AT - Ở đầu bài thơ tình chính luận Gửi em cô thanh niên xung phong, Phạm Tiến Duật viết:
Có lẽ nào anh lại mê emMột cô gái không nhìn rõ mặtĐại đội thanh niên đi lấp hố bomÁo em hình như trắng nhất
Đưa áo trắng vào đêm chiến tranh lúc này là cách mà nhà thơ giúp người đọc sành thơ liên tưởng đến hình tượng áo trắng đã hình thành từ trước đó trong thơ ca Việt Nam, như một hình ảnh tượng trưng tuổi thanh xuân của nữ giới.
Trong đêm chiến tranh, phải chăng nhân vật anh con trai - nhà thơ của chúng ta, một trí thức trẻ - đang nhìn thầm cô gái mình si mê bằng thứ ánh sáng phát ra từ "áo trắng" của một trang thơ nào đấy, từ những tri thức thơ ca anh học được để bằng cách này trả lại cho cô thanh niên xung phong những vẻ đẹp muôn đời trời ban cho nữ giới. Cái vẻ đẹp kiêu sa của áo trắng thời bình đã có trong thơ Huy Cận:
Áo trắng đơn sơ mộng trắng trongHôm xưa em đến mắt như lòngNở bừng ánh sáng em đi đếnGót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng
Một liên hệ như trên, áo trắng thời bình - thời chiến là hợp lý. Là quyền của người đọc thơ. Nhưng có lẽ hợp lí hơn nếu liên hệ với màu áo trắng trong thơ Hàn Mặc Tử:
Mơ khách đường xa, khách đường xaÁo em trắng quá nhìn không raỞ đây sương khói mờ nhân ảnhAi biết tình ai có đậm đà
Phạm Tiến Duật trong một lần trả lời phỏng vấn đã nói về bút pháp của mình ở chặng thơ này, chặng thứ nhất trong đời thơ của ông: "Chặng thứ nhất tôi làm cái người ta không làm, tức là làm ngược đi":
Bao nhiêu người làm thơ đèo NgangMà không biết con đèo chạy dọc
hay:
Không có kính không phải vì xe không có kính..."
Phát biểu này có thể qui chiếu vào bài Gửi em cô thanh niên xung phong để hiểu: ngày trước Hàn Mặc Tử nói "Áo em trắng quá nhìn không ra", Phạm Tiến Duật thì ngược lại, nhờ áo em trắng nhất, trắng quá lên như thế mà anh nhận ra em.
Không mượt mà, dễ đọc, dễ nhớ (lại được phổ nhạc) như bài Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, không được truyền bá rộng khắp theo cách đưa vào sách giáo khoa như Lửa đèn, Tiểu đội xe không kính, Thắng giặc lên núi Ba Vì...
Bài thơ Gửi em cô thanh niên xung phong khá dài lại trúc trắc nhiều chất văn xuôi, khó đọc nhưng bằng màu áo trắng - một tín hiệu nghệ thuật những người đi trước để lại - Phạm Tiến Duật đã hóa giải cái khó kia, để bài thơ đến được với mọi người.
TRẦN QUỐC TOÀN
Áo Trắng số 16 (ra ngày 01-01-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận