Campuchia đề nghị Tòa án công lý quốc tế can thiệp
Phóng to |
Một nhà sư nhìn qua cửa ngôi đền Preah Vihear, trong lúc binh lính Campuchia đang nghỉ ngơi tại khu vực biên giới giữa Campuchia và Thái Lan ngày 8-2-2011 - Ảnh: Reuters |
Trong khi đa số báo chí Thái mong mỏi ngưng bắn thường xuyên, chính quyền ông Abhisit lại tiếp tục bác bỏ mọi khả năng can thiệp của ASEAN vào cuộc tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia về khu vực quanh ngôi đền Preah Vihear (1). Theo Bangkok Post, ông Abhisit cũng bác bỏ khả năng ký kết một hiệp định ngừng bắn vĩnh viễn nhân cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN về vấn đề này chiều 22-2.
Báo chí Thái viết gì?
Thật ra Thủ tướng Abhisit đang là “con tin” của chính trường nội bộ Thái. Liên minh áo vàng từ một tháng qua đang đòi lật đổ ông vì không xử lý tốt cuộc tranh chấp này. Liên minh này cấm tiệt chính quyền ông Abhisit ký một hiệp định ngưng bắn vĩnh viễn với sự chứng giám của các ngoại trưởng ASEAN tại Jakarta, nên ông phải thề “sẽ không để mất đất” (2).
Từ năm 2008, trong lúc xuống đường chống chính quyền Samak, liên minh áo vàng đã tố cáo rằng ngoại trưởng Pattana thời ấy “bán đất” khi ký chung với Campuchia một bản ghi nhớ về việc đề cử ngôi đền Preah Vihear trở thành di sản văn hóa thế giới. Không chỉ phe áo vàng muốn ép ông Abhisit chiều ý họ, mà phe áo đỏ nay cũng đang muốn ông này đoản mệnh chính trị khi “khui” rằng ông có đến hai quốc tịch, thêm quốc tịch Anh xin được khi còn đi học, chứ không phải “dân Thái thuần túy”! Thành ra ông Abhisit có “ngả nghiêng” theo cả hai phe mà “cương” trong vụ ngôi đền Preah Vihear cũng không phải là chuyện lạ.
Trong khi đó, báo chí Thái tỏ ra rất thông hiểu và tuân thủ luật pháp quốc tế. Báo The Nation không ngại phơi bày nội tình Thái: “Cuộc họp sắp tới của các ngoại trưởng ASEAN sẽ nhằm tìm phương cách kết thúc vụ xung đột biên giới giữa binh sĩ hai nước. Lập trường cố hữu của Liên minh PAD (áo vàng) là hủy bản ghi nhớ ký năm 2000 với Campuchia...”.
Thậm chí còn nhắc lại rằng: “Năm 2003, khi Indonesia đề xuất thành lập một cộng đồng chính trị và an ninh ASEAN cũng đã tiên liệu rằng ASEAN sẽ trở thành một tổ chức có thể giúp giải quyết các xung đột và hòa giải bất đồng giữa các thành viên... Thái Lan đã đáp ứng sớm nhất, tiếp theo đó là Malaysia, Singapore và Philippines. Các nước ASEAN này đã tham gia các sáng kiến hòa bình khác nhau do Indonesia đề xuất...”.
Rõ ràng tờ báo này đã đứng trên những lợi ích phe phái kêu gọi tuân thủ các nguyên tắc công pháp quốc tế, đang muốn đất nước Thái Lan giữ được vị trí “khả kính” ở tốp trên trong một ASEAN nhiều tốc độ phát triển.
Hiến chương ASEAN
Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 13 tháng 11-2007, những người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập ASEAN mang tính lịch sử này, đã nhất trí với bản hiến chương dưới đây:
Chương I, điều 2:
(c) Không xâm lược, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực hay các hành động khác dưới bất kỳ hình thức nào trái với luật pháp quốc tế.
(d) Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Thậm chí trong Hiến chương ASEAN còn dành cả chương VIII cho đề mục “Giải quyết tranh chấp” gồm các điều 22, 23, 25, 27..., trong đó các điều 22 và 23 đã ấn định chi tiết như sau:
Điều 22: Các nguyên tắc chung
1. Các quốc gia thành viên sẽ nỗ lực giải quyết một cách hòa bình và kịp thời tất cả các tranh chấp thông qua đối thoại, tham vấn và thương lượng.
2. ASEAN sẽ duy trì và thiết lập các cơ chế giải quyết tranh chấp trong tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN.
Điều 23: Bên thứ ba, hòa giải và trung gian
1. Các quốc gia thành viên có tranh chấp vào bất kỳ thời điểm nào có thể sử dụng các phương thức như đề nghị bên thứ ba, hòa giải hoặc trung gian để giải quyết tranh chấp trong khoảng thời gian thỏa thuận.
2. Các bên tranh chấp có thể yêu cầu chủ tịch ASEAN hoặc tổng thư ký ASEAN trong quyền hạn mặc nhiên của mình làm bên thứ ba, hòa giải hoặc trung gian.
Có thể thấy việc đưa nội vụ ra trước ASEAN là phù hợp với Hiến chương ASEAN và vì chính lợi ích của dân chúng Thái và Campuchia. Chính vì thế, không chỉ The Nation nêu vấn đề ngưng bắn, đàm phán, mà cả Bangkok Post cũng chung một ý nghĩ. Thậm chí tờ này còn phân tích thiệt hơn trong số báo ngày 21-2: “Cả hai bên cần ngưng bắn và thôi đưa thêm binh lính vô. Song tất cả các điều kiện này có thể sẽ biến thành công cốc nếu như cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN ngày 22-2 không khai thông được gì trong việc làm nhẹ bớt bạo lực ở biên giới. Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và người đồng cấp Campuchia Hun Sen bất đồng với nhau về một số điểm then chốt, chủ yếu là về một thỏa thuận ngưng bắn thường xuyên. Ông Hun Sen nói rằng Campuchia yêu cầu Thái Lan thỏa thuận tại hội nghị ASEAN, ông Abhisit lại nhấn mạnh rằng còn quá sớm để nói đến việc ký kết bất cứ thỏa hiệp gì tại một cuộc họp của ASEAN...”.
Dư luận chung từ ASEAN đến Liên Hiệp Quốc
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ hai tuần trước cũng đã nhóm họp về vấn đề này. Đại sứ Maria Luiza Ribeiro Viotti của Brazil đã thay mặt Hội đồng Bảo an đọc thông cáo “yêu cầu các bên liên quan thiết lập ngưng bắn thường xuyên, đồng thời thực thi thỏa thuận đó trọn vẹn và giải quyết tình hình một cách hòa bình qua đối thoại hữu hiệu” (3).
Nhật báo Jakarta Post của nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN gọi đây là một “cuộc xung đột được sản xuất sẵn” (4), tức chẳng do những va chạm thật sự đáng có mà do những tính toán dựng chuyện. Chính vì thế, báo này phê phán: “Thái Lan và Campuchia, trong tư cách thành viên ASEAN, đã phá vỡ truyền thống tham vấn và hợp tác trong các thời điểm khủng hoảng song phương, đặc biệt là Hiệp ước hữu nghị và hợp tác mà mọi nước thành viên đều cam kết sẽ giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp. Hành vi gây hấn này thách thức Hiến chương ASEAN, đặc biệt là điều 22...”.
Một tiếng nói khác từ Singapore (5) cũng cho thấy thái độ không hài lòng ở đảo quốc này: “Hội đồng Bảo an thay vì gửi lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc đến Preah Vihear, đã giao lại cho ASEAN trách nhiệm này... ASEAN không thể để trôi qua mọi cơ hội giải quyết các căng thẳng và tăng cường hợp tác giữa các nước... Chỉ luật pháp mà thôi không thể ngăn ngừa cuộc tranh chấp hiện tại. Nói cho cùng, luật pháp quốc tế chỉ mạnh mẽ khi niềm tin vào luật pháp đó được tuân thủ. Niềm tin đó lung lay một khi các vấn đề chính trị đối nội được cho phép khuấy động các căng thẳng chủng tộc và ái quốc ngàn năm giữa các nước láng giềng”.
Theo Jakarta Post cuối buổi chiều ngày 22-2, hội nghị các ngoại trưởng ASEAN đã chỉ đi đến một kết luận là hai nước Thái Lan và Campuchia nên họp Ủy ban biên giới hỗn hợp tại một nước thứ ba nhằm giải quyết cuộc tranh chấp biên giới. Hai ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya và Campuchia Hor Namhong tham gia cuộc họp song tránh gặp nhau.
__________
(1) Thai PM: ASEAN not to Interfere with Thai Cambodian Dispute, 2011-02-20 Xinhua (2) http://www.bangkokpost.com/breakingnews/222578/pm-thailand-won-t-lose-territory.(3) Security Council urges permanent ceasefire after recent Thai-Cambodia clashes(4) This Manufactured Thai Cambodian Conflict Is a Test Tailor-Made for Asean, Jakarta Post, February 10, 2011(5) http://www.todayonline.com/World/EDC110219-0000189/
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận