Sau đó Nhạn mới tất tả tắm gội ôm sách đến trường. Tưởng chỉ qua được cấp hai là đã quá sức rồi bởi ở xã lúc ấy chưa có trường cấp ba, muốn đi học cấp ba phải lên huyện, xa mười sáu cây số làm sao mà đi! Nhưng từ ngày xã kéo điện về, Nhạn đã gần xong lớp 9, xã tiếp tục xây dựng trường cấp ba. Mẹ quyết định cho Nhạn học tiếp vì trường gần nhà mà Nhạn lại là học sinh giỏi, nghỉ thì uổng quá! Như thế, Nhạn vừa học vừa giúp mẹ.
![]() |
Minh họa: Duy Nguyên |
Ngày nghỉ, Nhạn còn đi cào lá thông, lượm hột thông chụm lửa.
Suốt ba năm trung học Nhạn chỉ có vỏn vẹn hai cái áo dài trắng, một cái mẹ chắt chiu may, một cái Nhạn dành dụm tiền bán cá, bán ghẹ để sắm.
Cuộc sống thầm lặng trôi đi với mẹ con Nhạn - một góa phụ hiền hòa, nghèo nàn nhưng rất được xóm giềng yêu mến, nhất là với Nhạn - một cô bé siêng năng, chăm chỉ và học giỏi. Hàng xóm thường trầm trồ sau lưng mẹ Nhạn: “Mẹ cú mà đẻ con tiên!”, thật lạ đời! Mặc ai nói gì thì nói, mẹ con Nhạn cứ âm thầm sống an phận thủ thường bên nhau, lặng lẽ yêu thương, đùm bọc nhau bên làng chài êm ả…
Hết cấp ba, Nhạn định không thi đại học, nghỉ ở nhà đi học may hoặc học nghề uốn tóc để đi làm giúp mẹ bởi mẹ Nhạn cũng chẳng còn trẻ gì. Bốn mươi sáu tuổi đối với một thiếu phụ nghèo nàn, cực khổ, rõ ràng mẹ già khọm đi rất nhiều. Nhưng bạn bè và nhất là mẹ khuyên Nhạn nên thi đại học, thà rớt thì nghỉ chứ ai lại không thi uổng công học tập bấy lâu! Bạn bè mua hồ sơ, làm đơn gởi cho Nhạn thi hai trường.
Ngày nhận phiếu báo danh, Nhạn rưng rưng nước mắt, nghĩ mà thương bạn bè, nghĩ mà tội cho mẹ, tiền đâu cho Nhạn đi lên tận thành phố dự thi! Thế rồi, việc gì đến phải đến. Nhạn cũng được lên thành phố ứng thí bằng những đồng bạc chạy vạy, vay mượn của mẹ và sự hỗ trợ của bạn bè cùng lớp. Tuy nhiên, Nhạn chỉ đủ khả năng kinh tế để ăn ở và thi có một trường Bách khoa, còn lại trường Kinh tế Nhạn đành bỏ.
Những ngày về quê sau khi thi xong, bạn bè đến hỏi, Nhạn chỉ buồn buồn. Và với mẹ, Nhạn nói có thể rớt bởi con làm bài không được. Nhạn định sẽ đi học nghề… Cho đến một hôm, đám bạn ùn kéo đến nhà Nhạn báo tin mừng: Nhạn đã đậu vào trường Bách khoa. Nhạn không mừng, bình tĩnh lạ lùng. Mẹ Nhạn thì khóc thút thít, không hiểu khóc vì mừng hay vì lo! Nhạn an ủi mẹ bằng cách nói với mẹ: “Mấy đứa bạn con nói giỡn đó mẹ. Con sẽ đi học nghề uốn tóc. Con đã xin tiệm chị Phiên ở ngoài huyện rồi, chị đồng ý và cho ở nuôi ăn luôn. Từ nay, mẹ sẽ không phải lo cho con nữa”.
Nhưng đến hôm anh văn thư của xã mang giấy báo nhập học của Nhạn đến nhà, thì nỗi mừng vui mới thật sự hiện lên mắt mẹ với hai dòng nước chảy dài xuống má. Còn riêng Nhạn, tâm trạng lúc ấy không biết như thế nào. Chính bản thân Nhạn không hiểu được mình . Đúng ra thì mừng vui cũng có mà nỗi lo thì lớn hơn nên Nhạn càng trầm lặng, suy tư… khó hiểu! Mẹ biết được nỗi lo của Nhạn nên tìm hỏi mấy đứa bạn cùng lớp, các bạn nói cho mẹ Nhạn rõ là Nhạn đậu với số điểm cao nên được hưởng tiêu chuẩn học bổng, chỉ phải đóng ít tiền khi nhập học và lo ăn hàng tháng .
Ngày nhập học, mẹ đưa Nhạn đến tận cổng trường, giống như hồi lớp một. Không biết tự lúc nào và ở đâu mà mẹ Nhạn lo chu tất các khoản tiền đóng cho nhà trường, thuê phòng ở ký túc xá cho Nhạn đầy đủ. Mấy đứa bạn cùng lớp với Nhạn, dường như hướng dẫn cho mẹ Nhạn lo rất hoàn chỉnh và chu đáo.
Mặc dù không đầy đủ như các bạn nhà giàu nhưng Nhạn cũng đã an tâm vào đại học. Hàng tháng Nhạn vẫn nhận tiền từ mẹ mang đến tận trường, có khi mẹ còn cho Nhạn thêm chút đỉnh sắm sửa lặt vặt riêng của… con gái. Mấy lần, Nhạn định về quê nhưng mẹ không cho, mẹ nói Nhạn phải tập trung để học. Hàng tháng mẹ đến thăm Nhạn rất đúng ngày chứng tỏ là mẹ vẫn khỏe và làm ăn thư thới hơn trước! Còn Nhạn thì cũng sợ đi, về tốn tiền xe cộ, tội cho mẹ. Nhạn nói với mẹ: “Tết con phải về”. Mẹ ừ và hứa sẽ đến đón Nhạn về ăn Tết!
Không biết tại sao mà mẹ biết rõ ngày nghỉ. Nhạn định thu dọn về quê thì mẹ đã đến đón tận trường. Mẹ biểu Nhạn không cần phải mang đồ về nhiều, cũng không nên mua quà cáp tốn kém vô ích. Nhạn rất lấy làm lạ vì thái độ vui vẻ của mẹ, hôm nay trông mẹ trẻ ra hàng chục tuổi. Càng ngạc nhiên hơn khi mẹ bảo xích lô chở mẹ con đi về hướng trung tâm thành phố thay vì ra bến xe về tỉnh.
Lạ lùng hơn là khi mẹ dẫn Nhạn vào một con hẻm, tiến đến ngôi nhà ngói rộng tọa lạc ở một khuôn viên tương đối lớn và đẩy cổng đưa Nhạn đi thẳng vào nhà sau, đến căn phòng hơi chật nhưng rất sạch sẽ, ngăn nắp… Nhạn vừa định hỏi thì mẹ đã nói: “Đây là nhà ông bà Phùng, một người tốt bụng đã nhận mẹ vào giúp việc quản gia khi con lên học được hai tháng. Lúc đó, mẹ phải bán ngôi nhà tranh ở quê được một chỉ vàng, lên thành phố xin làm người giúp việc để kiếm tiền, chỉ có cách ấy mới đủ tiền và được gần gũi, lo lắng cho con ăn học ở đại học. Mẹ định xong việc học của con, mẹ sẽ lại về quê mình sống”.
“Tết này, mẹ con mình ăn Tết xứ người, mong con đừng buồn nghe”. Nhạn đứng lặng cả người, bỗng dưng nghe mằn mặn ở bờ môi, mới hay hai giọt nước mắt lăn qua gò má ngấm vào miệng luồn đến buồng tim đang thổn thức một nỗi niềm khó tả!
Ngoài kia, mùa xuân chầm chậm đi qua…
Áo Trắng số Tất Niên (số 1) ra ngày 15/01/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận