CĐV VN khóc nức nở sau trận thua Myanmar ở bán kết SEA Games 28. Nước mắt người hâm mộ rơi quá nhiều bởi VFF làm ăn chưa hiệu quả - Ảnh: Nguyên Khôi |
Người làm bóng đá hiện nay không có “nghề” bóng đá. Mặt khác, bản thân các “ông bóng đá” cũng chẳng ưa gì nhau để cùng làm bóng đá |
||
Nguyên chủ tịch VFF DƯƠNG NGHIỆP CHÍ |
* Những khó khăn ông và các cộng sự gặp phải ở khóa đầu tiên là gì?
- Khó khăn không nhiều bởi lúc đó bóng đá được Nhà nước bao cấp toàn bộ nên không phải lo lắng về kinh phí tổ chức, thi đấu. Tuy bóng đá cuối những năm 1980, đầu 1990 vẫn có sự nhường nhịn, xin - cho điểm và chúng tôi gọi đó là thứ bóng đá “tình cảm”. Dù là nhường nhịn điểm nhau nhưng chắc chắn không có chuyện mua bán độ như hiện nay. Làm bóng đá khi đó cứ như “đi ăn phở nhà nước” là vậy.
* Vai trò của VFF những năm đầu thành lập và sau khi đã trải qua bảy nhiệm kỳ, theo ông có gì khác nhau?
- Cách vận hành của bóng đá hiện nay theo kiểu một nửa bao cấp, một nửa theo cơ chế thị trường bởi phần lớn các CLB chuyên nghiệp hiện nay vẫn được Nhà nước nuôi bằng nguồn ngân sách của các địa phương. Chỉ một số ít CLB do các ông bầu là doanh nhân đứng đầu có nguồn thu chi gần cân bằng được.
Người làm bóng đá hiện nay không có “nghề” bóng đá. Mặt khác, bản thân các “ông bóng đá” cũng chẳng ưa gì nhau để cùng làm bóng đá. Trong khi các doanh nhân, tỉ phú thì không có hoặc có nhưng không muốn tham gia. Khi mà “đầu vào” là bóng đá học đường tụt hậu, kém phát triển thì “đầu ra” không thể tốt được. So với thời bao cấp, trình độ bóng đá VN có tiến bộ nhưng không theo kịp sự phát triển của quốc tế trong khi kỷ cương đi xuống, tiêu cực đi lên.
* Nhiệm kỳ 2 (1993 - 1997) ông không tham gia ứng cử chủ tịch VFF, nhưng đến nhiệm kỳ 5 người ta lại thấy ông là ứng viên chủ tịch VFF cùng với ông Nguyễn Trọng Hỷ. Vì sao lại có điều này, thưa ông?
- Bản thân tôi ngay từ khi được lệnh phải sang làm chủ tịch VFF khóa I thay anh Chữ đã là điều bất khả kháng. Tôi ngày xưa có chơi bóng đá nhưng chỉ chơi phong trào chứ chưa bao giờ chơi bóng đá đỉnh cao. VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp thì nên để cho người có nghề tham gia. Năm 2005, bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban TDTT Nguyễn Danh Thái lại mời tôi ra ứng cử chủ tịch VFF khóa V cùng với ông Nguyễn Trọng Hỷ. Trước khi đại hội diễn ra, lãnh đạo nhờ tôi đừng rút lui để “đại hội thành công tốt đẹp”, nó cũng giống như tôi làm “quân xanh” cho ông Hỷ thôi.
* Cách bầu cử của VFF các nhiệm kỳ có gì khác nhau không, thưa ông?
- Không khác gì nhau. Các vị trí chủ chốt ở VFF do Nhà nước quyết định. Nếu các địa phương, CLB không đồng ý ứng viên nào thì lãnh đạo ngành thể thao chỉ cần “động viên” các địa phương bỏ phiếu cho họ là sẽ trúng cả. Bóng đá chưa thể thoát khỏi sự điều hành của Nhà nước. Thế nhưng nếu Nhà nước buông ra để bóng đá vận hành theo cơ chế thị trường cũng không thể vận hành được. Bóng đá VN hiện nay là sự nhập nhằng giữa cơ chế Nhà nước điều hành nhưng lại vận hành theo cơ chế thị trường. Vì cơ chế này nên bóng đá VN khác biệt với các quốc gia khác và không thể phát triển được.
* Ông NGUYỄN TẤN MINH (nguyên phó chủ tịch VFF nhiệm kỳ 2): “Dọn nhà” tinh tươm để đón khách Bóng đá VN hiện nay có gì khác với thời của ông? Ông Minh đáp: “Chẳng khác gì. Đứng lại cũng có nghĩa đã thụt lùi. Cái mất mới đây nhất là VFF mất ghế thường trực AFC và từ điều này, uy tín của VFF ít nhiều bị mất đi ở AFC. Hai thập niên trước, các sân bóng luôn đầy ắp khán giả. Thời ấy, nguồn thu từ bán vé ở sân Thống Nhất luôn dồi dào. Nhờ vậy mà các đội Hải Quan, Cảng Sài Gòn, Công An TP.HCM đều được hưởng phần trăm khá lớn. Giờ thì sân nào tổ chức cũng than lỗ, không có tiền bản quyền truyền hình, quảng cáo giăng đầy sân nhưng nguồn thu thì chẳng đáng kể. Làm bóng đá chuyên nghiệp mà thu không đủ bù chi, chỉ cậy nhờ vào tài trợ hoặc sự rộng lượng của ông bầu thì nguy hiểm lắm. Doanh nghiệp của ông bầu mà “hắt hơi sổ mũi” thì đội bóng lao đao ngay. Tôi nhớ không lầm trong ba năm trở lại đây có khoảng chục đội chuyên nghiệp lẫn hạng nhất đua nhau xóa sổ do nhà tài trợ rút lui vì nhiều lý do khác nhau. Đây chính là vấn đề VFF phải xem lại để tìm hiểu vì sao doanh nghiệp quay lưng với bóng đá VN. Tôi có cảm giác VFF cho phép khai sinh một CLB quá dễ dàng, và cũng quá dễ dàng khi CLB được khai tử. Làm bóng đá kiểu dễ dãi như thế rất nhanh chóng làm mất niềm tin với người hâm mộ. Trong lúc kinh tế khó khăn, doanh nghiệp VN chưa thể cáng đáng cho một CLB chuyên nghiệp thì huy động nhiều doanh nghiệp khác cùng làm. Gấp rút đặt lời chào mời các thương hiệu, các nhà đầu tư nước ngoài nhập cuộc. Có thể khó, nhưng cần kiên trì và chứng minh được tính hiệu quả cho nhà đầu tư về thành tích cũng như sự phát triển hứa hẹn của CLB. Nhưng có lẽ trước khi “dọn nhà” tinh tươm để đón khách thì VFF cũng cần phải triệt để tự làm trong sạch, trước tiên là mạnh tay với các xìcăngđan, những cuộc chơi mờ ám... ở các giải đấu. Theo tôi, Liên đoàn Thể thao nói chung và VFF nói riêng phải là một tổ chức xã hội hóa thể thao đúng nghĩa. Nhà nước chỉ đóng vai trò lãnh đạo chứ không chỉ đạo phải làm thế này hay thế khác. Có vậy, những người tâm huyết mới toàn tâm, toàn ý làm việc". |
Nhập nhằng giữa nhà nước và tư nhân Vẫn câu chuyện nhập nhằng giữa nhà nước và tư nhân, ông Trần Mạnh Hùng - chủ tịch CLB Hải Phòng - cho rằng sân vận động bóng đá hiện nay trên cả nước gần như đều là sân nhà nước. Vì thế khi cần tu sửa, cải tạo theo yêu cầu của ban tổ chức giải là không thể vì đây là của nhà nước. Nếu đụng vào mà xảy ra sự cố, những người quản lý bóng đá "vướng tội" ngay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận