Tuy nhiên, nếu bạn quá chây ỳ và vùi mình quá nhiều trong những chiếc chăn ấm, chắc chắn bạn sẽ chẳng thể duy trì được một chế độ luyện tập thể dục đều đặn, các thói quen tốt của bạn dần lười biếng và sức khỏe của bạn chắc chắn sẽ suy giảm.
Để thức dậy cảm thấy sảng khoái, có rất nhiều điều bạn có thể làm trước khi đi ngủ như uống trà hoa cúc, tránh kiểm tra email… nhưng để vùng dậy khỏi chiếc chăn ấp áp chắc chắn bạn cần phải có những “thủ thuật” để thoát khỏi chúng.
Đừng thiết lập thời gian báo thức quá lâu
Thiết lập thời gian báo thức quá lâu cho thời gian dậy của bạn có thể sẽ khiến bạn càng trở nên lười dậy và có thể đi làm muộn bất cứ lúc nào vì những cơn ngủ ngắn ập đến và bạn chẳng còn định hình được thời gian để ra khỏi giường.
Thông thường, rất nhiều người hẹn giờ báo thức của mình từ 30-45 phút và đặt chế độ báo thức lại trong 10 phút. Điều này không hề nên chút nào bởi những “thói quen xấu” sẽ lừa gạt bạn khi chúng luôn nhảy nhót trong đầu bạn “vẫn còn 30 phút nữa mới phải dậy”, “vẫn còn 20 phút nữa mới đến giờ đi làm”…
Các chuyên gia cho rằng, các thói quen xấu đó sẽ dễ khiến bạn chìm vào những giấc ngủ lại và sẽ càng khó để ra khỏi giường. Bởi vậy hãy để thiết bị báo thức của bạn ở phía bên kia của phòng ngủ, hoặc khi âm thanh của đồng hồ báo thức vang lên, bạn hãy cố gắng tỉnh giấc và thức dậy, còn nếu không hãy để chúng ra xa khỏi tầm tay với để lần báo thức nhắc lại lần sau chắc chắn bạn phải ra khỏi giường để tắt chúng và đó chính là thời gian lý tưởng để bạn có thể tỉnh ngủ và có được một buổi sáng hoàn hảo.
Để hé rèm ngủ
Ánh sáng ban mai là một chiếc “đồng hồ báo thức” chuẩn xác khi bạn chẳng hề muốn rời xa chiếc chăn và chiếc giường ngủ ấm áp. Bởi vậy nếu chắc chắn rằng bạn cần thức dậy vào buổi sáng thì không nên đóng rèm ngủ quá kín.
Hãy kéo nhẹ chúng ra cho ánh sáng ban mai có thể tràn vào phòng ngủ của bạn, để chúng có thể giúp kéo bạn ra khỏi giường một cách nhẹ nhàng và thoải mái nhất trong những sáng mùa đông lạnh giá. Để ánh mặt trời chiếu vào sẽ làm cho sự trao đổi chất trong cơ thể nhanh hơn, kích thích bạn tỉnh dậy nhanh hơn. Đặc biệt tâm trí của bạn sẽ phản ứng với ánh sáng, giúp bạn nhanh chóng tỉnh táo.
“Dính” vào một lịch trình
Theo một khảo sát của National Sleep Foundation, mọi người thường có xu hướng ngủ thêm 30 phút vào những ngày cuối tuần so với các ngày khác trong tuần. Nhưng nhịp sinh học của cơ thể thiết lập lại mỗi ngày và việc thêm một vài giờ ngủ vào cuối tuần có thể “ném đi” việc làm tốt đẹp đó và gây ra tình trạng uể oải khi bạn cố gắng thức dậy.
Bởi vậy, thay vì ngủ nướng thêm vài chục phút vào cuối tuần, bạn hãy thử duy trì đều đặn, đúng giờ một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa hay chợp mắt vào giữa giờ chiều, đôi khi chỉ cần khoảng 20 phút.
Chắc chắn việc duy trì nhịp sinh học của cơ thể sẽ tốt hơn rất nhiều khi bạn cố gắng ngủ nướng vào mỗi dịp cuối tuần.
Vạch sẵn một lý do cho việc phải thức dậy sớm
Nếu bạn thức dậy vào một sáng mùa đông lạnh giá, cái lười chắc chắn sẽ lôi kéo bạn nằm ì trong chiếc chăn ấm áp, đặc biệt bạn chưa có một kế hoạch hay một công việc cụ thể buộc bạn phải vùng dậy khỏi chiếc giường của mình.
Bởi vậy, thật dễ dàng nếu bạn biết mình buộc phải dậy để thực hiện một công việc gì đó và buộc phải hoàn thành ngay. Bí quyết nhỏ ở đây là trước khi đi ngủ hãy liệt kê danh sách những công việc cần phải hoàn thành của ngày hôm sau, đặc biệt đánh dấu đậm vào những công việc bắt buộc bạn phải hoàn thành ngay trong buổi sáng ngày mai.
Thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày
Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người dậy sớm thường có được tâm trạng lạc quan và tinh thần chủ động trong công việc. Bởi vậy việc ngủ đủ giấc và thức dậy đúng một giờ nhất định mỗi ngày sẽ giúp cơ thể bạn có được một nhịp sinh học tốt, một thói quen giúp bạn dễ dàng thức dậy và có được tâm trạng luôn sảng khoái một ngày. Hãy đặt báo thức vào cùng một giờ cho tất cả các ngày trong tuần, đặc biệt hãy bỏ các thiết bị điện tử khác ra ngoài phòng ngủ để thật sự có được một giấc ngủ ngon giấc.
Nếu đã thức dậy, hãy ra khỏi giường
Đôi khi bạn tỉnh dậy trước cả giờ chuông báo thức, bạn xem đồng hồ và ỷ lại vẫn còn chưa đến giờ báo thức cần dậy và chắc chắn bạn sẽ càng trở nên lười hơn, nằm nán lại lâu hơn trên chiếc giường ấm áp của mình.
Tuy nhiên, nếu bạn chủ quan, có thể bạn sẽ ngủ quên và bị muộn giờ làm hay sai hẹn với ai đó, đặc biệt việc ngủ lại đó chẳng thể khiến tâm trạng bạn sảng khoái hơn mà đôi khi bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và tâm trạng lúc nào cũng uể oải. Bởi vậy, tốt nhất hãy tuân theo nhịp sinh học của cơ thể, khi bạn đã thức dậy, hãy ra khỏi giường, làm những động tác thể dục nhẹ nhàng trong khoảng 1-2 phút để vượt qua cái rét ban đầu, điều đó rất có lợi cho sức khỏe tổng thể của bạn về lâu dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận