![]() |
Các nghệ sĩ Brunei Darussalamvới màn múa "Âm điệu đất nước" |
Sau đêm khai mạc hoành tráng nhưng chỉ đủ dành cho mỗi nước tham dự trung bình 6 phút xuất hiện, hai đêm biểu diễn tiếp theo (9 - 10-8, mỗi đêm 5 nước, mỗi nước 20 phút) tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã cho cơ hội cảm nhận rõ hơn những khác biệt cũng như tương đồng văn hoá giữa khách và chủ.
Múa truyền thống: Bức tranh sinh hoạt cộng đồng
Tương đồng gây bất ngờ thú vị nhất có lẽ chính là màn múa sạp (vẫn thường thấy trong múa Tây Bắc ở dân tộc Thái của VN) hay múa quạt (giống như trong chèo và múa dân gian ở đồng bằng Bắc Bộ VN) lại xuất hiện trong tiết mục múa "Âm điệu đất nước" của các nghệ sĩ đến từ Brunei Darussalam.
Vương quốc Brunei - đất nước nhỏ bé nhưng cũng hết sức thịnh vượng nhờ dầu mỏ và khí đốt, vậy mà cái gọi là "âm điệu đất nước" mà bạn mang đến lại đơn giản là những động tác múa truyền thống giản dị, cùng các đạo cụ múa là những dụng cụ lao động như: Chiếc khăn che nắng, mái chèo... để mô tả các thao tác lao động dân dã thường ngày của ngư dân và nông dân.
Âm nhạc trong sáng, thuần khiết, thậm chí xen lẫn cả những âm thanh quen thuộc, bình dị mà hầu như đã lâu rồi, người thành thị chúng ta không còn được nghe: Những tiếng gà gáy sáng. Có cảm giác như quà đã được mang đến từ một làng quê thuần nông nào đó, hay một làng đánh cá từ xa xưa chứ không phải từ một vương quốc thịnh vượng - đó là ấn tượng gần gũi độc đáo từ Brunei.
Tương tự, trong một màn múa hiện đại của các nghệ sĩ Malaysia, người xem bắt gặp lại hình ảnh âu lo mà ấm áp của những ngọn đèn dầu...
Quen thuộc hơn, văn hoá Campuchia (cũng như Lào và Thái) từ lâu đã sớm được biết ở VN với những màn múa cung đình. Trong đêm diễn 9-8, bạn mang đến một vở ballet hoàng gia kể lại một tích chuyện trong sử thi của người Khmer. Nếu ai đã từng xem trò diễn "Lân mẫu xuất lân nhi" nổi tiếng của múa cung đình Huế, chắc chắn sẽ bắt gặp lại ở đây những nét tương đồng trong các động tác, cách hoá trang, phục trang...
Múa hiện đại - sự khám phá mình
Nếu như những màn múa thuộc nghệ thuật múa truyền thống của các nước ASEAN thường cho những hình ảnh tươi sáng, bình dị về đời sống sinh hoạt cộng đồng (như các tiết mục: "Cánh đồng vàng", "Hoa Chămpa" của Lào, "Mùa xuân tươi đẹp", "Nhịp đếm sôi động Pakhan" của Myanmar...) thì với múa hiện đại, đó lại là hành trình tự khám phá bản thân mình thông qua những dằn vặt nội tâm, từ bóng tối ra ánh sáng, từ cá nhân đến cộng đồng.
Tại mảng múa hiện đại này, nước chủ nhà VN cũng gây thuyết phục với "ấn tượng Tây Nguyên": Kết hợp hát, múa khá nhuần nhuyễn. Trong đó, tác giả biên đạo, đã mạnh dạn thổi vào một chủ đề truyền thống một hơi thở mới của múa hiện đại: Lấy cái góc cạnh để diễn tả cái mượt mà, cái quyết liệt để minh hoạ sự dẻo dai...
Malaysia cũng nổi lên trên mặt bằng chung như một ấn tượng "tháp đôi" với tiết mục múa hiện đại đầy thuyết phục: "Cuộc hành trình". Cuộc hành trình mô tả những thay đổi tinh tế trong các sắc thái tình cảm của con người với những khao khát bản năng đi từ đêm ra ngày, từ hoang mang, bất định đến chủ động, nhận thức. Và ngay trong chính những tìm tòi của bạn trong múa hiện đại, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp ở đây những điểm tương đồng như đã từng được thưởng thức qua các vở múa hiện đại của Thuỷ Ea Sola hay các biên đạo trẻ VN từng đi học ở Pháp về như: Lê Vũ Long, Hà Thế Dũng, Lưu Thu Lan...
Thanh cao mà gần gũi, múa - với tính hình tượng cao cùng khả năng xuyên ngôn ngữ - đã cho các nước ASEAN anh em một cái cầm tay đầy thân ái cởi mở, làm thành một ấn tượng đẹp cho "Tuần văn hoá ASEAN".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận