![]() |
Để tang ông Milosevic tại trụ sở Đảng Xã hội Serbia - Ảnh: AFP |
Liệu lịch sử sẽ phán xét và đưa ra đánh giá công bằng cho một nhà lãnh đạo mà cái chết cũng đầy kịch tính như sự biến mất của một nhà nước Nam Tư trên bản đồ thế giới?
Bị đầu độc?
Theo các hãng tin, ông Milosevic đã tắt thở trên giường ngủ tại buồng giam ở La Haye có thể trong khoảng từ 9 giờ đến 10 giờ sáng (giờ chính xác chưa được công bố) ngày 11-3. Ngay lập tức, Tòa án hình sự quốc tế xét xử các tội ác Nam Tư cũ (ICTY) đã ra lệnh điều tra nguyên nhân cái chết, cho biết đến thời điểm này “không có dấu hiệu gì cho rằng ông Milosevic tự tử” hoặc bị đầu độc. Tiếp đó, đại diện Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố cái chết của ông Milosevic là do những “nguyên nhân tự nhiên” .
Tuy nhiên, Reuters dẫn lời luật sư của ông Milosevic là Zdenko Tomanovic cho biết: “Hôm qua (tức ngày 10-3) Milosevic báo cho tôi rằng ông đã bị đầu độc” và cho uống nhầm thuốc chữa bệnh phong và bệnh lao. Chiều 11-3, Tomanovic đã gửi một yêu cầu chính thức tới tòa án yêu cầu giám định tử thi thân chủ của ông và việc giám định phải được thực hiện ở Matxcơva chứ không phải ở La Haye.
Tuy nhiên, đề nghị đã bị từ chối. Hôm qua, tại La Haye, thi hài Milosevic đã được hai chuyên gia của Viện Y luật La Haye mổ giám định với sự chứng kiến của ba chuyên gia giải phẫu bệnh lý: hai người Serbia và một người Nga.
Trả lời Interfax bằng điện thoại từ Belgrade, cố vấn luật của cựu tổng thống Slobodan Milosevic, ông Branko Rakic cho biết trước khi chết, ông Slobodan Milosevic có viết một bức thư gửi cho Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov: “Ngày thứ sáu, Milosevic gửi một bức thư tới Lavrov, chia sẻ nghi ngờ rằng đang có một chiến dịch chống lại sức khỏe của ông. Đó là thông điệp cuối cùng Milosevic gửi tới Matxcơva”. Tuy nhiên, đại diện thông tin của Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Kamynin nói Nga hiện chưa nhận được bức thư nào có nội dung này. |
Ông Milosevic có tiền sử bệnh tim, huyết áp cao và kể từ tháng 2-2002, các phiên tòa xử ông đã phải tạm đình những 22 lần. Những tháng gần đây ông Milosevic không được khỏe. Nhưng cứ mỗi lần ông than phiền lên tòa La Haye thì lại bị kết luận là tìm cớ để giảm nhẹ chế độ giam giữ và gây sức ép lên tòa án.
Tháng 11-2005, bị cáo Milosevic đã yêu cầu các quan tòa cho phép ông được vắng mặt sáu tuần - thời gian mà các bác sĩ tim mạch kết luận cần thiết để ông Milosevic được nghỉ ngơi (là một luật gia, Milosevic tự đứng ra bảo vệ mình dù không chấp nhận tính hợp pháp của ICTY). Tuy nhiên, tòa chỉ cho ông được nghỉ một tuần.
Đến ngày 12-12 năm ngoái, ông Milosevic đã yêu cầu tòa La Haye cho phép ông được tới Matxcơva điều trị ở Trung tâm phẫu thuật tim mạch A.N. Bakulyev. ICTY yêu cầu trước tiên ông phải trình cho tòa một kết luận y khoa về tình hình sức khỏe, sau đó phía Nga phải cam kết ông Milosevic sẽ quay lại La Haye.
Đáp ứng yêu cầu ICTY, các bác sĩ Nga, Serbia và Pháp đã đưa ra một kết quả y khoa khẳng định tình hình sức khỏe của ông Milosevic đang xấu đi. Ngày 16-1 năm nay, Bộ Ngoại giao Nga cũng chuyển tới các luật sư của ông Milosevic một thư bảo đảm sẽ đưa ông Milosevic về Hà Lan sau khi xong đợt điều trị.
Tuy nhiên, phía nguyên đơn lại kịch liệt chống đối chuyến đi chữa bệnh của ông Milosevic. Các công tố viên do bà Carla de Ponte đứng đầu nhắc rằng gia đình của bị cáo gồm bà vợ Mirjana và con trai Marko, anh trai Borislav (từng là cựu đại sứ Serbia tại Nga) của ông Milosevic cùng các cựu quan chức cao cấp Serbia khác đang lánh nạn chính trị tại Nga.
Những người chống đối cho rằng con tim ốm đau của ông Milosevic chỉ là cái cớ để ông trốn khỏi phiên tòa và ở lại Nga vĩnh viễn. Làm bằng cho các cáo buộc này, theo Kommersant, nghe đâu là một kết quả xét nghiệm máu Milosevic, cáo buộc ông Milosevic thường không chịu uống thuốc được phát theo toa mà lại sử dụng những thứ thuốc nào đó (không ai hiểu làm cách nào ông Milosevic bị giam cầm nghiêm ngặt lại có được những thuốc này!) rất nguy hiểm cho bệnh tình của ông.
Không hiểu đó có phải là nguyên nhân khiến yêu cầu của ông sang Nga chữa bệnh bị ICTY từ chối hồi tháng hai. Bộ Ngoại giao Nga ngày 25-2-2006 ra tuyên bố không hài lòng trước việc tòa La Haye không nhận sự bảo đảm của Nga.
“Tiếng thở phào của ICTY”?
Cái chết bất ngờ và còn nhiều uẩn khúc của ông Milosevic đã khiến dư luận Serbia lên tiếng. Lãnh đạo phe xã hội tại Quốc hội Serbia Ivitsa Danic nói:
“Milosevic đã bị giết một cách có hệ thống tại La Haye”. Thủ tướng Serbia V. Kostunica đòi ICTY phải có tường trình về sự cố bi thảm này. Báo chí Serbia ra ngày 12-3 đồng loạt đưa lên trang nhất tin ông Milosevic từ trần; phần lớn các báo đều qui trách nhiệm cho ICTY là “đã giết hại” ông, người đã bị giam giữ tại nhà tù của ICTY từ hơn bốn năm nay.
Tờ Novosti - nhật báo lớn nhất ở Serbia với hơn 200.000 độc giả thường xuyên - nói rằng “họ (tức ICTY) muốn giết chết ông bằng bất cứ giá nào và họ cũng sẽ tìm mọi cách để che giấu sự thật”.
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Nga G. Ziuganov chỉ ra những người phải chịu trách nhiệm trực tiếp về cái chết. “Sau bốn năm xét xử ở cái gọi là tòa án quốc tế xử “hồ sơ” Milosevic, các quan tòa thật sự đã rơi vào ngõ cụt. Và đối với những ai tổ chức phiên tòa nhục nhã này, cái chết của Milosevic là lối thoát khỏi tình hình bế tắc này”. Tướng Leonid Ivashyev của Nga nói cái chết của ông Milosevic là một vụ “giết người chính trị”.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer bày tỏ nuối tiếc do ông Milosevic chết trước khi phiên tòa kết thúc, vì “công lý đối với kẻ có tội đối với vô số nạn nhân của các cuộc chiến tranh Balkans vẫn chưa được thực hiện”.
Slobodan Milosevic và những cuộc chiến ở Nam Tư Sinh tại Pozarevac, Serbia ngày 20-4-1941, Slobodan Milosevic là con trai của một giáo sư thần học. Cha mẹ ông sau này đều chết vì tự tử. Năm 1964, ông tốt nghiệp Trường luật Belgrade và tham gia Đảng Cộng sản. Ông quen người vợ Mirjana từ thời trung học, sinh một trai, Marko, và một gái, Marija. Ông Milosevic leo dần lên chiếc ghế quyền lực ở Nam Tư (gồm sáu nước cộng hòa Slovenia, Croatia, Bosnia, Serbia, Montenegro và Macedonia - cộng thêm hai tỉnh tự trị của Serbia là Kosovo và Vojvodina) sau cái chết của nhà lãnh đạo Marshal Tito năm 1980. Năm 1986, ông trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Serbia. Năm 1989, ông trở thành tổng thống Serbia và bãi bỏ qui chế tự trị của tỉnh Kosovo. Năm 1991, Croatia và Slovenia tuyên bố độc lập khỏi Nam Tư. Quân đội Nam Tư, khi đó do Serbia nắm giữ, đưa xe tăng đến biên giới Slovenia. Tuy nhiên cái giá của chiến tranh là rất đắt. Khoảng 20.000 người chết và 400.000 người mất nhà cửa. LHQ cũng bắt đầu cấm vận kinh tế Serbia. Đầu năm 1992, ông đạt thỏa thuận ngừng bắn với Croatia. Nhưng đến tháng tư, Bosnia tuyên bố độc lập sau một cuộc trưng cầu dân ý. Bạo loạn bùng nổ ở Bosnia và ông Milosevic hậu thuẫn những người Serbia ở Bosnia. Cuộc chiến kéo dài ba năm sau đó và là cuộc xung đột đẫm máu nhất châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Mùa hè năm 1995, Croatia mở một chiến dịch quân sự chớp nhoáng để lấy lại phần đất của mình bị người Serbia cầm giữ. Tiếp đó, những người Serbia ở Bosnia bị tấn công và quân đội Serbia bị NATO đánh bom trong vòng ba tuần. Tình thế khó khăn buộc ông Milosevic phải nhân nhượng và ký vào hiệp ước hòa bình Dayton kết thúc cuộc chiến Bosnia. Tháng 7-1997, ông Milosevic được quốc hội liên bang bầu làm tổng thống Nam Tư. Năm 1998, ông Milosevic cử quân đội đến dập tắt cuộc nổi loạn ở tỉnh Kosovo khiến NATO lại mở chiến dịch đánh bom xuống Serbia. Tháng 9-2000, Nam Tư lần đầu tiên bầu cử trực tiếp tổng thống. Những người hậu thuẫn ông Vojislav Kostunica, đối thủ của ông Milosevic, tuyên bố giành thắng lợi song ủy ban bầu cử cho rằng cần phải tổ chức lại bầu cử vòng hai. Hàng trăm ngàn người phản đối ông Milosevic xuống đường và cả nước tổ chức đình công trong một sự kiện mà sau này các nhà sử học gọi đó là “cuộc cách mạng cam thứ nhất”. Milosevic bị truất phế vào ngày 5-10-2000. Sáu tháng sau, ông bị bắt và chuyển cho tòa án tội phạm chiến tranh La Haye của Liên Hiệp Quốc ở Hà Lan ngày 28-1-2001. Trước khi ông chết, phiên tòa của ông được dự định sẽ nối lại ngày 14-3 và sẽ kết thúc vào tháng năm năm nay. |
Kỳ sau: Con đường tới La Hayecủa S. Milosevic
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận