18/06/2008 21:48 GMT+7

"Antigone Việt Nam" - sự kết hợp hoàn hảo

Bài, ảnh: LƯƠNG ĐÌNH KHOA
Bài, ảnh: LƯƠNG ĐÌNH KHOA

TTO - Nằm trong loạt chương trình liên hoan sáng tạo đương đại nhiều loại hình nghệ thuật Pháp - Việt mang tên “Mùa xuân nước Pháp” lần 2 tại Hà Nội, tối 17-6-2008 tại Nhà hát tuồng Trung ương (51 Đường Thành, Hà Nội) đã trình diễn vở Antigone Việt Nam - vở kịch lịch sử kết hợp giữa nghệ thuật tuồng Việt Nam và kịch mặt nạ Pháp của đạo diễn kiêm tác giả kịch bản Alain Destandau - giám đốc Nhà hát Monte-Charge (Pháp).

PXt4AdNl.jpgPhóng to wYxIuUyr.jpg
Một cảnh trong vở diễn Nghệ sĩ Lộc Huyền vai Antigone và nghệ sĩ Bestina Schneeberger vai cô của Antigone

Cách đây 5 năm, trong chuyến tham quan các nhà hát châu Á, hai vợ chồng nghệ sĩ Alain Destandau và Bestina Schneeberger đã dừng chân tại Nhà hát tuồng Việt Nam. Qua những buổi giao lưu tìm hiểu, hai nhà hát đã tìm ra được những đặc điểm tương đồng và phát triển, từ đó bắt đầu có những dự án biểu diễn và dàn dựng tiết mục. Được sự quan tâm của Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch và Bộ Văn hóa Cộng hòa Pháp, các dự án sáng tạo nghệ thuật này đã được hợp tác thành công tốt đẹp, tiêu biểu là thành công của hai vở diễn Vòng cátAntigone Việt Nam.

Vòng cát đã được công diễn hơn 100 buổi trong và ngoài nước, được khán giả hai nước Việt - Pháp hoan nghênh nhiệt liệt. Còn vở diễn Antigone Việt Nam đã được trình chiếu tại TP.HCM, tại Festival Huế 2008 và sẽ tiếp tục tham gia Liên hoan Avignon tại Pháp vào tháng bảy tới, đồng thời sẽ tham gia trong chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010.

Mượn tích chuyện về nàng Antigone châu Âu, Alain Destandau đã xây dựng nên nhân vật Tian dịu dàng mà mạnh mẽ, một mình đối diện với âm mưu cướp ngôi của người chú rể khi vua cha qua đời, đồng thời kiên tâm sống trọn vẹn với những giá trị mà mình tin tưởng.

Thời lượng của vở kịch không nhiều, chỉ gói gọn trong vòng 60 phút nhưng đó thật sự là một sự kết hợp hoàn hảo, một lao động nghệ thuật đáng được ghi nhận của diễn viên Nhà hát tuồng Việt Nam và Nhà hát Monte-Charge (Pháp).

TbZ0h1NP.jpgPhóng to
Trước giờ công diễn

Thành công đầu tiên của vở diễn có lẽ phải kể đến sự kết hợp hoàn hảo của hai ngôn ngữ Việt - Pháp trong cùng một vở kịch. Diễn viên của mỗi nhà hát khi diễn đều sử dụng tiếng nói của dân tộc mình, dễ gây khó khăn về rào cản ngôn ngữ cho khán giả hai nước khi theo dõi. Tuy nhiên, với Antigone Việt Nam điều đó đã được khắc phục và đạt hiệu quả một cách tối đa với lối dẫn dắt và sắp đặt, đan xen lời thoại khá uyển chuyển và hợp lý của tác giả kịch bản.

Bên cạnh đó, lối diễn xuất khá tự nhiên và hòa hợp của diễn viên hai nhà hát tạo nên một sự liền mạch, đồng thời làm nhòa dần đi rào cản về ngôn ngữ. Từng cử chỉ, lời nói cho đến trang phục… Tất cả đều thể hiện một sự kết hợp và mang tính dân tộc cao của hai nền văn hóa.

Chủ đề chính xuyên suốt vở kịch vẫn là niềm khao khát hơi thở tự do, vượt ra khỏi thứ đạo đức máy móc mà xã hội áp đặt; và diễn viên Lộc Huyền (thủ vai Antigone) chính là linh hồn và làm nên thành công cho đêm diễn. Khuôn mặt sáng và đẹp (vẻ đẹp đôn hậu của người phụ nữ Việt Nam), mái tóc dài, giọng nói trong trẻo của chị đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng những người xem về một nàng Antigone thuần Việt đằm thắm, dịu dàng và kín đáo, xóa nhòa đi hình ảnh của nàng Antigone châu Âu như trong kịch bản gốc ban đầu.

Những cung bậc tình cảm đối lập nhau được diễn viên Lộc Huyền diễn tả và biểu đạt khá tốt: từ hình ảnh của một nàng công chúa nhí nhảnh, hồn nhiên với nụ cười thánh thiện như một thiên thần trên môi cho đến hình ảnh của một người em gái trong sự tê tái, đau đớn đến tột cùng, cất lên những tiếng khóc bi ai trước cái chết oan nghiệt của hai người anh trai…

Trong nguyên tác, kết thúc vở kịch, Tian chấp nhận cái chết, đi theo hai người anh, nhưng với Antigone Việt Nam thì nhân vật trung tâm của vở kịch không chết mà lạc quan hướng tới tương lai… Có thể nói, Tian chính là sự tôn vinh hình ảnh của phụ nữ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành lại hòa bình và hạnh phúc cho dân tộc.

Ấn tượng đọng lại với một nửa số khán giả là người Pháp trong đêm diễn có lẽ còn là dàn trống tuồng cùng việc sử dụng âm thanh của nó một cách tài tình và hiệu quả trên sân khấu; kết hợp với tiếng đàn bầu dân tộc của Việt Nam vọng lên ở những lớp kịch có tính chất bi tráng để góp phần tạo nên không khí vở kịch cùng những cung bậc cảm xúc khác nhau cho người xem.

Cũng tại đêm diễn này, nhằm ghi nhận những thành tích, sự đóng góp trong việc đưa nghệ thuật tuồng Việt Nam đến với khán giả quốc tế, NSND Lê Tiến Thọ - thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao va du lịch đã trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa thể thao và du lịch” cho hai vợ chồng nghệ sĩ Alain Destandau và Bestina Schneeberger.

PXt4AdNl.jpgPhóng to wYxIuUyr.jpg
Một cảnh trong vở diễn Nghệ sĩ Lộc Huyền vai Antigone và nghệ sĩ Bestina Schneeberger vai cô của Antigone

Có thể nói, với những sự trao đổi sáng tạo và cách tân, Antigone Việt Nam nói riêng và chương trình “Mùa xuân nước Pháp” lần thứ 2 tại Hà Nội nói chung đã giới thiệu được những nét mới nhất của sáng tạo đương đại Pháp - Việt trong lĩnh vực sân khấu và nghệ thuật thị giác.

Sự đa dạng trong các hình thức biểu đạt đương đại gắn với tính năng động trong hợp tác văn hóa giữa hai đất nước Pháp - Việt được phản ánh phong phú tại Hà Nội thông qua các chương trình độc đáo, nhiều màu sắc đã đáp ứng được sự mong đợi cũng như làm thỏa trí tò mò của một công chúng sành điệu, khó tính, luôn muốn đón nhận cái mới của Việt Nam.

Bài, ảnh: LƯƠNG ĐÌNH KHOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên