05/07/2015 09:35 GMT+7

Ánh mắt

TRẦN NHÃ THỤY
TRẦN NHÃ THỤY

TT - Một nam thanh niên trẻ tuổi đi bán dạo đồ lạc xoong gồm dao, kéo, tuốcnơvít, khi ngang qua một vỉa hè thấy một nam thanh niên khác trạc tuổi mình, đang ngồi ăn cơm trưa nhưng lại nhìn mình bằng... ánh mắt khó ưa (!)

Không kiềm chế được, anh thanh niên bán lạc xoong lên tiếng: “Mày nhìn đểu gì tao thế?”. Anh đang ngồi ăn cơm cũng không vừa đốp lại: “Tao không nhìn gì mày cả, bộ mày muốn cà khịa hả?”. Thế là anh chàng bán lạc xoong rút ra một con dao nhảy vào đâm anh chàng kia lòi ruột ra ngoài, chết trên đường đến bệnh viện.

Đó là mẩu tin mà tôi tình cờ đọc được trên báo. Vụ việc xảy ra ở Sài Gòn, giữa ban ngày, khi cả hai thanh niên đều không có biểu hiện say xỉn hay ma túy. Vậy điều gì khiến hai thanh niên vốn chưa từng quen biết, cũng không va chạm gì nhau lại bỗng gây ra một án mạng? Có lẽ không gì khác hơn đó là ánh mắt, mà ở đây người trong cuộc gọi là... nhìn đểu (?)

Thử vào Google gõ cụm từ “giết người vì nhìn đểu” lập tức cho ra 2.260 kết quả trong 0,11 giây. Một kết quả phải nói là khủng khiếp!

Có không biết bao nhiêu câu chuyện, tức có rất nhiều án mạng chỉ vì cho rằng đối phương... nhìn đểu mình. Tôi không muốn kể thêm ra đây vì thấy hầu hết xung đột đều khá... lãng xẹt, nhưng hậu quả lại khá thảm khốc, nặng nề. Thậm chí, nhiều trường hợp phải nói là vô cùng man rợ.

Nhưng sao con người ta có thể giết nhau chỉ vì một cái nhìn? Và nhìn đểu là nhìn như thế nào?

Từ điển tiếng Việt chỉ giải nghĩa chữ “nhìn”, đại ý là “để mắt mà trông” và chỉ mở rộng thêm các cụm từ như “nhìn nhận”, “nhìn xa trông rộng”... chứ không có từ “nhìn đểu”. Nhưng hàm nghĩa của “nhìn đểu” thì chắc là ai cũng biết.

“Nhìn đểu” đương nhiên là một cái nhìn không bình thường mà biểu lộ sự xem thường, giễu cợt hay xúc phạm. Thay vì nói bằng lời, con người ta nói bằng ánh mắt. Một ánh mắt khinh khỉnh. Một ánh mắt soi mói. Một ánh mắt cười cợt. Tất cả có thể được xem là “nhìn đểu”.

Thông điệp của những cái nhìn đểu ấy là gì? Là: “mày đi chết đi”, “mày là kẻ tầm thường”, “đồ vớ vẩn”, “biến đi”... Khi nhận được thông điệp gây hấn đó, kẻ đối diện đương nhiên sẽ đùng đùng nổi giận. Bởi ánh mắt không chỉ là truyền đi lời nói mà còn mang theo dòng điện. Người ta nói ánh mắt có lửa hay có sức hủy diệt là vậy.

Nhưng tại sao hai con người trước đó hoàn toàn không quen biết gì nhau, lại có thể nhìn đểu nhau? Điều này quả thật hơi khó hiểu. Trên tinh thần khoa học thì chính bộ não mới có chức năng nhìn nhận, phân tích; còn đôi mắt chỉ là nơi ghi nhận hình ảnh mà thôi. Cho nên nếu muốn xem thường ai đó thì chí ít ra phải biết người đó là ai, làm gì hoặc người đó đang có hành động gì có thể khiến ta... “uýnh giá thấp”.

Theo quan sát của tôi, hầu hết những án mạng do “nhìn đểu” đều bắt nguồn từ sự ngộ nhận. Nhiều khi chỉ là một cái nhìn tình cờ, một ánh mắt đi lạc, một cái nhìn vu vơ... cũng bị xem là “nhìn đểu”. Như một cái lò xo bị dồn chặt, như có một sự tổn thương bị đè nén, như một chất gây cháy chỉ chực chờ một hơi lửa..., thế là những cơn giận bốc lên, kèm theo hành động mất kiểm soát, cuối cùng là án mạng tức tưởi.

Tôi hỏi một người bạn sống ở Pháp và một người bạn sống ở Mỹ rằng: “Ở bên bển có xảy ra chuyện giết người hoặc choảng nhau vì... nhìn đểu hay không” thì câu trả lời là “chưa nghe thấy”. Hai người bạn cũng giải thích thêm là người nước ngoài khi mới lần đầu gặp nhau, hoặc tình cờ chạm mặt nhau, dù không vồn vã họ vẫn biểu lộ ánh mắt thân thiện, tôn trọng.

Ở những trường hợp tránh bộc lộ ánh mắt trực diện hoặc muốn giấu đi ánh mắt của mình thì họ... đeo kính râm. Thế là xong. Tôi nghĩ đây là một bài học về cách ứng xử cộng đồng mà lâu nay chúng ta hầu như không thật sự lưu ý.

Vì sao cũng là một ánh mắt, không thể là ánh mắt tôn trọng, thân thiện? Bạn có thể bao dung không, ít nhất từ một ánh nhìn?

TRẦN NHÃ THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên