- Tôi nghĩ khá nhiều nhà văn, nhà thơ đều phải dựa vào những chất liệu trong cuộc sống khi sáng tác. Bản thân tôi khi làm thơ, tôi không ép mình phải làm theo một đề tài nào mà chỉ viết theo cảm xúc tự nhiên. Viết văn thì khác. Nó đòi hỏi phải tỉnh táo để suy luận và đặt vấn đề một cách logic, nên tôi thường viết khi đã suy nghĩ kỹ càng.
Tôi là một nhân tố của xã hội, chịu ảnh hưởng từ guồng quay này nên những câu chuyện tôi viết cũng dựa vào hiện thực cuộc sống của xã hội. Tất nhiên những kinh nghiệm sống của bản thân cũng giúp tôi rất nhiều khi nhận định vấn đề.
Phóng to |
Nhà văn - nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên |
2/ ĐẶNG TRẦN THANH(thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh)
* Câu 1: Giải thưởng văn học có ý nghĩa như thế nào với chị? Giải thưởng có phải là thước đo tài năng của nhà văn không? Chị nghĩ sao khi nhiều tác phẩm văn học đoạt giải cao mà không được bạn đọc biết đến nhiều?
- Nếu chỉ xét trên phương diện tìm tòi một tác phẩm hay trong một thời điểm nhất định, giải thưởng chính là thước đo tài năng của tác giả vào thời điểm ấy. Thước đo này - theo tôi - chưa hẳn đã xác định tài năng thật sự và vĩnh viễn của người đoạt giải, vì sau giải thưởng này, có thể họ sẽ viết giỏi hơn, hay hơn hoặc tệ hơn, dở hơn.
Bản thân tôi khi đoạt bất cứ giải thưởng nào, tôi cũng rất vui vì nó nói lên được sức viết của tôi vào thời điểm đó. Tuy nhiên, nó cũng làm tôi lo lắng vì sợ mình sẽ gặp phải tình trạng “tuột xuống” trong nghề viết. Việc này không chỉ làm tôi buồn mà sẽ gây thất vọng cho những người từng thích đọc tác phẩm của tôi.
Giải thưởng văn học - phần lớn dựa trên sự thẩm định của một ban giám khảo và tác phẩm đoạt giải phải chinh phục được đa số. Vì thế, giá trị của tác phẩm đoạt giải thường không sai. Tuy nhiên, việc tác phẩm ấy được bạn đọc biết đến nhiều hay không còn tùy thuộc vào vài vấn đề khác, như việc thông tin quảng bá quá kém. Cũng có khi tiêu chí của một giải thưởng lại không cùng pha với đa số người đọc...
* Câu 2: Chị nghĩ gì về cái mà người ta gọi là văn học mạng? Nó có phải là dòng chảy của văn học Việt Nam không? Theo chị thế nào là một “người đàn bà bí ẩn” và chị có phải là “người đàn bà bí ẩn” không? Nụ hôn như thế nào thì gọi là “nụ hôn buốt giá”? “Thức đến sáng và mơ” có gì thú vị không chị? Có bao giờ chị bất lực trước ngòi bút chưa?
- Văn học mạng, như tên gọi của nó, là những sản phẩm được khai sinh và phát triển rất mạnh trên mạng. Từ những tương tác nhờ tiện ích của công nghệ thông tin, các “tác giả” nhận được sự phản hồi, chia sẻ của người đọc rất nhanh. Qua đó, họ có thể hoàn thiện tác phẩm của mình. So với cách tiếp cận bạn đọc theo kiểu “truyền thống” - là in thành sách, thì văn học mạng đã thổi một hơi thở mới mẻ vào sinh hoạt văn chương ở nước ta. Có thể nói, văn học mạng cũng là một nhánh trong dòng chảy của văn học Việt Nam.
Mỗi phụ nữ đều có những bí ẩn riêng, tôi nghĩ vậy và sự bí ẩn của tôi nằm trong những trang viết tôi đã, đang và còn viết mãi. Tuy nhiên, ngòi bút của tôi không kỳ diệu để có thể sáng tác liên tục được. Có nhiều lúc tôi cũng bị trống rỗng và bế tắc không viết nổi câu nào, bạn ạ.
Nụ hôn buốt giá là nụ hôn dài... 323 trang. Bạn ra nhà sách sẽ thấy và có thể có nụ hôn này nếu bỏ ra... 65.000đ. “Thức đến sáng và mơ” rất thú vị, bạn ạ. Nó giúp tôi hoàn thành 100 bài thơ trong tập thơ cùng tên đấy.
3/ TRẦN DUY PHONG(162A/6 Trần Hưng Đạo, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ)
* Thơ ngày xưa rất khó in thành tập nhưng nếu được in thì toàn thơ hay, còn thơ hiện nay rất dễ in nhưng thơ hay rất hiếm. Xin cô cho biết tại sao vậy? Tại tác giả hay do người biên tập?
- Thật ra khi sáng tác, bất cứ ai cũng yêu đứa con tinh thần của mình và muốn khoe nó cho mọi người cùng chiêm ngưỡng. Thời kinh tế thị trường, việc in ấn dễ dàng nên các tác phẩm này cũng được biên tập dễ dàng theo. Bạn đọc tự do lựa chọn, sách hay thì mua về đọc, sách không hay thì không mua hoặc chỉ “mua lầm” một lần rồi... chán luôn tác giả. Tôi thấy việc này chẳng có gì đáng trách. Càng nhiều người in thơ, càng mừng vì vẫn có người yêu thơ.
4/ BÌNH TÚ NGỌC(Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam)
* Ai là thần tượng văn chương của chị? Thơ Việt Nam từ xưa đến nay, chị tâm đắc nhất bài thơ nào? Vì sao?
- Tôi yêu thơ và kính trọng nhà hiền triết, nhà thơ Tagore, Ấn Độ. Về văn, tôi thích đọc văn học cổ điển Nga, văn học hiện đại Mỹ. Gần đây, tôi có đọc văn học Hàn Quốc, văn học Ba Lan và cũng rất thích. Trong nước, tôi kính nể rất nhiều nhà văn, nhà thơ, thích đọc rất nhiều tác phẩm của họ, nhưng tôi không tôn ai làm thần tượng cả. Về thơ, tôi chỉ thích những câu thơ trong một bài chứ không thích trọn vẹn bài thơ nào, kể cả thơ tôi.
5/ DƯƠNG THANH HỮU(Trường đại học HUTECH TP.HCM)
* Câu 1: Chị đến với thơ từ lúc nào? Khi làm thơ và công bố rộng rãi cho tất cả độc giả, chị có nghĩ cảm hứng đó cần trau chuốt hay chỉnh sửa như thế nào để mọi người yêu thơ cùng đọc, có thể hiểu được và có thể chia sẻ cảm xúc này không? Hay chỉ tôn trọng đúng cảm xúc của mình trong phút cảm hứng bất chợt đó và đứa con tinh thần ra đời?
- Tôi làm thơ từ lúc còn rất nhỏ, khi chưa biết đó là thơ, bạn ạ. Kể từ đó tới nay, tôi luôn làm thơ theo cảm xúc của mình. Khi viết, tôi chỉ là “một con người” rất bình thường như bao con người khác, nên mọi rung cảm của tôi cũng giống mọi rung cảm của họ. Có thể nhờ vậy mà tôi có được sự đồng cảm của nhiều người. Tuy nhiên, khi đã được công chúng công nhận, tôi nghĩ mình nên nghiêm khắc và cẩn thận với câu chữ hơn. Vì thế tôi luôn đọc lại và chỉnh một đôi chỗ cần thiết phải sửa.
* Câu 2: Người đàn bà trong thơ chị rất táo bạo, vùng vẫy với những khát khao, còn chị trong đời thường là người như thế nào?
- Tôi nghĩ nếu táo bạo thì người phụ nữ trong thơ tôi cũng đã “hành động” theo những khát khao của mình rồi, không tốn tâm sức để vùng vẫy, để “muốn” (Em muốn giăng tay giữa trời mà hét), để “mơ” (Thức đến sáng và mơ) nữa đâu, bạn ạ. Người phụ nữ trong thơ tôi rất yếu đuối, chỉ dám vẫy vùng trong khát vọng chứ không dám làm. Ít nhiều, cô ấy cũng bị ảnh hưởng từ người phụ nữ thật sự ngoài đời - cũng yếu đuối và đầy khát vọng.
* Câu 3: Chị nói nghề cầm bút dễ khiến phụ nữ già đi rất nhanh nhưng làm thơ cũng là một cách giữ cho tâm hồn mình luôn tươi trẻ, tại sao lại có sự đối lập ấy?
- Đơn giản thôi bạn ạ. Người cầm bút thường nhạy cảm hơn những người bình thường. Sự nhạy cảm ấy cho họ nhìn và cảm nhận được sự việc nhanh và sâu sắc hơn, lo nghĩ, buồn rầu cũng nhiều hơn. Già nhanh là như vậy. Còn khi làm thơ, họ mặc sức mơ mộng và khao khát, mặc sức thả rong trí tưởng tượng của mình cho những điều họ mong muốn mà biết rõ chưa hoặc không thực hiện được. Tươi trẻ là nhờ thỏa nguyện trong tưởng tượng ấy.
6/ danhxarum_bl.1990@yahoo.com(Danh Xà Rụm-Xã Ninh Quới A, Hồng Dân, Bạc Liêu)
* Bất chợt tình yêu như ngọn cỏ/ như bướm theo đàn bay nhấp nhô/ lá chờ đợi ai mà lá đỏ/ rừng chờ đợi ai bát ngát mơ... Đó là một đoạn trong thơ của cô. Thế tình yêu ngoài đời thường của cô có đến “bất chợt” như vậy không ạ? Càng ngày tuổi cô càng “xế chiều”, có khi nào cô nghĩ mình không còn phù hợp với thơ tình nữa không?
- Nếu bạn hỏi về tình yêu đôi lứa thì tôi chưa bao giờ yêu bất chợt trong đời. Ngoài ra, với những tình yêu khác thì tôi luôn yêu bất chợt. Chẳng hạn tôi bất chợt yêu câu hỏi kế tiếp của bạn quá đi. Ai bảo tuổi xế chiều là không hợp thơ tình hả bạn? Bạn đọc bài thơ Tình già của Phan Khôi chưa? Hay nghe Tuấn Ngọc hát bài Nắng chiều rực rỡ của Phạm Duy? Hãy đọc hãy nghe để thấy tình yêu của tuổi xế chiều đẹp như thế nào.
7/ TRẦN THỊ HẢI(Lớp liên thông đại học báo chí khóa 5 Trường cao đẳng Phát Thanh Truyền Hình 1 Phủ Lý Hà Nam)
* Theo chị người phụ nữ làm thơ và viết văn có gì khác so với những người đàn ông làm việc này? Khi làm thơ và viết văn, yếu tố nào ở con người được chị khai thác và đưa vào văn chương nhiều nhất? Vì sao?
- Khi cầm bút, người phụ nữ làm thơ, viết văn khác nam giới khá nhiều. Họ mạnh mẽ và can đảm hơn vì phải đương đầu với định kiến của xã hội để làm một việc bình thường là cầm bút. Việc lao động trí óc của họ còn phải song song với việc làm tròn bổn phận một phụ nữ của gia đình. Vì thế, phải mạnh mẽ và dũng cảm lắm, họ mới theo nghiệp cầm bút được.
Bản thân tôi khi sáng tác, tôi luôn dựa vào bản năng sống còn trong mọi vấn đề của con người để viết, vì điều này là cốt lõi nảy sinh các loại chiến tranh và bộc lộ rõ nhất tính cách của mỗi người.
8/ TRẦN THỊ THANH(số nhà 482, tổ 12, ấp Long Bình A, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang)
* Phạm Thị Ngọc Liên nổi tiếng là một nhà thơ viết về tình yêu rất nữ tính. Nếu so với đời thật, nhà thơ và người phụ nữ trong chị, ai yêu quyết liệt hơn? Nếu được chọn làm người nữ của công chúng và người nữ của gia đình một cách toàn vẹn, người nữ nào mang đến hạnh phúc cho chị nhiều hơn?
- Nếu ba chữ “yêu quyết liệt” của bạn đề cập tới trạng thái yêu giành giật và chiếm hữu thì cả người phụ nữ trong thơ tôi và tôi đều không yêu quyết liệt, bạn ạ. Ngược lại, khi tình yêu là sự chia sẻ, tha thứ, chịu đựng và tự do thì cả cô ấy lẫn tôi đều quyết liệt yêu!
Nói như bạn Danh Xà Rụm ở trên thì càng ngày, tuổi tôi càng xế chiều và mái ấm gia đình là nơi tôi có được hạnh phúc nhiều nhất, vĩnh cửu nhất. Ở đó, tôi không bao giờ cô đơn.
9/ CAO VĂN QUYỀN(Phòng 6, số nhà 30, Ngõ 81, Đ, Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội)
* Cháu được biết cô từng có một bài đánh giá khách quan về vấn đề “Nhục cảm trong văn chương”. Đây cũng là khuynh hướng mới cho các nhà văn trẻ sáng tác. Vậy cô cho cháu hỏi: Cô đã có khi nào có ý định sáng tác về một đề tài nhạy cảm như thế này chưa ạ?
- Trong cả thơ và văn của tôi đều có những câu chữ viết về tính dục. Tuy nhiên, tôi thích đề cập đến nó một cách lãng mạn, ngọt ngào và tuyệt đối không dung tục. Trong bài “Nhục cảm trong văn chương” tôi cũng nói rõ về điều này. Tính dục chỉ là một khía cạnh tâm lý mà tôi muốn đưa vào cho phù hợp với trạng thái và tính cách nhân vật trong tác phẩm mà tôi đang viết. Ngoài ra, tôi không hề có ý định viết hẳn một tác phẩm về chủ đề này.
10/ NGUYỄN THỊ THANH HOA(Phòng B10 khu ký túc xá ĐH Sư phạm TP.HCM)
* Câu 1: Thưa cô, con có ước mơ trở thành một nhà báo, nhưng từ trước đến giờ, con lại chủ yếu được biết đến nhờ văn chương. Có người còn nói, con sẽ là một nhà văn trong tương lai, chứ e rằng viết văn kiểu nhân văn nhân bản như thế khó mà theo con đường báo chí đầy tàn khốc. Là một nhà thơ, nhà văn và bắt đầu viết báo ngay từ khi mới 17 tuổi, cô có suy nghĩ như thế nào ạ?
- Kinh nghiệm bản thân của tôi là khi bạn muốn viết gì, cứ viết. Câu chữ của bạn đương nhiên sẽ lệ thuộc vào nhận định và cách suy nghĩ vấn đề của bạn lúc ấy. Mỗi một tuổi đời trôi qua, kinh nghiệm sống sẽ giúp bạn định hình được ngòi bút của mình. Tư liệu cuộc sống cũng sẽ giúp bạn chuyển tải sự việc bằng thơ, văn hoặc tin, bài. Nhiều nhà báo vẫn viết văn và nhiều nhà văn vẫn viết báo đấy thôi. Thêm nữa, cả viết văn, viết báo đều cần đến tính nhân bản đấy bạn.
* Câu 2: Theo con biết, cô được coi là một nhà thơ tình. Cô cũng đã từng chia sẻ muốn làm thơ tình thì “người làm thơ phải hiểu rõ tình yêu là gì”. Vậy cô có nghĩ rằng một người đã hiểu quá rõ về tình yêu thì đôi khi sẽ thấy nó không còn đẹp để viết nên thơ không ạ?
- Dường như trong tâm cảm của mọi người, yêu là hành động, cảm xúc đương nhiên ai cũng biết và từng kinh qua trong đời. Có người chỉ yêu một lần, người khác thì vài lần và hơn thế nữa. Ai cũng nghĩ: Cứ mỗi lần trái tim ta rung động và gắn bó với một người khác phái về nhiều mặt, ấy là mỗi lần ta yêu.
Với cảm nhận ấy, tình yêu thật là đơn giản. Bản thân tôi cho rằng tình yêu phức tạp hơn nhiều. Tình yêu là thứ không thể nắm bắt, một định nghĩa mơ hồ mà con người luôn phải đi tìm. Trong cuộc tìm kiếm ấy, có rất nhiều cảm xúc ngộ nhận và sai lầm. Vì thế, có người cả đời chưa biết tình yêu là gì, cho dù họ đã con đàn, cháu đống hoặc đã thay đổi bạn đời, bạn tình nhiều lần.
Tình yêu - theo tôi nghĩ - là những khoảnh khắc cảm xúc cộng lại. Chữ “hiểu” mà tôi đề cập ở trên có nghĩa là bạn phải trải qua nhiều khoảnh khắc: hạnh phúc, đau khổ, chia sẻ, cô đơn, chịu đựng, tha thứ, tuyệt vọng, hi vọng... chỉ với một người. Trong tất cả mọi khoảnh khắc, bạn vẫn tìm thấy điều quan trọng nhất là trái tim bạn gắn bó với người ấy, không muốn xa rời người ấy. Thơ sẽ xuất hiện trong những khoảnh khắc này, bạn ạ. Bạn sẽ chỉ không làm thơ nữa được, khi bạn hết yêu hoặc tình yêu của bạn không gây ra được cảm xúc nào nữa.
11/ TRẦN PHƯƠNG THẢO(68 Ngô Gia Tự, An Hòa, Rạch Giá, Kiên Giang)
* Con được biết là cô bắt đầu theo nghề báo từ năm 17 tuổi. Cô có thể chia sẻ những khó khăn mà cô đã trải qua cũng như kinh nghiệm giúp cô vượt qua nó ạ! Con có ước mơ trở thành một nhà báo, nhà văn đa tài như cô, cô có thể cho con một vài lời khuyên được không ạ?
- Từ nhỏ, tôi đã được cha mẹ dạy cách hệ thống bài vở trong việc học hành nên khi đi làm, tôi cũng áp dụng nguyên tắc ấy trong công việc. Nhờ vậy, tôi không gặp khó khăn gì nhiều và nếu có, tôi cũng bình tĩnh vượt qua. Trong cuộc sống, cha tôi cũng huấn luyện các con làm việc gì cũng phải hết lòng và làm đến nơi đến chốn, không để dở dang.
Cho đến nay, tôi vẫn thực hiện lời ông dạy trong bất cứ việc làm gì của mình. Tuy nhiên, đôi lúc tôi cũng gặp cảm giác chán nản và tuyệt vọng khi công việc không được như ý mình mong muốn. Những lúc đó, tôi thường tìm cho mình một phương tiện, một lý do để xóa bỏ cảm giác này. Tôi hay đi du lịch hoặc nếu quá ít thời gian, tôi sẽ đi cắt tóc, uống cà phê, trò chuyện với bạn bè để lấy lại quân bình.
Để trở thành một nhà báo, nhà văn hay nhà thơ, trước nhất bạn phải viết đã. Viết bằng tất cả tâm huyết và năng lực của mình. Mục đích viết của bạn là phải viết nên một bài thơ, bài báo, truyện ngắn... mang lại được sự đồng cảm của nhiều người. Bạn hãy viết với trái tim trong sáng, không vướng bận bởi nhu cầu lợi lộc riêng, chẳng hạn viết-để-mau-nổi-tiếng hoặc mau được kết nạp vào hội nhà văn, nhà báo nào đó (hoặc được người khác khen là đa tài). Nếu bạn làm được điều đó, những câu chữ bạn viết ra ắt sẽ có tiếng vang và sự nổi tiếng sẽ đến với bạn như lẽ đương nhiên.
Thân gửi bạn đọc Áo Trắng,
Nhận được rất nhiều câu hỏi của các bạn gửi đến, tôi rất vui và cảm động. Thâm tâm tôi rất muốn trả lời tất cả các câu hỏi nhưng do hạn chế của trang bài, tôi chỉ có thể trả lời một số câu mà thôi, mong các bạn thông cảm.
Thật vui và hạnh phúc khi vẫn được độc giả Áo Trắng yêu thương và quan tâm. Cảm ơn các bạn rất nhiều và hi vọng sẽ còn nhiều dịp khác để trò chuyện với nhau.
Thân mến
Áo Trắng số Tân Niên (số 2) ra ngày 01/02/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận