Người hâm mộ chờ đợi các thành viên VFF cùng nhìn về một hướng - Ảnh: Nam Khánh |
Theo đó, Promrut cho rằng mình đã không được xem trọng và tố HLV trưởng Kiatisak đã khuynh đảo đội tuyển, không tôn trọng trợ lý. Promrut cũng thẳng thắn nói là mình không hài lòng với một câu phát biểu của Kiatisak. Câu nói của “Zico” Thái như thế này: “Bất kỳ HLV nào dẫn dắt đội U-23 Thái Lan cũng có thể đoạt chức vô địch SEA Games 28”!
Nhận thấy sự mất đoàn kết có khả năng làm ảnh hưởng đến đại cục, ngay lập tức chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan Worawi Makudi đã mời cả Kiatisak, Promrut đến gặp ông. Và sau cuộc gặp này, Kiatisak công khai nói lời xin lỗi Promrut với báo chí. Kiatisak giải thích rằng câu nói của anh không nhằm hạ uy tín Promrut mà chỉ nhằm nói rằng đội U-23 Thái Lan rất mạnh nhờ đã có hai năm chuẩn bị. Tuy nhiên, anh xin lỗi Promrut vì câu nói ấy đã làm tổn thương đồng nghiệp một cách sâu sắc. Đáp lại lời xin lỗi của Kiatisak, Promrut đã rất vui vẻ và tuyên bố giữa họ đã hoàn toàn xóa đi những hiểu lầm, và tất cả cùng bắt tay nhau làm việc thật tốt vì tổ quốc.
Câu chuyện xảy ra trong làng bóng đá Thái Lan kể trên đã làm chúng tôi suy nghĩ rất nhiều. Thứ nhất, câu chuyện đó đã cho thấy rõ hơn nguyên nhân vì sao bóng đá Thái làm mưa làm gió ở Đông Nam Á. Thứ hai, ba con người quan trọng của bóng đá Thái có tên trong câu chuyện đều hành xử tuyệt vời. Với Promrut, bực tức, giận dữ là nói công khai, rất đáng mặt đàn ông. Với Kiatisak, dù là một đại công thần của bóng đá Thái, nhưng khi thấy mình sai cũng thẳng thắn đưa ra lời xin lỗi công khai. Còn Makudi, ông đã rất nhanh nhạy trong vai trò người đứng đầu, khi thấy manh nha xuất hiện dấu hiệu rạn nứt là nhanh chóng tổ chức cuộc gặp gỡ “ba mặt một lời” để xóa bỏ ngay hiềm khích.
Từ đó, không khỏi băn khoăn, người Việt chúng ta cũng có truyền thống và có ý thức rất cao về sức mạnh của đoàn kết. Ngay từ thuở còn thơ, ai chẳng nghe những câu ca dao, tục ngữ như “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, “Cả bè hơn cây nứa”, “Bẻ đũa chẳng bẻ được cả nắm”... Ai chẳng biết chuyện Trần Quốc Tuấn đích thân nấu nước thơm tắm cho Trần Quang Khải để xóa bỏ hiềm khích, cùng nhau đoàn kết chống giặc Nguyên Mông... Đến thời hiện đại, Bác Hồ cũng đã có câu nói nổi tiếng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” và nhờ áp dụng điều đó mà chúng ta thắng Pháp, đuổi Mỹ, chống bành trướng thành công.
Ấy vậy mà trong bóng đá lại không có được sự đoàn kết là sao? Trong suốt sáu nhiệm kỳ trước của VFF, chẳng có một nhiệm kỳ nào yên ổn khi chia bè phái nói xấu nhau, “đâm sau lưng” nhau liên miên... Đến nhiệm kỳ 7 đang diễn ra được nửa đường cũng chẳng khác gì. Đến đây thì phải ngừng lại một chút để nói rõ thêm, khi vừa rồi chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng trả lời báo Tuổi Trẻ đã nói là không có chuyện mất đoàn kết: Xin thưa đó chỉ là một sự tránh né sự thật. Trên thực tế, một số nhà báo có thâm niên (trong đó có người viết bài này) đều tận tai nghe một số vị trong bộ phận chóp bu của VFF đã nói xấu nhau, với mục đích muốn mượn báo chí để tấn công đối thủ.
Với bài viết này, chúng tôi không có mục đích bêu ra những câu chuyện cụ thể để nhằm làm xấu một ai, dù bằng chứng có rất nhiều. Bản thân người viết, cũng như những người yêu bóng đá Việt, chỉ có một mong muốn, đó là tất cả thành viên của VFF hãy dẹp bỏ mọi hiềm khích cá nhân và hướng đến một mục tiêu duy nhất như Kiatisak và Promrut đã nói: phục vụ tổ quốc (mà ở đây là xây dựng một nền bóng đá mạnh như mong muốn của người dân). Chúng tôi tin rằng VFF không thiếu năng lực mà chỉ thiếu sự đoàn kết, đồng lòng vì bóng đá Việt và quá xem trọng lợi ích cá nhân.
Được biết, trước trận gặp Thái Lan vào tối 13-10, VFF sẽ có một hội nghị ban chấp hành giữa kỳ và hi vọng câu chuyện “đoàn kết” sẽ là một chủ đề lớn cần được bàn bạc.
Kiatisak (trái) làm hòa với Promrut - Ảnh: FourFourTwo |
* Nhà báo VŨ CÔNG LẬP: “Bóng đá Việt trông vào người Việt!” Gọi điện nhờ ông Vũ Công Lập viết cho một bài với chủ đề về bóng đá Việt hiện tại, ông đã làm chúng tôi chưng hửng: ”Nói thật nhé, bây giờ mà nói tôi viết bài về thể thao người khuyết tật thì tôi bận mấy cũng ráng viết ngay chứ còn bóng đá Việt thì ngán lắm rồi”! Tuy vậy, ông cũng chia sẻ một số vấn đề mà ông cho là cốt lõi đang tồn tại ở VFF. Ông nói: ”Tôi thấy có một sự bất thường ở nhiệm kỳ VFF hiện tại, đó là người ta dựa vào người Nhật nhiều quá. Đội tuyển quốc gia, tuyển U-23 nam, tuyển nữ đều giao cho người Nhật. Thậm chí các mùa trước đây mời cả người Nhật sang làm cả việc điều hành các giải V-League, hạng nhất. Từ đó, VFF hầu như đã loại hết những người Việt am hiểu về chuyên môn bóng đá. Tôi cho đó là một điều hết sức tai hại. Không ai phủ nhận bóng đá Nhật đã rất thành công. Nhưng ngay chính họ cũng cho biết rằng để thành công được như hôm nay là nhờ chịu khó đi học tập các nền bóng đá Đức, Anh, Brazil..., rồi từ đó rút ra những cái gì hay, phù hợp với Nhật Bản để xây dựng một con đường riêng. Bởi con người Nhật, xã hội Nhật, kinh tế Nhật, chính trị Nhật...đâu có giống y khuôn các nước để bê nguyên xi về xài. Tương tự, con người Việt, xã hội Việt, kinh tế Việt, chính trị Việt... đâu thể giống y như Nhật Bản để mà chúng ta giao phó hết mọi chuyện cho các chuyên gia Nhật. Vì vậy, tôi cho rằng bóng đá Việt chỉ trông vào người Việt thôi. Có thuê chuyên gia thì cũng phải trao đổi, bàn bạc chứ không thể giao phó tất cả”. Bên cạnh đó, ông Lập cũng cho rằng các nhà quản lý bóng đá VN đang có một suy nghĩ sai lầm là đặt tổ chức VFF đứng trên các câu lạc bộ. Ông nói: ”Nên nhớ các CLB bóng đá mới là thành phần cốt lõi, căn bản của bóng đá. Vì vậy, muốn thay đổi căn cơ, tư duy của các nhà quản lý phải thay đổi, biết xem trọng các CLB, không xem các CLB là cấp dưới để ban phát, tạo cơ chế xin cho. Phải thay đổi như vậy thì các CLB mới mạnh lên được, kéo theo sự phát triển tích cực cho cả nền bóng đá Việt”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận