27/03/2004 06:44 GMT+7

Ai sẽ là "đối thủ đáng gờm"?

NGUYỄN PHAN
NGUYỄN PHAN

TT - Sau khi Bộ GD-ĐT có quyết định bỏ giới hạn ưu tiên khu vực trong tuyển sinh, tính cạnh tranh của kỳ thi này dường như quyết liệt hơn bao giờ hết.

8dMoV70C.jpgPhóng to
HS Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh, Nghệ An nộp hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ 2004. Năm 2003, tỉnh này có 9.064/73.012 thí sinh trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ - Ảnh: Vũ Toàn
TT - Sau khi Bộ GD-ĐT có quyết định bỏ giới hạn ưu tiên khu vực trong tuyển sinh, tính cạnh tranh của kỳ thi này dường như quyết liệt hơn bao giờ hết.

“Cuộc đua” vào ĐH vì thế sẽ căng thẳng hơn vì ai cũng như ai. Nhưng sẽ không còn cảnh “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”, không còn câu hỏi đầy nỗi niềm: “Tại sao điểm thi tôi cao hơn mà lại không trúng tuyển?”... như những mùa thi trước.

Những nỗi lo không thường trực!

Những trường ĐH ở khu vực TP.HCM trước đây nếu tuyển sinh cả nước thì thường chỉ tính ưu tiên khu vực cho thí sinh (TS) từ tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận trở vào và các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Kontum. TS nào có hộ khẩu thường trú ngoài khu vực trên coi như là HSPT-KV3, tức không được hưởng ưu tiên gì cả.

Còn bây giờ, tất cả TS khi dự thi vào các trường này, cho dù ở đâu, nếu thuộc khu vực ưu tiên thì đều được hưởng chính sách này. Quyết định hơi đột ngột này phần nào đã gây sốc cho các trường, nhất là những trường có lượng SV được hưởng chế độ chính sách miễn giảm học phí nhiều, chắc chắn số này sẽ tăng thêm. Và như vậy trường đã “nghèo” lại càng “khổ” hơn vì phải “gánh” thêm danh sách SV thuộc diện miễn giảm học phí.

Một nỗi lo lắng nữa đến từ các trường là sợ một số vùng miền sẽ có ít TS trúng tuyển, không đảm bảo cơ cấu vùng, miền. TS ở một số vùng như Tây nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ... sẽ khó có cơ hội vào ĐH trước lượng TS thuộc “vùng hiếu học” miền Trung, hay các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội... Ngoài ra các ĐH vùng như Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Tây nguyên, Đà Lạt, Cần Thơ… sẽ giảm bớt lượng TS đăng ký dự thi vì thi ở đâu cũng được ưu tiên như nhau.

Tuy nhiên những nỗi lo lắng ấy chỉ là thoáng qua và không thường trực, vì chất lượng đầu vào mới là ý nghĩa đích thực của một kỳ thi tuyển sinh. TS giữa các vùng miền sẽ bắt đầu cạnh tranh nhau trong thế không khoan nhượng để được đặt chân vào giảng đường ĐH. Và bù lại, các trường lại có cơ hội tuyển chọn đầu vào có chất lượng hơn, khi mà “ai cũng được ưu tiên như nhau” cho nên ai có điểm cao hơn người đó sẽ có cơ hội trúng tuyển nhiều hơn. Sẽ giảm bớt những câu hỏi đầy ấm ức mà năm nào Tuổi Trẻ cũng nhận được: “Điểm tôi cao hơn sao không trúng tuyển, trong khi nhiều người khác thấp điểm hơn lại trúng tuyển?”.

Miền Trung: đối thủ số 1?

Tại Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), theo thống kê hằng năm, có khoảng 1/2 lượng TS trúng tuyển vào trường có hộ khẩu thường trú tại miền Trung. Lúc ấy TS thuộc khu vực miền Trung còn chưa được hưởng ưu tiên, nay được hưởng ưu tiên thì quả là “đối thủ đáng gờm” đối với TS ở các vùng miền khác.

Chỉ cần con số của riêng ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thôi, lượng TS trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ 2003 đã là 22.865, nhiều hơn cả lượng TS trúng tuyển của 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (22.107). Phó giám đốc ÐHQG TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, cũng nhìn nhận: “Nhìn trên số liệu thống kê thì lượng TS trúng tuyển vào ĐHQG TP.HCM có hộ khẩu ở Thanh Hóa, Nghệ An khá nhiều”.

Thậm chí các trường khi trao đổi với Tuổi Trẻ còn “lo lắng” cả ở NV2, vì thông thường điểm thi của TS ở khu vực phía Bắc và miền Trung cũng cao hơn phía Nam. Khi các trường phía Nam tiếp tục xét tuyển NV2 thì lượng TS này sẽ “đổ bộ” vào và tiếp tục cạnh tranh với các TS khu vực miền Nam.

Trong khi đó, từ Quảng Bình vào đến tỉnh Bình Thuận (bao gồm 12 tỉnh) cũng có đến 28.487 TS trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ trong kỳ tuyển sinh 2003. Ngoài ra, một tỉnh khác là Lâm Đồng cũng là một đối thủ đáng lưu ý khi cũng có đến 4.003 TS trúng tuyển trong năm 2003 (chiếm 26,4% số TS đăng ký dự thi); nghĩa là cứ 100 TS đăng ký dự thi thì có khoảng hơn 26 TS trúng tuyển.

Một mùa tuyển sinh hứa hẹn nhiều căng thẳng và đầy thử thách đối với TS.

NGUYỄN PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên