14/05/2006 13:05 GMT+7

Ánh Tuyết đi tìm jazz

THIÊN THẠCH
THIÊN THẠCH

TTCT - Hơn một thập kỷ nay Ánh Tuyết đã được “đóng khung” trong tà áo dài tha thướt, hát những giai điệu trữ tình bằng một giọng nữ cao không lẫn vào đâu được. Dường như cũng đã đến lúc chị đảo ngược “định nghĩa” về mình.

FviDs5lJ.jpgPhóng to
TTCT - Hơn một thập kỷ nay Ánh Tuyết đã được “đóng khung” trong tà áo dài tha thướt, hát những giai điệu trữ tình bằng một giọng nữ cao không lẫn vào đâu được. Dường như cũng đã đến lúc chị đảo ngược “định nghĩa” về mình.

Sự ra mắt của Đi tìm, album đầu tiên mang âm hưởng jazz của Ánh Tuyết, thể hiện thêm những khía cạnh mới trong giọng hát chị: trầm lắng và bứt phá. Với Ánh Tuyết, jazz không chỉ là một phong cách âm nhạc mà còn thể hiện những biến chuyển trong đời sống của chị.

Đi tìm jazz ở tuổi 45

Từ hồi ở Đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng và Hải Đăng (Khánh Hòa), Ánh Tuyết đã tỏa sáng như một giọng nữ đa phong cách: mềm mại trong Thương em chín đợi mười chờ (HCV Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc 1983), đằm thắm trong Viếng lăng Bác (HCV 1985), lí lắc trong liên khúc dân ca Đố tôm đố cá, Bà rằng bà rí, và đặc biệt “bốc lửa” trong những bản pop - rock Hãy đàn lên, Trị An âm vang mùa xuân... Hồi đó, chị không ngại bỏ ra cả năm chỉ để hát thuần thục một bài hát tiếng Anh (Joline, Treat me right).

Năm 1990, bước vào TP.HCM, sàn diễn lớn mang tính chuyên nghiệp của cả nước, để tồn tại Ánh Tuyết buộc phải chuyên tâm vào dòng nhạc trữ tình - tiền chiến. Đó cũng là phong cách âm nhạc nổi trội nhất của chị cho tới nay. Không chỉ thành công nhất với trữ tình - tiền chiến, Ánh Tuyết còn góp phần khơi dậy sự quan tâm của công chúng với dòng nhạc này.

Hàng loạt ca khúc “lạ” trong kho tàng tiền chiến được chị thể hiện trong những chương trình ca nhạc hằng tuần tại tụ điểm ATB, trên sân khấu lớn của nhà hát Hòa Bình (TP.HCM), Cung văn hóa Hữu nghị (Hà Nội) hay trên kênh truyền hình VTV3 trong loạt chương trình Ký ức thời gian.

Chị ghi dấu ấn Ánh Tuyết lên những tác phẩm để đời của Văn Cao như Thiên thai, Suối mơ, Mùa xuân đầu tiên... cũng như Hội trùng dương của Phạm Đình Chương hay Ô mê ly của Văn Phụng... Cho đến chương trình “35 năm sống và hát” được tổ chức có phần khiêm tốn tại TP.HCM cuối 2005, những tưởng Ánh Tuyết đã yên vị trên đỉnh cao gần như không có ai tranh chấp. Nhưng không, chị khởi hành chinh phục một đỉnh khác ở tuổi 45!

Một tuần trước khi diễn ra chương trình kỷ niệm 35 năm sự nghiệp (đúng ra là 33 năm kể từ khi đoạt giải nhất toàn miền Nam năm 12 tuổi), Ánh Tuyết vào phòng thu dự định làm nốt album Đi tìm đến lúc đó đã kéo dài hơn một năm. Và bản thân chị cũng không ngờ toàn bộ chín bài hát trong Đi tìm đã được thu trọn vẹn trong bốn tiếng đồng hồ làm việc liên tục. Trong cơn hứng khởi buổi chiều hôm ấy, Ánh Tuyết đã không ngần ngại cho xóa toàn bộ những gì được thu trước đó.

Hậu quả là đến đêm cuối của chương trình “35 năm sống và hát”, Ánh Tuyết hát bằng... nhiệt huyết là chính! Nhưng qua đó chị mới hay: “Khán giả khi đã tri âm với mình rồi thì đúng là cỡ nào họ cũng nghe, cỡ nào họ cũng chấp nhận! Ngộ lắm, họ chấp nhận qua nhiệt huyết của mình. Chứ nếu mình đã mệt mà còn thiếu nhiệt huyết nữa thì...”.

Ngọn lửa nhạc nhẹ hóa ra vẫn âm ỉ cháy bên trong tà áo dài chấm gót và giờ đây nó chuyển hóa thành jazz. Mang logic của cuộc sống vào âm nhạc, theo Ánh Tuyết, phải đến một độ chín muồi nào đó người ta mới hát được hoặc cảm nhận được jazz.

“Hát jazz giống như được giải tỏa! Dường như nó gần với tâm trạng con người mình hơn...”. Lời chim, Đi tìm - hai sáng tác của Trần Dũng đã được Ánh Tuyết hát ở Hội An, Nha Trang... vào độ tuổi 19, 20 với một phong cách có phần dữ dội của rock lần này được jazz hóa. “Rock là nói cái gì mình muốn nói, nói rất rõ, có gì nói luôn! Còn jazz là phải biết kìm nén, nói đúng lúc, nói cho tới và nói cho sâu, thâm thúy, mà nén thì phải nén tận cùng” - Ánh Tuyết cho hay.

Cô bé bán cơm theo nghề ca hát

7NG78Yia.jpgPhóng to
Ánh Tuyết năm 23 tuổi
Ánh Tuyết là cô con gái duy nhất trong một gia đình có năm người con mà Trần Dũng là anh cả. Năm anh em đều thừa hưởng niềm đam mê âm nhạc của ba mẹ. Ngoài công việc của một huấn luyện viên môn bắn súng, ba của Ánh Tuyết chơi guitar và chơi được cả cải lương trên mandolin.

Mẹ chị cũng chơi mandolin và tham gia văn nghệ trong thời gian làm giao liên ở chiến khu. Trần Dũng dạy các em trai chơi trống, chơi guitar, dạy hát cho em gái. Cô bé Tiết (Ánh Tuyết tên thật là Trần Thị Tiết) trong những năm 1974-1976 đã có hẳn một ban nhạc gia đình đệm cho hát.

Năm 17 tuổi, Ánh Tuyết cùng lúc trúng tuyển vào Đoàn Dân ca kịch và Đoàn Ca múa nhạc của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, ít lâu sau trúng tiếp hệ trung cấp khoa thanh nhạc Đại học Nghệ thuật Huế.

Khi đó Trần Dũng đang chơi trống ở Đoàn Dân ca kịch. Ánh Tuyết được hướng sang Đoàn Ca múa nhạc, nhưng chỉ sau chưa đầy năm về đoàn, tốp ca nữ trong đó có Ánh Tuyết bị giải thể.

Đã trễ thời điểm nhập học trung cấp thanh nhạc gần hai tháng, nhưng nhớ lời thầy cô khích lệ Ánh Tuyết vẫn gửi hồ sơ nhờ anh đi nộp hộ. Trường “nhớ” giọng hát Ánh Tuyết nên nhận ngay. Thời kỳ đó việc đi lại từ Đà Nẵng ra Huế còn khó khăn. Ánh Tuyết nói: “Nếu anh Dũng không cầm giấy tờ ra Huế nộp cho tôi đi học thì tôi về bán cơm rồi!”. Hồi nhỏ ở Hội An, cô bé Tiết đã có thời gian nghỉ học gánh cơm ra chợ cho mẹ bán...

“Mê nghệ thuật nhưng không có điều kiện theo nghệ thuật hoàn toàn, cả nhà phải lo kiếm sống, làm đủ thứ nghề. Cuối cùng, nghệ thuật dù là phụ mà lại không bỏ được. Nó ở trong máu của mình!”. Đến hôm nay, Ánh Tuyết không chỉ làm chủ phòng trà ATB mà còn vững vàng trên ghế giám đốc Công ty xây dựng ATC.

Lời chimĐi tìm là hai sáng tác “bất thường” trong phong cách âm nhạc của Trần Dũng vốn thiên về trữ tình. Tốt nghiệp khoa lý luận Nhạc viện TP.HCM vào giữa những năm 1980, năm 1982 Trần Dũng từng đoạt giải A Hội Nhạc sĩ VN với bài Em ơi còn nhớ dựa trên chất liệu bài chòi Quảng Nam. Năm 1994, Ánh Tuyết và gia đình đã làm một album tác giả (dạng cassette) cho Trần Dũng vì anh bị ung thư, không ai nghĩ sẽ qua khỏi.

Nhưng điều kỳ lạ đã xảy ra... Hiện Trần Dũng là giảng viên Đại học Sư phạm TP.HCM. Hỏi vì sao đến bây giờ mới chịu “lăngxê” anh, Ánh Tuyết nói: “Tại tôi muốn người ngoài hát trước cho công bằng!”.

Đàm Vĩnh Hưng đã đến xin Lời chimĐi tìm nhưng mãi không thấy hát, Ánh Tuyết “đành” ra đĩa trước. Và hai bài hát “của nhà” đã làm nên bản sắc cho đĩa nhạc giữa những bài đã rất quen thuộc của Trịnh Công Sơn (Vết lăn trầm, Hãy khóc đi em), Phạm Đình Chương (Xóm đêm), Ngọc Bích (Trở về bến mơ), Nguyễn Ánh 9 (Mùa thu cánh nâu, Buồn ơi chào mi) và một tác giả “đương đại” là Quốc Trường (Những phút giây qua).

Đi tìm giống như một kiểu “nghỉ xả hơi” của giọng hát Ánh Tuyết sau thời gian tương đối dài cống hiến cho nhạc trữ tình - tiền chiến. Khi nghe Ánh Tuyết hát bằng giọng thật, vào tầm nữ trung, đanh và gọn, khác hẳn với vẻ lả lướt trước đây khi hát với giọng cao, người nghe cũng được... đổi gió.

Các bài hát trong Đi tìm được chọn lọc kỹ qua năm tháng, là sự pha trộn vừa phải của jazz với rock, blues, swing và cả bán cổ điển, tạo nên sự đa dạng, dễ nghe. Một tháng sau đợt phát hành đầu tiên đầy khả quan với 5.000 bản, Ánh Tuyết đã rục rịch cho in lần hai. Chị còn định xả hơi dài dài bằng một album jazz thứ hai phát hành nay mai...

THIÊN THẠCH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên