![]() |
Gia đình anh Nguyên hôm nay, góc phải là cô con gái quyết tâm "học giỏi hơn ba" - Ảnh: Tố Oanh |
Hiện anh là giám đốc Công ty TNHH công nghiệp Thiện Mỹ chuyên ngành xi mạ.
Quà cưới độc đáo ngày ấy
Năm 1988, Nguyễn Duy Nguyên lập gia đình. Quà cưới anh tặng vợ là một xấp báo cũ. Chị thích nhất những trích đoạn:
Người đạt điểm cao nhất - Tuổi Trẻ ngày 27-6-1980: “...Khi bước chân vào học cấp III Nguyên đã biết suy nghĩ: “Đất nước còn nghèo quá, phải cố học để sau này làm được cái gì cho đất nước”. Liên tiếp ba năm liền được bình bầu là cháu ngoan Bác Hồ với sáu lần làm đơn vào Đoàn, hồ sơ bị gác lại vì lý lịch cũng không làm Nguyên nản lòng. Chi bộ Đảng nhà trường đứng ra bảo lãnh và rồi Nguyên đã được kết nạp vào Đoàn trước ngày nghỉ hè năm nay...”.
Nguyễn Duy Nguyên: “Ở nơi học tập được nhiều nhất” - Tuổi Trẻ 13-4-1985:
“...Sinh viên ra trường là người có chuyên ngành hẹp trên một chuyên môn rộng, mối quan hệ này khi vận dụng vào thực tế sẽ như thế nào?
(...) Ở hiện trường Cầu Kiệu, tôi (PV Phúc Tiến) thấy Nguyên khá thành thạo trong việc đến “thăm mạch” cho chiếc tàu hút bùn 60 ngựa. Trong trao đổi của Nguyên với người chỉ huy công trình, tôi nghe anh nhắc đến việc chế tạo loại cẩu cạp bùn, nhưng trước hết anh còn “chữa bệnh” cho chiếc tàu này. Duy Nguyên cũng đang nghiên cứu chế tạo bộ chấn lưu cho đèn cao áp, thay cho bộ phận nhập ngoại giá 15 đôla...”.
25 năm sau
![]() |
Nguyễn Duy Nguyên trong bài "Người đạt điểm cao nhất", tác giả Minh Thy, đăng trên Tuổi Trẻ ngày 27-6-1980 |
Tốt nghiệp xuất sắc ngành thiết bị điện Trường ĐH Bách khoa, Nguyên trở thành hạt nhân tốt của Công ty Chiếu sáng vỉa hè (Sở Công trình đô thị); được bầu làm bí thư Đoàn công ty, quyền trưởng phòng kỹ thuật thiết kế.
Ba năm sau, Nguyên quyết định tự mình làm chủ những sáng tạo của mình: chấp nhận bước vào nền kinh tế cạnh tranh thời mở cửa. Cuộc đời chàng kỹ sư mở sang một trang mới.
Học giỏi môn hóa, tự đọc sách mày mò, anh thử nghiệm thành công xi mạ trên nhựa. Đó cũng là thời điểm nở rộ xe máy “nghĩa địa” tân trang lại. Mặt hàng đầu tiên tiếp cận thị trường là những chiếc mặt nạ cho xe Cub 78, 80, 81… với lời chào hàng rất tự tin: “Tôi có thể làm xi mạ điện đẹp hơn nhiều so với hàng zin”. Từ nhựa, Nguyên lại mày mò tiếp kỹ thuật xi mạ trên kim loại để sản phẩm được đa dạng hơn.
Năm 1999 anh thuê đất lập xưởng ở phường 13, quận Bình Thạnh, chính thức xác định khả năng bằng cái tên “cơ sở Thiện Mỹ”. Cũng năm này Hãng xe Yamaha (Nhật Bản) bắt đầu triển khai sản xuất và lắp ráp xe máy tại VN. Họ đã chọn Thiện Mỹ. Lúc ấy xe Trung Quốc đang tiến vào VN ồ ạt rất dễ kiếm tiền, nhưng Nguyên lại chọn tiêu chí chất lượng: “Bằng mọi giá phải nắm lấy hợp đồng Yamaha”. Sau gần ba năm trời miệt mài, có khi lỗ vốn, con số 80% hư mỗi đợt sản xuất đã giảm dần xuống còn vài phần trăm.
Bây giờ, diện tích nhà xưởng của Nguyên rộng 7.000m2 đặt ở Khu công nghiệp Hố Nai (tỉnh Đồng Nai), quy mô sản xuất nếu tính về nguyên liệu dung dịch sử dụng mỗi ngày đã tăng lên gấp 1.000 lần so với xưởng đầu tiên. Một số hãng xe máy và hàng điện tử đã trở thành khách hàng thường xuyên và sản phẩm gia công xi mạ của công ty đã có mặt ở nhiều nước.
Suốt 25 năm qua, anh vẫn chọn cho mình duy nhất kiểu trang phục: quần tây xanh, áo sơmi trắng học trò và giày bata. Ngoài gia đình, gia tài quí nhất đối với anh là món quà cưới tặng vợ năm xưa. “Để mấy đứa nhỏ đọc và bắt chước ba” - anh cười. Luôn dẫn đầu lớp về thành tích học tập, Nguyễn Thiệu Vân Thảo, cô con gái giữa đang học lớp 8, bảo: “Con sẽ cố gắng học giỏi hơn ba”.
--------------
Tin, bài liên quan:
- Báo Tuổi Trẻ: bước ngoặt cuộc đời tôi- Hành trình của chùm bong bóng ước mơ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận