà dường như các doanh nghiệp cũng không cần bận tâm điều này. Việc một tập đoàn Malaysia sang TP.HCM thuê lại từ một đại công ty của VN cả một thương xá trong những mấy chục năm là một thí dụ cho thấy ngành dịch vụ của VN thích giải pháp dễ dãi “for rent” đất đai, nhà cửa... lấy tiền cho thuê nhà đất hơn là tự mình vắt óc kinh doanh. Nếu thế, Nhà nước cứ tiếp tục giao đất đai nhà cửa cho các doanh nghiệp này làm gì để “mất” đất, nhà cửa những mấy chục năm?!

Thời gian không đợi bất cứ ai thong thả “trở bộ”. Ngày 28-7-1995, Ngoại trưởng Philippines Domingo Siazon Jr. nhấn mạnh trong buỗi lễ kết nạp VN: “Dân số 72 triệu người của VN sẽ thúc đẩy vai trò và ảnh hưởng quốc tế của ASEAN”.

Trên bình diện ngoại giao, dự báo này có phần chính xác. Thế còn trên bình diện kinh tế? Ngoại trưởng Philippines nhất định không “bấm độn” sai mà do những nhà làm kinh tế của VN, từ công đến tư. Bằng bài bản kinh tế nào mà với kế hoạch 10 triệu tấn đường tốn bạc tỉ tỉ, mà đến cuối tháng bảy này khi mùa bánh trung thu đã vào rồi lại còn phải đặt câu hỏi “nhập bao nhiêu tấn đường?”?

Thời gian không đợi bất cứ ai. Ngày 28-7-1995, dân số VN mới 72 triệu. Ngày 28-7-2005 dân số VN đã là 82 triệu!

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên