Phóng to |
Thẩm phán Huỳnh Lập Thành, phó chánh tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao TP.HCM |
Phóng viên Tuổi Trẻ đã trao đổi với thẩm phán Huỳnh Lập Thành, phó chánh tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao TP.HCM, xung quanh vấn đề này.
* Những ai được coi là người bị hại trong vụ án hình sự?
- Theo điều 39 Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS), người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần hoặc về tài sản do tội phạm gây ra. Người bị hại (hoặc đại diện hợp pháp của họ trong trường hợp người bị hại chết) có quyền đưa ra chứng cứ, yêu cầu, được thông báo về kết quả điều tra; có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, giám định viên, đề nghị mức bồi thường, có quyền tham dự phiên tòa; khiếu nại quyết định của cơ quan điều tra, viện kiểm sát (VKS), kháng cáo bản án và quyết định của tòa về phần bồi thường cũng như hình phạt đối với bị cáo.
Bộ luật TTHS cũng qui định nghĩa vụ của người bị hại: phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, VKS, tòa án; nếu từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu trách nhiệm về tội “từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu” theo điều 308 Bộ luật hình sự.
* Còn quyền và nghĩa vụ của người liên quan như thế nào, thưa ông?
- Người liên quan (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án) có quyền tham gia phiên tòa, đưa ra chứng cứ và những yêu cầu. Người liên quan cũng có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định của tòa án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình.
* Sự có mặt của bị hại, người liên quan tại phiên tòa như thế nào? Họ có nghĩa vụ bắt buộc phải có mặt tại phiên tòa? Có thể ủy quyền cho người khác đến tham dự phiên tòa?
- Bị hại và người liên quan có quyền nhưng đồng thời cũng có nghĩa vụ phải tham dự phiên tòa theo triệu tập của tòa án. Tùy từng trường hợp người bị hại và người liên quan vắng mặt mà hội đồng xét xử có thể vẫn tiến hành xét xử hoặc phải hoãn phiên tòa. Người liên quan có lý do chính đáng thì được xem xét vắng mặt hoặc tạm hoãn sang một ngày khác trong quá trình phiên tòa diễn ra.
Bị hại và người liên quan vẫn có thể ủy quyền cho người khác thay mình tham dự phiên tòa, thủ tục ủy quyền phải tuân theo qui định của pháp luật.
* Những ai được coi là nhân chứng trong vụ án? Sự có mặt của nhân chứng tại phiên tòa có phải là bắt buộc hay không?
- Theo điều 43 Bộ luật TTHS, nhân chứng là người biết được những tình tiết có liên quan của vụ án, có thể được triệu tập đến tòa để làm chứng. Người làm chứng có nghĩa vụ khai báo trung thực tất cả những tình tiết của vụ án mà mình biết.
Trường hợp người làm chứng đã được cơ quan điều tra, VKS, tòa án triệu tập nhưng cố ý không đến mà không lý do chính đáng thì có thể bị dẫn giải đến tòa. Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo nếu không có lý do chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội từ chối khai báo, cung cấp tài liệu (điều 308 Bộ luật hình sự) hoặc nếu khai báo gian dối có thể bị truy tố về tội “khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật” theo điều 307 Bộ luật hình sự.
Sự có mặt của người làm chứng tại phiên tòa nhằm giúp hội đồng xét xử làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng không có mặt tại tòa nhưng trước đó đã có lời khai ở cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa có thể công bố lời khai của họ tại tòa. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng mà vắng mặt, tùy từng trường hợp hội đồng xét xử có thể quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử bình thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận