![]() |
Thông tin về trang phục trong phim "Công nghệ lăngxê" không được quan tâm |
Không có kinh phí trang phục, cũng chẳng có họa sĩ thiết kế trang phục. Tình hình này rồi sẽ khác đi?
Một xu hướng
Bộ phim Công ty thời trang đang quay của đạo diễn Đinh Đức Liêm đã huy động khá đông lực lượng tài trợ thời trang. Công ty may thời trang Sanding cung cấp chủ yếu trang phục công sở cho các nhân vật và số lượng lớn quần áo trong những cảnh quay biểu diễn thời trang lên đến vài trăm bộ.
Nhãn hiệu Hồng Ty đảm nhiệm khoảng 70-80 bộ quần áo cho bốn nhân vật chính. Trần Dexnol, chỉ mới 23 tuổi, cũng tham gia tài trợ gần cả trăm trang phục. Nhà thiết kế trẻ Công Khanh nhận thiết kế, thực hiện từ A-Z bộ sưu tập gồm 10 bộ trang phục đoạt giải nhất trong phim. Ngoài ra, nhiều bộ phim sắp khởi quay cũng đang tính chuyện tìm tài trợ trang phục…
Có thể nói chuyện hỗ trợ quần áo cho các diễn viên gần như đã trở thành xu hướng. Xu hướng này mở màn vào tháng bảy năm trước: tại khách sạn New World đã có cuộc họp báo giới thiệu “lần đầu tiên có một công ty thời trang tài trợ và thiết kế trang phục cho một bộ phim truyền hình VN”. Khoảng 300 bộ trang phục đã được Công ty thời trang Nino-Maxx đưa đến đoàn làm phim Dốc tình.
Sự kiện này tạo ra sự kích thích, cạnh tranh ngầm trong giới thời trang, còn giới làm phim cũng bắt đầu quan tâm đến một nguồn đầu tư mới. Đầu tháng 9-2003, nhà thiết kế Võ Việt Chung tung ra thông tin: đạo diễn Lê Hoàng mời anh tài trợ trang phục độc quyền cho phần 2 bộ phim rất ăn khách Gái nhảy. Anh cho biết đã cung cấp khoảng 50 bộ trang phục cho Lọ Lem hè phố.
Liền sau đó nhãn hiệu thời trang nam Nguyễn Long tài trợ trang phục cho Công nghệ lăngxê. Phim này gặp sự cố ngay từ đầu nên thông tin về phần trang phục không được quan tâm. Tiếp theo là phim Những cô gái chân dài. Một người thiết kế trẻ đã gọi cho đạo diễn vốn là dân quen biết trong giới để xí phần tài trợ thời trang.
Tiết kiệm kinh phí hay chuyên nghiệp?
Các hãng phim Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan hiện nay khi tung ra một bộ phim về giới trẻ đều chú trọng khâu thiết kế quần áo, gọi là tạo hình nhân vật, với những bản vẽ maquette trước hẳn hoi. Thế nên cùng với sự thành công vang dội của Chuyện tình mùa đông, mái tóc gió bay, chiếc kính trắng và kiểu áo sơmi màu nổi của Bae Yong Joon trong phim (từng được nhà sản xuất cân nhắc, đổi tới đổi lui trước khi cho xuất hiện) đã tạo một trào lưu thật sự ở cả giới trẻ lẫn giới nghệ sĩ châu Á. |
Quần áo chủ yếu là đồ thun, jean, kaki, cho rằng không hợp nên khá nhiều diễn viên đã tự mặc trang phục của mình. Nhiều diễn viên trong Lọ Lem hè phố cũng nói rằng một số quần áo tài trợ không hợp nên phải đi mua, đi mượn đồ mặc để lên phim.
Càng không có chuyện lên maquette trang phục trước cho phim. Trang phục tài trợ cho phim ta hiện nay một phần không nhỏ là đồ có sẵn của các nhãn hiệu sản xuất công nghiệp hoặc các bộ sưu tập đã công diễn của các nhà thiết kế.
Công ty lớn đưa đĩa hình những mẫu bộ phận thiết kế từng làm rồi cho đạo diễn chọn kiểu; nhà thiết kế thì đưa quần áo sẵn có đến cho đạo diễn chọn từng cái. Có, nhưng rất hạn chế việc thiết kế riêng theo yêu cầu của đạo diễn.
Các đoàn làm phim cho biết cái được từ tài trợ thời trang hiện nay là tiết kiệm không ít chi phí trang phục, chuyện phim có tài trợ thời trang cũng là yếu tố gây chú ý với người xem. Riêng tính chuyên nghiệp thì cả đoàn làm phim lẫn nhà tài trợ còn phải cố gắng nhiều lắm…
Biết rằng những bước khởi đầu bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế, song với xu hướng tích cực kết hợp giữa kinh doanh thời trang và phim ảnh, vẫn có hi vọng phim VN không chỉ ăn khách hơn mà còn tạo cơ hội cho thời trang VN làm bàn như với phim Hàn Quốc!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận